Hậu Giang nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã
Xác định vai trò quan trọng của kinh thế tập thể (KTTT), thời gian qua, tỉnh Hậu Giang có nhiều hợp tác xã (HTX) hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện còn nhiều HTX có nguy cơ phải giải thể, nếu không có những giải pháp hỗ trợ thiết thực.
Tự thân vận động, thích ứng thị trường
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang Hà Văn Biên cho biết, lâu nay, mặc dù có các chính sách hỗ trợ cho HTX, nhưng do điều kiện địa phương còn khó khăn, cho nên việc thực hiện còn hạn chế. Tuy nhiên, cũng có nhiều HTX hoạt động có hiệu quả nhờ biết tự thân vận động, thích ứng với thị trường để tồn tại và phát triển. Điển hình như HTX nông nghiệp Thạnh Phước ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành đã tìm ra mô hình quản lý, quy trình sản xuất khép kín từ đầu vào đến đầu ra và phải mất gần 10 năm trái chanh không hạt của HTX này mới đứng vững và khẳng định vị thế trên thị trường. Ở đó, người ta thấy rõ sự tâm huyết và trí tuệ của Chủ nhiệm Hai Chiến (Nguyễn Văn Chiến), người đã mày mò, tìm kiếm và lai tạo ra loại trái cây chanh không hạt đặc biệt này, cũng như cách thức làm sao đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ, giúp tạo việc làm ổn định cho nhiều nông dân.
Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn chanh rộng hai ha, xã viên Nguyễn Văn Dư cho biết: “Giống chanh này chỉ trồng 18 tháng là cho trái quanh năm, năng suất từ 30 đến 50 tấn/ha, giá bán bình quân khoảng 15 nghìn đồng/kg, thời điểm cao nhất lên đến 36 nghìn đồng/kg. Tính ra, mỗi năm một ha chanh bà con thu lợi nhuận không dưới 300 triệu đồng”. Chủ nhiệm HTX Thạnh Phước Hai Chiến cho biết: HTX có 84 xã viên, diện tích canh tác gần 100 ha, trong đó có hơn 30 ha (với 25 xã viên) trồng theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGAP, bình quân mỗi ngày, HTX thu gom hơn một tấn chanh không hạt. Ngoài thị trường chính tiêu thụ ở các siêu thị trong nước, hiện chanh không hạt của HTX được nhiều đối tác thu mua xuất khẩu sang một số nước châu Âu và Xin-ga-po với số lượng từ hai đến ba tấn/tháng. Ngoài ra, HTX còn làm các dịch vụ như: sản xuất và cung ứng giống cây ăn trái sạch bệnh, phân bón, các loại chiếu lát hàng hóa, liên kết đào tạo nghề dệt chiếu… góp phần tăng thu nhập cho xã viên.
Thực tế cho thấy, khi HTX có năng lực điều hành, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (SXKDDV) phù hợp, thực hiện chế độ kế toán, công khai, minh bạch, huy động được vốn nội tại… thì hoạt động đạt hiệu quả. Ở HTX thủy sản Đại Thắng (chuyên nuôi cá tra) ở xã nông thôn mới Đại Thành (thị xã Ngã Bảy), tuy quy mô nhỏ, nhưng nhờ tổ chức hoạt động “bài bản” nên đạt hiệu quả cao. Chủ nhiệm HTX thủy sản Đại Thắng Nguyễn Tấn Phong cho biết: HTX có 18 thành viên, diện tích nuôi trồng sáu ha, nhưng vốn lưu động chỉ có 30 triệu đồng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, HTX huy động vốn nội bộ phát triển các dịch vụ như mua máy hút bùn, ký hợp đồng trực tiếp với công ty để mua thức ăn, thuốc thủy sản, thành lập nghiệp đoàn với 30 lao động để thu hoạch cá… Thấy được cái lợi cho nên bà con xã viên tin tưởng ủng hộ. Nhờ vậy mà chất lượng cá được bảo đảm, giá thành giảm, xã viên nuôi cá đều có lời, ngay cả khi giá cá tra xuống thấp, chưa kể lợi nhuận được chia từ hoạt động các dịch vụ…
Những hạn chế, yếu kém
Tỉnh Hậu Giang hiện có 190 HTX (125 HTX nông nghiệp và 65 HTX phi nông nghiệp). Trong đó, HTX hoạt động cầm chừng và yếu kém chiếm gần 50%, chủ yếu là HTX nông nghiệp. Hầu hết các HTX này có quy mô nhỏ lẻ, hoạt động thiếu định hướng về kế hoạch phát triển, thiếu tính tự quyết, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở pháp luật. Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hậu Giang Hà Văn Biên, những HTX yếu kém thường là do nguồn lực nội tại như vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực, trình độ quản lý hạn chế. Chưa xây dựng được phương án SXKDDV hợp lý, lợi nhuận thấp, không trích lập các quỹ, cho nên không có vốn tích lũy tái đầu tư mở rộng SXKDDV. Hầu hết các HTX này rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, nhiều HTX gần như chỉ hoạt động cầm chừng, không thực hiện chế độ kế toán, chỉ mở sổ tay ghi chép, thậm chí tổ chức hoạt động còn mang tính chất gia đình.
Trong khi đó, một số chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển KTTT của Nhà nước ban hành chậm và thiếu đồng bộ cho nên khó thực hiện. Đến nay, tỉnh Hậu Giang cũng chưa ban hành văn bản cụ thể hóa Nghị định số 88/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX. Các chính sách và biện pháp hỗ trợ HTX chưa rõ ràng, nguồn lực thực hiện ít lại phân tán nên không có tác dụng cao để tạo điều kiện cho các HTX củng cố và phát triển. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành và đoàn thể các cấp ở địa phương tuy có thực hiện, nhưng chưa đủ sức tác động hữu hiệu giúp HTX phát triển đúng hướng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN…
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động
Trên cơ sở xác định những hạn chế, yếu kém của các HTX, vấn đề đặt ra là làm sao để xây dựng và nâng cao chất lượng HTX, làm cơ sở cho việc tổ chức lại sản xuất, liên kết các cá nhân, hộ gia đình theo nguyên tắc tự nguyện, nhằm mở rộng quy mô SXKDDV, thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao sự đóng góp của khu vực KTTT vào tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng khoa học, công nghệ để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, từng bước tăng số lượng tiêu thụ hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động SXKDDV, thu hút nhiều người tham gia vào HTX, nhất là lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Văn Biên, để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT theo tinh thần Kết luận số 56-KL/TW ngày 21-2-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI), UBND tỉnh Hậu Giang vừa thông qua đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014-2016”, với tổng kinh phí thực hiện hơn 52,3 tỷ đồng. Theo đề án này, HTX sẽ được hỗ trợ nhiều mặt để củng cố tổ chức và hoạt động theo hướng SXKDDV tổng hợp, trên cơ sở có cơ chế thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi thiết thực như: đào tạo, bồi dưỡng, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học – công nghệ mới, tiếp cận các nguồn vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, giao đất để xây dựng trụ sở HTX (hiện tại hầu hết các HTX chưa có trụ sở làm việc). Đặc biệt, chọn bảy HTX để xây dựng mô hình HTX điển hình tiên tiến ở các vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn (lúa, mía, cây ăn trái, nuôi thủy sản…) để nhân rộng. Mô hình này phải đạt các tiêu chí theo quy định tại Quyết định số 62/2011/QĐLMHTXVN ngày 25-2-2011 của Liên minh HTX Việt Nam…
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trần Công Chánh cho biết: Trong sáu giải pháp thực hiện đề án này, tỉnh chú trọng thực hiện tốt giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ. Khi hiệu quả đề án này mang lại, sẽ càng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của KTTT, là nơi giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Mục tiêu đề án này đến năm 2016: Có hơn 2,5% số hộ nông nghiệp tham gia HTX (hiện là 1,3%); 70% số HTX trở lên đạt khá, giỏi, giảm HTX yếu kém xuống dưới 10%; thu nhập bình quân của hộ thành viên, người lao động trong HTX cao hơn mức thu nhập bình quân chung so với từng khu vực trong tỉnh; hơn 90% số cán bộ HTX qua đào tạo, tập huấn bồi dưỡng kiến thức về KTTT, kỹ năng quản lý, điều hành HTX, cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm 30%; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho hai HTX (hiện đã có sáu HTX được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa); từ 10 đến 15% diện tích cây ăn trái, rau màu của hộ thành viên trong HTX nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGap; hơn 30% số HTX nông nghiệp có trụ sở làm việc…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()