Hậu quả bão số 3: Ghi ở vùng “đáy lũ”
LSO-Trên 250 ngôi nhà bị tốc mái, gần 2000 hộ vùng cánh đồng phải di dời khẩn cấp, 456 ha lúa mùa và hàng trăm ha thạch đen, rau màu bị nước lũ nhấn chìm; 14 trường học phải cho học sinh nghỉ học từ ngày 17/9; quốc lộ 4A đoạn qua xã Đại đồng vào thị trấn Thất Khê bị ngập sâu trong nước khiến hàng trăm xe bị ách tắc...là những con số sơ bộ mà Ban chỉ huy phòng chồng lụt bão và giảm nhẹ thiên tại huyện Tràng Định thống kê đến 10 giờ sáng ngày 18/9/2014.
Đám cưới dùng bè mảng |
Sau khi bị bão quét qua đêm 16/9, từ sáng ngày 17/9 trong vùng mưa dồn dập trong hơn 24 giờ đồng hồ. Do là vùng hạ lưu của các con sông lớn như Kỳ Cùng, Bắc Giang, Bắc Khê, nên tuy lượng mưa trên địa bàn huyện không thật lớn, nhưng nước từ vùng Bình Gia, Na Rì (Bắc Kạn) đổ về nên đến sáng ngày 18/9, huyện Tràng Định có 4 xã, thị trấn bị ảnh hưởng là Đề Thám, Hùng Sơn, Đại Đồng và thị trấn Thất Khê.
Tiếp xúc với chúng tôi, bà Hoàng Thị Sláy, thôn Kéo Láy xã Đại đồng cho biết, nhà có hai con trâu và 4 con lợn cùng đàn gà tới trăm con, đề phòng nước lũ lên về đêm, gia đình bà đã sơ tán vật nuôi lên vệ đường, làm lán tạm dựa vào hành lang đường bộ để những đồ vật dễ hỏng. Đúng như dự đoán, nước lên từ 1 giờ đêm, song lên một cách từ từ, điện mất, cả nhà cùng soi đuốc để di chuyển lên lán. Đi bè sang thị trấn dự dám cưới, chị Nguyễn Thị Soi, thôn Pác Luồng xã Đề Thám kể: “Gia đình ở ngay bãi ngoài cạnh quốc lộ 3B. Đối với người dân ở đây, việc chạy lũ là chuyện bình thường, nên khi nghe có bão lớn, mưa to là gia đình đã chuẩn bị di chuyển. Vì vậy không có thiệt hại gì; chỉ tiếc mấy sào lúa mùa mới bón phân và hơn sào ngô ven bãi, coi như mất trắng”.
Hàng trăm phương tiện bị ách tắc tại Km 50, quốc lộ 4A |
Ngày 18/9 ( tức ngày 25/8 ÂL) là ngày tốt nên khu vực các xã và thị trấn có đến hàng chục đám cưới, vào nhà mới. Bão về, lũ lên, đường sá bị chia cắt, nên các đám cưới thêm mười phần vất vả. Anh Hoàng Mạnh Trân ở thị trấn Thất Khê gả chồng cho con gái ở khu vực sâu trũng khu I, thị trấn. Do nước lũ lên cao, nhà trai không thể tổ chức tại nhà mà phải bắc rạp lên quốc lộ 4, cách nhà trên 500m; lễ gia tiên đành phải tạm gác lại. Khách mời thì đông, song rất nhiều người do vướng lũ cao nên không thể đến dự mà phải gọi điện cho người quen đến mừng giúp, cỗ “ế” khá nhiều.
Tại quốc lộ 4A, đoạn từ Km 50 đến Km 51, ranh giới xã Đại Đồng và thị trấn Thất Khê, từ 4 giờ sáng nước lũ dâng cao gây ngập trên 1km với độ sâu trung bình từ 0,80-1m, tất cả các loại phương tiện đều không thể qua được. Người dân ven đường đóng bè mảng “tăng bo” người và xe máy đi qua với mức giá 20 ngàn đồng/ người, 30 ngàn đồng/ người và xe máy. Chỉ từ 7 giờ đến 11 giờ, anh Chu Văn Văn Đông và 2 thanh niên đã thu được trên 4 triệu đồng vì công việc mang tính “thời vụ này”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai huyện Tràng Định cho biết, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện đã rút kinh nghiệm trong phòng chống bão số 2 (tháng 7/2014), nên khi có các Công điện của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, của UBND tỉnh, huyện đã họp khẩn cấp Ban chỉ đạo, phân công phân nhiệm cụ thể trong tuyên truyền và việc thực hiện nhiệm vụ. Ngay sáng ngày 18/9, ca nô của Ban chỉ huy quân sự huyện đã chở Chủ tịch huyện đi thị sát vùng cánh đồng, thăm hỏi bà con bị chia cắt do lũ, hỗ trợ và giúp đỡ bà con kịp thời. Lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự huyện đã tăng cường trực tại điểm ách tắc trên Quốc lộ 4A, không để người và phương tiện đi qua để đảm bảo an toàn. Do thực hiện chu đáo với phương châm “4 tại chỗ” nên toàn huyện không có thiệt hại về người. Nay nước đang rút chậm, huyện chỉ đạo huy động toàn thể cán bộ công chức, viên chức tập trung giúp dân dọn vệ sinh đường phố, ngõ xóm theo phương châm “nước rút đến đâu, môi trường sạch đến đó”.
Bè mảng “tăng bo” người và phương tiện qua úng ngập |
Theo dự kiến, nếu vùng thượng nguồn sông Kỳ Cùng, Bắc Giang, Bắc Khê không mưa, thì phải đến hết ngày 19/9, nước lũ mới rút hoàn toàn, khi ấy Tràng Định mới có thể triển khai đồng bộ các hoạt động khắc phục để khôi phục đời sống và sản xuất. Đứng giữa trời nắng nhìn nước ngập mênh mông, ông Tuấn thở dài: “ Lúa má, rau màu bị ngâm trong nước mà bị nắng gắt như thế này, cơ hội cứu vớt là rất thấp… Một số trường bán trú như Bắc Ái 1, Tân Minh…bị đổ phòng bán trú, tốc mái nhà bếp, công tác bán trú cho học sinh vùng cao chắc chắn bị ảnh hưởng trong một thời gian dài.”
MINH HỒNG
Ý kiến ()