Hầu hết các ngân hàng vẫn kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận dương
Theo nhận định của các ngân hàng, trong quý 3/2021, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ tổng thể của khách hàng ở mức thấp và giảm so với quý trước, trong đó nhu cầu gửi tiền giảm mạnh.
Kết quả khảo sát mới nhất của Ngân hàng Nhà nước về xu hướng kinh doanh quý 4/2021 đối với toàn bộ tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cho thấy dù chịu sự tác động của dịch bệnh COVID-19, song vẫn có 83,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 13,3% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận “giảm” (cao hơn so với tỷ lệ 9,7% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2021).
Khác với xu hướng phổ biến trong các quý cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021 là “cải thiện nhẹ,” riêng trong quý 3/2021, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng đánh giá là có chiều hướng suy giảm so với quý trước.
Dự kiến trong thời gian tới, có 54% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý 4 và cả năm 2021, thấp hơn so với kỳ vọng tại kỳ điều tra trước (67,6-73,3%).
Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều tra xu hướng kinh doanh theo quý cho thấy lợi nhuận trước thuế cùng các kết quả hoạt động kinh doanh (thu nhập ròng từ lãi, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ, thu nhập từ hoạt động tự doanh) trong quý điều tra có chiều hướng suy giảm so với quý trước.
Cũng theo kết quả khảo sát, thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý 3/2021 duy trì ở trạng thái tốt và dồi dào hơn quý 2 đối với cả VND và ngoại tệ. Dự báo trong quý 4/2021, cả năm 2021 và năm 2022, thanh khoản được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt.
Mặt bằng lãi suất huy động-cho vay được các tổ chức tín dụng kỳ vọng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý 4/2021 và giảm đáng kể tính đến cuối năm 2021 so với cuối năm 2020.
Do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt của nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo nhận định của các tổ chức tín dụng, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục chiều hướng tăng rõ rệt.
Tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định rủi ro tổng thể của khách hàng hiện tại ở mức “cao và khá cao,” tiếp tục tăng từ mức 32,1% tại kỳ điều tra trước lên 46,5% ở kỳ điều tra này, ghi nhận mức cao nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước tiến hành điều tra xu hướng kinh doanh theo quý (quý 1/2014).
Huy động vốn toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 4,6% trong quý 4/2021 và tăng 10,4% trong năm 2021, điều chỉnh giảm so với mức kỳ vọng 11,9% tại kỳ điều tra trước. Dự báo năm 2022, huy động vốn của toàn hệ thống tổ chức tín dụng tăng trưởng 12,6% (điều chỉnh giảm so với mức tăng trưởng dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước).
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng dự báo tăng 4% trong quý 4/2021 và tăng 12,3% trong năm 2021, tiếp tục điều chỉnh giảm so với mức kỳ vọng 13,1% tại kỳ điều tra trước.
Bên cạnh đó, khác với kết quả điều tra tháng 6/2021, nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong quý 3/2021 được các tổ chức tín dụng nhận định có chiều hướng “tăng nhẹ” so với quý 2/2021. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ “giảm nhẹ” trong quý 4/2021 và trở về mức ổn định tính đến cuối năm 2021 sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, nền kinh tế dần phục hồi.
Theo nhận định của các tổ chức tín dụng, trong quý 3/2021, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức thấp và giảm so với quý trước, trong đó nhu cầu gửi tiền giảm mạnh. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi trở lại trong quý 4 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()