Hậu phương vững chắc trên “trận địa” chống dịch
Những ngày qua, Bắc Ninh là “tâm dịch” Covid-19 của cả nước. Đứng trước một cuộc chiến không có tiếng súng nhưng vô cùng hiểm nguy, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh đã phát huy cao độ tinh thần “tương thân tương ái”, sẵn sàng xông pha, quyết tâm chung sức, đồng lòng cùng với chính quyền và nhân dân đẩy lùi đại dịch.
Bếp lửa hồng trong sương sớm
Đồng hồ điểm 3 giờ sáng, khi mọi người còn đang chìm sâu trong giấc ngủ, các chị em của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Gia Bình (huyện Gia Bình) đã có mặt tại nhà chị Nguyễn Thị Vân, Chi hội Phụ nữ thôn Nội Phú để nấu bữa ăn sáng phục vụ các cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng tham gia chống dịch tại khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến.
Người nhóm lửa, người nhặt rau, người thái thịt… những đôi bàn tay làm việc thoăn thoắt trong đêm. Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Gia Bình Nguyễn Thị Luyến chia sẻ, biết các lực lượng tuyến đầu làm việc rất vất vả nhưng ăn uống thất thường, Hội LHPN thị trấn Gia Bình đã nhanh chóng triển khai tổ chức “Bếp ăn mùa dịch”.
Ngay sau khi khởi xướng, gác lại công việc gia đình, rất đông các chị em xung phong tham gia. Trên tinh thần khẩn trương, bếp ăn chính thức đỏ lửa từ ngày 11-5.
Với 12 thành viên, một ngày ba bữa, mỗi bữa bếp ăn sẽ nấu khoảng 200 đến 250 suất cơm. Các “đầu bếp” lên thực đơn rất phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng. Bữa thì xôi nếp bọc lá sen, bữa bún riêu cua đồng, bữa thì cơm sườn xào chua ngọt…
Công việc bắt đầu từ lúc 3 giờ nhưng các chị em phải luôn tay, luôn chân mới xong việc. Khoảng 6 giờ sáng, sau khi các suất ăn nóng hổi được chuyển đến tận tay các cán bộ, chiến sĩ, các chị lại tất bật đi chợ, chuẩn bị thực phẩm nấu bữa trưa, bữa chiều và dọn dẹp bếp núc.
Guồng quay hối hả, cả tháng qua ngày nào cũng như vậy. Từ giữa tháng 5, thời tiết ngày hè vô cùng nóng nực, ở trong không gian bếp chật hẹp chị nào chị ấy nhễ nhại mồ hôi. Mặc dù công việc vất vả, vừa phải lo chu toàn việc nhà vừa đảm đương công việc ở bếp ăn, nhưng các chị luôn tràn đầy năng lượng.
Bếp trưởng Nguyễn Thị Vân bảo rằng: “Niềm vui của mấy chị em là hằng ngày được nấu những bữa ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng cho tiền phương có sức chiến đấu. Bữa nào các đồng chí ấy ăn hết suất chúng tôi mới thấy yên tâm. Không thể xông pha nơi tuyến đầu nhưng các chị em luôn mong được góp một phần sức mình vào cuộc chiến chống dịch đầy gian nan ấy”.
Những ngày qua, niềm khích lệ lớn lao của các hội viên Hội LHPN thị trấn Gia Bình là những lời động viên chân thành và sự ủng hộ cả về vật chất lẫn tinh thần của đông đảo người dân, mạnh thường quân dành cho bếp ăn.
Trước khi xã Phượng Mao (huyện Quế Võ) xuất hiện ca mắc Covid-19, từ ngày 13 đến 20-5, bếp ăn của Hội Phụ nữ xã Phượng Mao đã đỏ lửa, nấu từ 80 đến 90 suất ăn phục vụ các lực lượng tại điểm cách ly Trường Nguyễn Cao của huyện Quế Võ.
Chủ tịch Hội LHPN xã Phượng Mao Nguyễn Thị Nhàn cho biết, ngày 20-5, khi Phượng Mao bắt đầu ghi nhận các ca bệnh, chính quyền đã lập rất nhiều chốt chặn ở các thôn, xóm và các điểm giáp ranh. Để có thể cung cấp các bữa ăn cho lực lượng tại tất cả các điểm chốt, Hội Phụ nữ xã đã khẩn trương thành lập một bếp ăn mới. Chị em xung phong tham gia đông lắm nhưng để bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch, bếp ăn chỉ nhận khoảng 10 người và chia làm hai ca luôn phiên nấu. Sau khi kết thúc việc giao cơm tối, dọn dẹp bếp, ngày nào mấy chị em cũng nán lại thảo luận thực đơn cho ngày hôm sau.
Lấy tay quệt mồ hôi ngang trán, vừa cười chị Nhàn vừa cho biết, “Việc lên thực đơn khó lắm, có hôm bàn luận đến 7-8 giờ tối mới thống nhất được ngày mai ăn gì. Ngày nào chúng tôi cũng trăn trở làm sao để nấu được món ăn ngon, vừa miệng, hợp khẩu vị cho các đồng chí ấy đủ sức khỏe bám chốt”.
Để có thực phẩm cung cấp cho bếp ăn, chị Nhàn đã chủ động kết nối với nhiều câu lạc bộ (CLB) và nhà hảo tâm như: CLB Nhịp sống trẻ, CLB Chung tay của Bắc Ninh. Hiện nay, hằng ngày, CLB Chung tay cung cấp miễn phí toàn bộ rau xanh, nhiều nhà hảo tâm và các chị em trong chi hội góp thịt, góp trứng, góp gạo… Toàn bộ số gạo sử dụng để nấu ăn trong cả tháng qua hoàn toàn do các mạnh thường quân ủng hộ, quyên góp.
Cùng với đó, Hội LHPN xã Phượng Mao còn kêu gọi, huy động kinh phí từ các nguồn xã hội hóa với số tiền quyên góp khoảng 100 triệu đồng. Nhờ vậy, sau hơn một tháng đi vào hoạt động bếp ăn chưa phải sử dụng đến kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.
Tại TP Bắc Ninh, từ 6 giờ sáng 18-5, toàn TP Bắc Ninh áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để kiểm soát người và phương tiện ra vào thành phố, Công an thành phố Bắc Ninh phối hợp các lực lượng liên quan thành lập 765 điểm chốt chặn. Đây là thời điểm khó khăn, có tính chất quyết định trong công tác phòng, chống dịch, bởi vậy những lực lượng tuyến đầu luôn phải căng mình làm việc. Thấu hiểu được nỗi vất vả, hơn 20 ngày qua, phụ nữ phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh đã thay nhau nấu những suất cơm gửi cho các y, bác sĩ, lực lượng đứng chốt tại các chốt kiểm dịch tại phường. Giữa cái nắng oi ả của trưa hè, các chị bảo: “Không sợ nắng, không sợ nóng, chỉ sợ bếp không đỏ lửa, không kịp mang những suất ăn nóng hổi cho lực lượng tuyến đầu. Lực lượng nòng cốt tham gia nấu cơm hằng ngày là các cán bộ nữ đang công tác tại phường. Để kịp nấu cơm cho khoảng 70 người, nhiều chị em mang cả rau củ lên cơ quan, vừa làm việc vừa tranh thủ lúc rảnh rỗi nhặt rau”.
Từ ca bệnh đầu tiên xuất hiện vào ngày 5-5, đến 14-6, tỉnh Bắc Ninh đã ghi nhận 1.352 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Hàng nghìn điểm chốt chặn được dựng lên, hàng chục điểm cách ly tập trung được đưa vào sử dụng, các bệnh viện dã chiến được kích hoạt ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện… Và, cũng rất nhiều những bếp ăn mùa dịch đã được các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh lập nên, tiếp sức cho biết bao cán bộ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch.
Hậu phương vững
Khi Bắc Ninh xuất hiện các ca bệnh Covid-19, các cấp Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã triển khai ngay nhiều hoạt động phòng, chống dịch. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của phụ nữ tham gia phòng, chống dịch từ cộng đồng.
Ngày 5-5, huyện Thuận Thành ghi nhận ca bệnh Covid-19 đầu tiên và chỉ vài ngày sau đó xã Mão Điền của huyện này trở thành tâm dịch của cả nước. Chủ tịch Hội LHPN huyện Thuận Thành Trương Thị Hạnh cho biết, trước tình hình đó, Hội LHPN huyện Thuận Thành đã khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Trong đó, 849 hội viên của các Chi hội tham gia vào các Tổ Covid cộng đồng, 1.090 hội viên tham gia vào các hoạt động hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, nấu ăn, trực chốt, làm hậu cần tại các khu cách ly…
Chủ tịch Hội LHPN xã Mão Điền Vũ Thị Luyên cho biết, ngày 5-5, xã Mão Điền xuất hiện ca bệnh đầu tiên. Ngày 7-5, nhà nhà, người người ở Mão Điền xếp hàng xét nghiệm. Cùng với chính quyền và cơ sở y tế thôn, xã, nhiều hội viên Hội Phụ nữ xã đã xung phong hỗ trợ bà con lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 15 nghìn người dân. Từ ngày 10-5, các chị em hội viên đã tích cực tham gia Tổ Covid cộng đồng và bắt đầu chiến dịch hỗ trợ người dân mua lương thực, thực phẩm, phát khẩu trang, nước sát khuẩn cho các hộ dân. Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt tình hình, động viên các gia đình có con em từ vùng có dịch trở về khai báo kịp thời với chính quyền địa phương, các ngành chức năng để thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp.
Quế Võ cũng là địa phương chịu ảnh hưởng khá nặng nề của dịch Covid-19. Đến nay, huyện ghi nhận hơn một trăm ca dương tính với SARS-CoV-2, với hàng chục ổ dịch, phong tỏa, cách ly y tế 25 thôn, xóm với gần 20.000 hộ và hơn 72.000 nhân khẩu. Cùng với các cấp chính quyền, Hội Phụ nữ các cấp huyện Quế Võ đã góp phần không nhỏ cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Chủ tịch Hội LHPN huyện Quế Võ Lê Thị Phượng cho biết, Hội đã chủ động nắm bắt tình hình, chỉ đạo các cơ sở hội phân công cán bộ hỗ trợ công tác rà soát, khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm nhanh cho người dân. Triển khai nhiều bếp ăn hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. Để bảo đảm lương thực trong các vùng phong tỏa, Hội Phụ nữ các xã thành lập hàng trăm tổ phụ nữ hậu cần ở cả trong và ngoài khu vực cách ly, hỗ trợ mua nhu yếu phẩm đồ dùng hàng ngày, phân chia hàng cứu trợ, kết nối tiêu thụ nông sản… cho các gia đình trong vùng phong tỏa, cách ly tại nhà.
Xã Phương Liễu là địa phương tập trung đông công nhân nhất huyện với khoảng 27 nghìn công nhân, người lao động. Ngày 22-5, xã ghi nhận những ca bệnh Covid-19 đầu tiên tại hai thôn Giang Liễu, Hà Liễu. Cùng ngày, cả bốn thôn trong xã bị phong toả. Dân số cơ học đông, mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm, chính quyền địa phương phải huy động toàn bộ các ban, nghành, đoàn thể phối hợp, hỗ trợ các lực lượng chức năng. Chủ tịch Hội LHPN xã Phương Liễu Nguyễn Thị Kim Nhung cho biết, Hội Phụ nữ xã huy động tất cả các hội viên tại các chi hội phối hợp hỗ trợ lực lượng chức năng. Tại mỗi điểm lấy mẫu, chúng tôi tiến hành phân luồng, hướng dẫn bà con sát khuẩn, giữ đúng khoảng cách khi xếp hàng…
Ở một số thôn đông dân chẳng hạn như thôn Giang Liễu có tới 20 nghìn công nhân, trong điều kiện thời tiết nóng bức, việc lấy mẫu rất vất vả, nhiều hôm đến 2-3 giờ sáng mới xong. Đến nay, cả bốn thôn trong xã đã lấy mẫu xét nghiệm toàn dân từ hai đến ba lần. Là địa phương đông dân cư, để hỗ trợ công nhân, người lao động cũng như người dân tại các khu vực bị phong toả, từ ngày 24-5, nhiều nhà hảo tâm, các đoàn cứu trợ đã chuyển nhu yếu phẩm quyên góp, ủng hộ bà con. Từ những bao hàng, kiện hàng lớn chúng tôi huy động tất cả các hội viên tham gia phân chia quà theo từng suất, sau đó vận chuyển đến từng nhà trọ, từng hộ dân phát đến tận tay từng người. Nhiều chuyến hàng là các loại thực phẩm tươi sống, trong ngày phải hoàn thành việc phân chia theo suất và chuyển đến người nhận, nhiều hôm các chị phải làm thông trưa, thông tối. Công việc bận rộn nhưng chúng tôi rất vui vì đến nay 100% công nhân, người dân ở Phương Liễu đều nhận được quà hỗ trợ. Song song với công tác phối hợp lấy mẫu xét nghiệm, phân chia quà, Hội phụ nữ xã còn tới từng nhà dân phát khẩu trang, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng, chống dịch.
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thời gian qua Hội LHPN các cấp tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương vào cuộc, nắm bắt tình hình tại địa phương. Từ đó, chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch thiết thực như phụ trách các bếp nấu ăn phục vụ khu cách ly, bệnh viện dã chiến, chốt kiểm dịch. Tích cực tham gia vào các tổ Covid cộng đồng. Hỗ trợ các lực lượng chức năng tại các điểm lấy mẫu xét nghiệm cũng như hỗ trợ chính quyền làm công tác hậu cần cho các vùng bị cách ly, quyên góp đồ thiết yếu cho các điểm chống dịch…
Tính từ đầu tháng 5 đến nay, phụ nữ toàn tỉnh đã quyên góp ủng hộ tiền và hiện vật trị giá gần 8 tỷ đồng để tổ chức các hoạt động trong đó tiền mặt là hơn ba tỷ đồng; 250 nghìn khẩu trang y tế và khẩu trang vải, 350 quạt điện; 245.500 chai rửa tay sát khuẩn, hơn 800 bộ quần áo bảo hộ cùng nhiều các nhu yếu phẩm thiết yếu như: 30 tấn gạo, 60 nghìn quả trứng, khoảng 1.500 thùng sữa và nước, hơn 100 tấn rau củ quả và nhiều mặt hang thiết yếu khác.
Bên cạnh đó, các cấp hội cũng chủ động tích cực bố trí, sắp xếp giúp nhau thu hoạch lúa và rau màu, hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp dân trong vùng dịch. Tiêu biểu phụ nữ Lương Tài đã tiêu thụ gần 20 tấn dưa hấu, dưa lê; thành phố Bắc Ninh hỗ trợ tiêu thụ hơn 20 tấn dưa, khoai, ổi…
Bằng những hoạt động thiết thực, Hội LHPN các cấp tỉnh Bắc Ninh đã và đang thể hiện vai trò tích cực, đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, góp phần cùng các cấp các ngành đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn. Trong gian khó, các cấp Hội Phụ nữ luôn là hậu phương, là tường thành vững chắc cho tiền phương chống dịch và tạo sự lan tỏa về ý thức, trách nhiệm mạnh mẽ trong cộng đồng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()