Hậu Giang: Hàng nghìn héc ta mía đứng trước nguy cơ ngập úng nặng
Nước lũ đang dâng cao đe dọa hàng nghìn héc ta mía của tỉnh Hậu Giang với nguy cơ thiệt hại nặng khiến những ngày qua, hàng trăm hộ dân trồng mía của tỉnh Hậu Giang phải chạy đôn chạy đáo tìm thương lái thu mua.
Nước lũ đang dâng cao đe dọa hàng nghìn héc ta mía của tỉnh Hậu Giang với nguy cơ thiệt hại nặng khiến những ngày qua, hàng trăm hộ dân trồng mía của tỉnh Hậu Giang phải chạy đôn chạy đáo tìm thương lái thu mua.
Ông Đào Văn Tư (xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp) lo lắng cho biết, hiện 0,7 ha mía của gia đình đã bị ngập nước gần 20 ngày qua. Nhiều diện tích mía đã hư hỏng nhưng vẫn không tìm ra thương lái thu mua, mặc dù gia đình chấp nhận bán giá thấp. Theo ông Tư, nếu khoảng 10 ngày nữa không bán được thì vụ này gia đình thiệt hại nặng.
Đó cũng là điều lo lắng của hàng trăm hộ trồng mía tại các xã Hòa An, Phương Bình, Phương Phú và Hòa Mỹ của huyện Phụng Hiệp. Đây là 4 xã có diện tích trồng mía lớn nhưng đến nay chưa được đầu tư xây dựng hệ thống đê bao ngăn lũ, trong khi đó người dân ngày càng mở rộng diện tích, bất chấp khuyến cáo cuả ngành chức năng.
Theo phản ảnh của bà con, hiện có hơn 1.000 ha mía ở các địa phương này bị ngập nước khoảng 20 ngày qua, trong đó có hơn 350 ha mía ở xã Hòa Mỹ đã ngập sâu hơn 30 cm, nhiều diện tích mía ủ lá, héo chết dần.
Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: đến thời điểm này địa phương còn hơn 6.000 ha mía chưa thu hoạch, trong đó có gần 2.000 ha bị ngập sâu từ 20 – 30cm. Điều bà con lo lắng hiện nay là không có thương lái đến thu mua, trong khi dấu hiệu mía chết đã xảy ra nhiều nơi do nước ngập sâu trên diện rộng. Theo ông Tự, các địa phương đã nhiều lần kiến nghị nhưng ngành chức năng, nhà máy mía đường vẫn chưa đẩy nhanh tiến độ. Cái khó hiện nay là tình trạng thu mua, ép mía của các nhà máy rất chậm, trong khi giá mía lại đứng ở mức thấp nên những nơi điều kiện vận chuyển khó khăn, vùng sâu, vùng xa như ở các địa phương này càng gặp khó hơn.
Việc thu mua mía chậm hiện nay là lượng tồn kho của các nhà máy trên địa bàn còn nhiều. Hiện, số lượng ghe tàu vận chuyển mía nguyên liệu từ rẫy đến nhà máy khoảng 200 chiếc, với diện tích thu hoạch khoảng 100 ha/ngày. Việc tiêu thụ, thu hoạch chậm này đã ảnh hưởng rất lớn đến giá thành, do mía giảm chữ đường, kém chất lượng.
Bên cạnh đó, việc đo chữ đường để xác định giá thu mua của các nhà máy cũng gây nhiều bức xúc trong dân vì khâu này người của nhà máy tự đo, tự báo giá, không có sự giám sát của ngành chuyên môn hay người dân.
Trước khó khăn hiện nay, ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các nhà máy đẩy nhanh tiến độ ép, thu mua diện tích mía đã bao tiêu với nông dân; trong đó, ưu tiên thu mua diện tích mía ở những địa phương vùng trũng, nguy cơ ngập lụt cao. Cùng với tiêu thụ nội địa, các địa phương cần chủ động tìm, liên kết, phối hợp với các nhà máy đường ngoài tỉnh để thu mua cho người dân. Tỉnh đã thành lập tổ giám sát đo chữ đường nhằm bảo vệ người trồng mía, tránh bị thương lái, nhà máy ép giá. Tỉnh cũng khuyến cáo người dân chủ động gia cố bờ bao, máy móc bơm tháo nước khi cần thiết để giảm thiệt hại. Tuy nhiên, cái khó chung hiện nay là giá đường thương phẩm trên thị trường thấp, giá đường trong nước khó cạnh tranh với giá đường ngoài nước, trong khi đó đường nhập lậu ồ ạt về Việt Nam, gây khó khăn không nhỏ cho ngành mía đường trong nước. Từ khó khăn này, các nhà máy đường sợ thua lỗ, sản xuất cầm chừng dẫn nên lượng mía tiêu thụ trong dân chậm so với kế hoạch.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()