Hậu Giang: Quy hoạch 10 nghìn ha vườn cây ăn quả đặc sản
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, địa phương này đã quy hoạch, đầu tư diện tích vườn cây ăn quả đặc sản tập trung 10 nghìn ha tại 4 địa phương là huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy.
Diện tích cây có múi ở Hậu Giang chiếm tới 32% (Ảnh: K.V) |
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả nhiệt đới tập trung, với tổng diện tích gần 21 nghìn ha, sản lượng 150 nghìn tấn/năm, gồm các giống cây ăn quả chủ lực đã được cải thiện, có nguồn gen quý hiếm như cam, quít, bưởi năm roi Phú Hữu, nhãn, sầu riêng, măng cụt, vú sữa, chôm chôm, xoài, dâu… Trong đó, cây có múi chiếm 32% diện tích, 42% sản lượng, xoài chiếm 24% diện tích, 13% sản lượng.
Hiện nay, diện tích cây ăn quả của tỉnh Hậu Giang đã đạt hơn 26 nghìn ha, sản lượng đạt hơn 200 nghìn tấn. Nhiều loại quả đặc sản, thơm ngon nổi tiếng của Hậu Giang đã có mặt tại các thị trường trong và ngoài nước như bưởi năm roi Phú Thành, bưởi hồ lô Phú Hữu, cam sành Ngã Bảy, quýt đường Long Trị, xoài cát Hòa Lộc, chanh không hạt, dứa cầu Ðúc.v.v…
Một số loại cây ăn quả như chanh không hạt, bưởi năm roi, dứa cầu Ðúc…đang được đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bước đầu đã khẳng định thương hiệu và chất lượng trên thị trường trong và ngoài nước.
Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, kết hợp với khai thác du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tại các địa phương, phát huy tiềm năng, lợi thế của một tỉnh thuần nông, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hậu Giang cũng đã thông qua Chương trình Phát triển nông sản chủ lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Chương trình này nhằm xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung nông sản chủ lực theo hướng thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển thương hiệu, kênh tiêu thụ để nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy tăng hiệu quả sản xuất, tăng giá trị trên đơn vị diện tích, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần cải thiện bộ mặt nông thôn. Theo đó, Hậu Giang đã xác định 10 nông sản chủ lực của tỉnh, trong đó có những loại cây ăn quả là cam sành, bưởi, chanh không hạt, dứa, xoài cát, quýt đường.
Mục tiêu của chương trình này là hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung có sản lượng lớn, ổn định, gắn kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị và theo quy trình sản xuất tiến bộ. Hoàn thiện quy trình sản xuất của từng loại nông sản chủ lực. 80% số nông dân được đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp, đồng thời có từ 10% đến 15% diện tích cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, từ 70% đến 80% diện tích sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhóm cây ăn quả có múi, dứa sẽ sử dụng từ 90% đến 100% giống sạch bệnh, có năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, Hậu Giang phấn đấu xây dựng hoàn thành các nhãn hiệu nông sản, trong đó có bưởi, cam sành và dứa được thực hiện đạt tiêu chuẩn GAP, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()