Hậu Giang huy động sức dân xây cầu, làm đường nông thôn
Huy động sức dân, đẩy mạnh xã hội hóa là cách làm hiệu quả trong xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) ở Hậu Giang. Những năm gần đây, tỉnh chú trọng phát triển hệ thống GTNT theo tiêu chí xã nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn.
Từ cách làm hiệu quả…
Trong điều kiện có nhiều khó khăn về vốn để phát triển hệ thống GTNT, tỉnh Hậu Giang đã vận dụng linh hoạt các nguồn vốn, nhất là biết dựa vào dân và huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Trong mười năm qua, tổng kinh phí xây dựng GTNT của tỉnh đạt gần 2.250 tỷ đồng, trong đó nhân dân và các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp gần 43%.
Theo đồng chí Võ Văn Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, ngoài việc huy động sức dân tại chỗ, các đồng chí lãnh đạo huyện còn tận dụng tối đa các mối quan hệ, thông qua đó làm cầu nối để vận động các doanh nghiệp, ngân hàng, Việt kiều, những con em của địa phương đi làm ăn xa thành đạt… cùng chung tay, góp sức xây cầu, làm đường cho bà con. Ở mỗi xã tranh thủ vận động xây dựng từ hai đến ba cây cầu mỗi năm. Nhờ thực hiện các công trình GTNT đạt chất lượng và có ý nghĩa, nhiều nhà tài trợ trước đó đã đóng góp, tiếp tục tài trợ thêm cho địa phương. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2014, huyện đã vận động được hơn 24 tỷ đồng xây cầu, làm đường nông thôn. Hiện nay, tuy chiến dịch vận động năm 2014 đã kết thúc, nhưng huyện vẫn vận động được một ngân hàng tài trợ 10 tỷ đồng để xây dựng ba tuyến giao thông ở xã Vĩnh Viễn, với quy cách theo tiêu chí nông thôn mới, mặt đường rộng từ 3 đến 3,5 m.
Với cách làm này, huyện Phụng Hiệp cũng là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả cao trong xây dựng GTNT. Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp Trần Văn Thắng chia sẻ: “Chuyện đồng chí Bí thư huyện tranh thủ ngày nghỉ đi vận động các nhà hảo tâm đóng góp, thể hiện tính tiên phong gương mẫu, càng làm cho anh em chúng tôi thấy được trách nhiệm của mình hơn, từ đó, có ý thức tận dụng triệt để mọi điều kiện có thể để vận động”. Theo đồng chí Thắng, việc xã hội hóa trong phát triển GTNT thời gian qua có sức lan tỏa rộng khắp và đạt nhiều kết quả thiết thực. Ngay cả người dân cũng tham gia vận động các nhà hảo tâm đóng góp xây cầu, làm đường. Ðiển hình như công trình cầu ở ấp Phương Quới B (xã Phương Bình) bắc qua tỉnh lộ 927, chính người dân ở đây vận động một nhà hảo tâm ở Ðồng Tháp đóng góp 180 triệu đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 50 triệu đồng để xây cầu. Ðiều đáng nói là đội thi công cầu này (20 người) cũng làm nhưng không lấy tiền công. Ngoài việc đóng góp cây để làm ván, đóng cốt-pha, móng cầu, bà con còn đi vận động gạo ở Long Bình, rau, cá ở chợ Cầu Móng… về nấu cơm cho cả đội ăn. Ông Trần Văn Thống, cán bộ hưu trí ở ấp này cho biết: “Cây cầu được làm theo đúng quy cách của huyện (rộng 3 m, dài 28 m), dưới sự giám sát của chính quyền và nhân dân nơi đây, cho nên chất lượng bảo đảm. Dự kiến đến khoảng giữa tháng 9 này, cây cầu sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng”…
Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn
Bây giờ có dịp về vùng quê lúa Hậu Giang, sẽ rất ít thấy những con đường làng lầy lội, những chiếc cầu khỉ cheo leo. Thay vào đó là những tuyến đường nhựa, bê-tông nối xã liền xã, ấp liền ấp, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.
Trên con đường bê-tông rộng 3,5 m vào ấp Phương Quới C, xã Phương Bình vừa mới đưa vào sử dụng hồi đầu năm nay, Trưởng ấp Trần Minh Thắng cho biết: Xưa kia đây là con đường làng lầy lội, rộng chưa tới một mét, đi lại rất khó khăn. Sau đó, bà con tự đóng góp đổ đá dăm đi tạm cho đỡ lầy lội trong mùa mưa. Khi vận động làm đường theo chuẩn nông thôn mới, bà con ai cũng đồng tình, sẵn sàng hiến đất, hoa màu, ngày công đào đắp lề đường, bơm cát nền hạ để nhà nước đầu tư phần mặt cứng. “Lúc đó ở đây vui lắm, nhà nhà cùng ra làm với tinh thần giống như thời chiến đi mở đường cho bộ đội ta đánh giặc”, Trưởng ấp Trần Minh Thắng nói trong niềm tự hào.
Chúng tôi ghé thăm nhà ông Nguyễn Văn Minh, lão nông sống kỳ cựu ở ấp này. Bên tách trà nóng, ông Minh nhớ lại cảnh trước đây, mỗi khi có bệnh tật gì đều phải dùng ghe để chuyển đi, mất cả tiếng đồng hồ mới đến được cơ sở y tế gần nhất. Còn bây giờ, nhờ đường sá rộng rãi có cả xe bốn bánh làm dịch vụ, thời gian đi lại chỉ mất chưa tới mười lăm phút. Ông Minh cho biết thêm: “Mấy năm nay, đời sống người dân ở đây được cải thiện đáng kể. Vì thế, khi có con đường trước nhà, bà con ai cũng bắt đầu có ý thức làm hàng rào, trồng hoa, cây xanh, chăm chút cảnh quan môi trường. Rồi cùng chính quyền xây dựng cổng rào an ninh trật tự, từ đó, các tệ nạn như trộm, cắp không còn như trước nữa”…
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thành Nhơn, Hậu Giang có hệ thống sông, rạch chằng chịt, với khoảng 80% số dân sống bằng nghề nông nghiệp. Thời điểm mới thành lập tỉnh (2004), Hậu Giang gặp khó khăn mọi mặt, nhất là hạ tầng giao thông. Trong điều kiện khó khăn đó, ngoài việc tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương để xây dựng các tuyến giao thông huyết mạch, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, tỉnh biết dựa vào dân, kêu gọi xã hội hóa để xây cầu, làm đường nông thôn. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trên cơ sở phát huy tốt quy chế dân chủ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, vì thế hằng năm phong trào làm GTNT phát động đến đâu, nhân dân đồng lòng thực hiện đến đó. Từ năm 2011, tỉnh chú trọng xây dựng các công trình giao thông theo tiêu chí về nông thôn mới, đã góp phần thay đổi nhanh diện mạo nông thôn.
Ðến nay, 51 xã của tỉnh Hậu Giang có đường ô-tô về đến trung tâm (ba xã còn lại đang được triển khai xây dựng do mới chia tách); 100% có đường xã liền xã và đường xã đến ấp, tỷ lệ mặt đường cứng hóa đạt khoảng 75%; có bảy xã được công nhận đạt tiêu chí số 2 về giao thông xã nông thôn mới. Tỉnh đã cơ bản hoàn thành hệ thống GTNT thông suốt, tuy chưa đạt 100% chuẩn nông thôn mới, nhưng đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
10 năm qua, Hậu Giang đã xây dựng được 5.283 km đường có chất lượng bảo đảm, trong đó có hơn 3.450 km đường nhựa và đường bê-tông; gần 1.275 km đường duy tu, sửa chữa; 554 km đường đá cấp phối. Xây dựng được 3.002 cây cầu, phần lớn có bề rộng trung bình từ 2,5 m trở lên. Tổng kinh phí thực hiện đạt gần 2.250 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 956 tỷ đồng, chiếm 42,5%.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()