Hậu Giang công bố dịch bệnh trên cây cam sành
Ngày 28/7, UBND tỉnh Hậu Giang chính thức công bố dịch bệnh vàng lá gân xanh (Greening) ở cây cam sành trên địa bàn tỉnh này.
Theo đó, tỉnh Hậu Giang giao các địa phương thành lập Ban chỉ đạo chống dịch, tổ chức thực hiện công tác phòng, trừ dịch bệnh vàng lá gân xanh hại cam sành tại địa phương theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; đồng thời, huy động tối đa sự tham gia của nông dân, ngành nông nghiệp, tổ chức chính quyền và hệ thống chính trị các cấp để phòng, trừ dịch. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền cho nông dân về tác hại bệnh vàng lá gân xanh hại cam sành và biện pháp phòng trừ hữu hiệu nhất.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, sau khi công bố dịch, địa phương xem xét chính sách hỗ trợ cho nhà vườn đồng thời xây dựng phương án phục tráng lại diện tích vườn cam sành. Để khắc phục tình hình dịch bệnh có hiệu quả, Hậu Giang khuyến cáo nông dân tuyệt đối sử dụng nguồn giống chất lượng, rõ nguồn gốc.
Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh nhẹ, bà con nên sử dụng nấm Trichoderma để xử lý, đồng thời khai thông cống rãnh thoát nước, chống ngập úng; riêng những diện tích bị nhiễm nặng thì khuyến cáo nhà vườn nên đốn bỏ, tiêu hủy mầm bệnh, trồng mới lại.
Bên cạnh đó, ngoài việc liên doanh, liên kết với các viện, trường, câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất cây giống để nâng tỷ lệ cung ứng nguồn giống sạch bệnh cho bà con, ngành nông nghiệp tiếp tục ban hành quy trình sản xuất cam sành có quy định nghiêm ngặt hơn, tiến bộ hơn từ các viện, trường khuyến cáo để bà con phục hồi lại vùng nguyên liệu cam sành đạt hiệu quả; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán giống cam sành hiện nay của các thương lái ngoài tỉnh; nâng cao ý thức người dân về tác hại khi mua giống trôi nổi không rõ nguồn gốc…
Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện trên cây cam sành ở tỉnh này hơn một năm qua. Mặc dù, địa phương “cầu cứu” đến chuyên gia, nhà khoa học, trường, Viện Cây ăn quả miền Nam…, nhưng không mang lại kết quả như mong muốn. Hiện toàn tỉnh có gần 7.000 ha trong tổng số gần 10.000 ha cam sành bị bệnh vàng lá gân xanh. Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia, nguyên nhân dịch bệnh tấn công, khó phòng trị là do nông dân chuyển đổi sản xuất ồ ạt, chạy theo phong trào; quy trình sản xuất không đúng kỹ thuật, việc lên liếp, đắp mô, nền trồng cây ẩm thấp so với mặt nước; mua cây giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không sạch bệnh.
Theo ngành chuyên môn, bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ đã xuất hiện rất lâu trên các loại cây có múi, đặc biệt là cam sành ở đồng bằng sông Cửu Long. Trước đó, vào khoảng năm 2006 – 2007, bệnh này hoành hành đến nỗi nhà vườn trồng cam sành ở tỉnh Vĩnh Long phải buộc lòng chặt bỏ do không có cách điều trị hữu hiệu. Do đó, khuyến cáo bà con khi trồng loại cây này, cần phải lựa chọn cây giống sạch bệnh, sản xuất đúng quy trình, kỹ thuật.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()