Hậu COVID-19: Thẻ thông hành xanh đồng hành cùng du lịch cách nào?
Chiếc thẻ thông hành này phải thực sự “xanh,” thân thiện, vì quyền lợi của mọi công dân, đảm bảo thuận tiện cho người dùng thì mới phát huy được sức mạnh, giúp ngành du lịch sớm phục hồi.
Để cuộc sống quay về trạng thái bình thường, mọi hoạt động kinh tế trong đó có du lịch mau chóng hồi phục, các doanh nghiệp đang như “cá mắc cạn” sớm được vùng vẫy trở lại… thì “thẻ thông hành xanh” (hộ chiếu vaccine hay còn gọi giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19) được coi là giải pháp khả thi đối với các cơ quan quản lý trong bối cảnh hiện nay.
Thế nhưng, hiểu thế nào cho đúng về bản chất của tấm giấy này để quyền lợi của người dân đảm bảo được tôn trọng, để “lá bài” đó không cản trở nền kinh tế xanh “xanh” trở lại và đặc biệt, Việt Nam có thể học hỏi gì từ thực tế câu chuyện này ở các nước trên thế giới mới là việc đáng bàn.
Tiêm chủng có thực sự là “bùa hộ mệnh”?
Kể từ ngày 1/7, Liên minh châu Âu (EU) đã cấp giấy chứng nhận tiêm chủng COVID-19 kỹ thuật số được công nhận ở 27 quốc gia thành viên cũng như ở Thụy Sĩ và Na Uy. Theo đó, khi qua biên giới, mỗi công dân chỉ cần quét mã QR để được miễn kiểm dịch hoặc kiểm tra.
Hiện nhiều thành viên EU cũng đã miễn kiểm dịch cho những người đến từ gần 20 quốc gia thuộc “danh sách an toàn” nếu họ có xét nghiệm COVID-19 âm tính, ngay cả khi chưa hoàn thành tiêm chủng.
Điều đó cho thấy đối với một số nước, tiêm chủng vaccine COVID-19 không hoàn toàn là “bùa hộ mệnh” cho việc kết nối lại các vùng trời, mà cốt yếu vẫn là những cơ thể không nhiễm virus SARS-CoV-2. Bởi thực tế, sẽ có không ít công dân không đủ điều kiện được tiêm chủng. Với những trường hợp này, chẳng lẽ cả đời họ sẽ phải chịu cảnh ở đâu ở yên đó?
Cũng bởi vậy, cho tới nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn chưa đưa ra bất kỳ tiêu chuẩn cụ thể nào cho việc xây dựng các tiêu chuẩn hộ chiếu vaccine toàn cầu.
Tuy nhiên, trong trường hợp các quốc gia trên thế giới muốn sớm áp dụng hộ chiếu vaccine như một giải pháp an toàn, thì hơn 200 chính phủ sẽ cần đến một lượng rất lớn các thỏa thuận để có thể công nhận hộ chiếu vaccine lẫn nhau.
Các chuyên gia cho rằng để nối lại hoàn toàn các chuyến bay đang bị đứt quãng trên khắp hành tinh sẽ cần tới vài tháng, thậm chí vài năm, nhưng du lịch quốc tế lại có cơ hội tái khởi động sớm hơn. Nguyên nhân là các khối như Liên minh châu Âu và G7 đang tạo ra những tiêu chuẩn riêng trong việc công nhận du khách đã tiêm chủng.
Đặc biệt, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang phát triển nền tảng hộ chiếu vaccine độc lập. Hai quốc gia này cũng muốn đàm phán hành lang du lịch với các quốc gia khác trên cơ sở song phương…
Tương lai, nếu các nước sẵn sàng công nhận một hoặc nhiều hệ thống tài liệu kỹ thuật số được biết đến trên toàn cầu, khi tình hình chăm sóc sức khỏe cho phép cũng như dịch bệnh được kiểm soát. Điều đó có thể tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân xê dịch khắp thế giới, mở đường cho ngành du lịch vốn đang bị phủ một màu xám xịt sớm “xanh” trở lại.
Để chuẩn bị cho tương lai đó, hiện hệ thống hộ chiếu vaccine toàn cầu đã được một số nhóm, bao gồm Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế, Dự án Commons và Công ty nhận dạng kỹ thuật số Idemia của Pháp đề xuất.
Cần có giải pháp tương thích nhau cũng là vấn đề mà rất nhiều chính phủ đang quan tâm. Bởi đó chính là “chìa khóa” để công dân các quốc gia đi du lịch ra ngoài biên giới nước mình, ngược lại cũng để xác minh bất kỳ thẻ sức khỏe nào của khách du lịch nước ngoài đến.
Thực tế, việc chấp nhận hệ thống chứng nhận sức khỏe toàn cầu rất quan trọng với nhiều quốc gia ở châu Á – nơi phần lớn thu nhập người dân dựa vào du lịch, trong khi khu vực này đang phải ứng phó với những cuộc tấn công của biến thể Delta.
Ở nhiều nước châu Âu hiện có tỷ lệ phủ vaccine COVID-19 hơn 60% cũng đã mở cửa đón du khách như: Pháp, Đức Áo, Thụy Điển… Các nước này áp dụng giấy chứng nhận tương tự Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của châu Âu (EUDCC), hoặc dùng chính EUDCC để đi lại trong EU và khối Schengen.
Nên áp dụng thẻ thông hành xanh
Vừa qua tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) đã thực hiện cuộc khảo sát, phân tích hàng loạt ứng dụng chứng nhận an toàn dịch bệnh của các quốc gia và tổ chức trên thế giới, nhằm giới thiệu và đề xuất Chính phủ thực hiện chương trình thí điểm hộ chiếu vaccine ở Việt Nam.
Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch, ông Hoàng Nhân Chính cho biết TAB đề xuất thay cụm từ “hộ chiếu vaccine” bằng “thẻ thông hành xanh Việt Nam” nhằm tránh cách hiểu chưa đầy đủ và hình thức chứng nhận mới này sẽ áp dụng cho di chuyển trong nước cũng như quốc tế.
Các thành viên của Hội đồng Tư vấn du lịch nhấn mạnh rằng đối tượng được cấp thẻ thông hành xanh không chỉ gồm những người đã tiêm đủ vaccine, mà cần có cả những F0 đã khỏi bệnh, những người có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ (dù chưa hoàn thành tiêm chủng COVID-19).
Theo ông Chính, mục đích trước mắt của thẻ thông hành xanh là tạo điều kiện để công dân Việt Nam được đi lại trong nước thuận tiện, an toàn, các dịch vụ sản xuất, kinh doanh được hoạt động trở lại nhằm giúp phục hồi nền kinh tế, trong đó có du lịch.
Thẻ thông hành này cần được cấp miễn phí cho tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài đã đăng ký tạm trú ở Việt Nam, nhằm xác nhận người dùng có thể sử dụng các dịch vụ ngoài trời hoặc trong nhà; đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng; đi công tác, du lịch, thăm thân đến các địa phương trong nước vẫn còn cần kiểm soát dịch bệnh; đi công tác hoặc du lịch nước ngoài theo thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa chính phủ Việt Nam và các quốc gia/vùng lãnh thổ khác trên thế giới.
Để đạt độ tin cậy cao, thẻ thông hành xanh Việt Nam phải đảm bảo tính pháp lý và khả năng bảo mật thông tin. “Thẻ thông hành xanh Việt Nam cần cung cấp thông tin chính xác, minh bạch, kịp thời, đảm bảo không có sự giả mạo để đem lại công bằng cho mọi công dân, kể cả người có hoặc không có điện thoại thông minh. Ứng dụng cần xây dựng đa nền tảng (cho cả iOS và Android), mã QR dễ dàng truy xuất trên điện thoại thông minh hoặc in giấy để sử dụng, nhằm tạo thuận lợi cho người dùng,” ông Chính nhấn mạnh.
Các chuyên gia trong Hội đồng Tư vấn du lịch cho rằng khi thí điểm áp dụng thẻ thông hành xanh, Chính phủ cần đàm phán, thỏa thuận song phương hoặc đa phương với các quốc gia/vùng lãnh thổ khác trên thế giới để thẻ thông hành xanh Việt Nam được chấp nhận nhập cảnh vào các nước…
Đặc biệt, Chính phủ cần ưu tiên đàm phán thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau giữa các nước trong khối ASEAN, Liên minh châu Âu, Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (Thẻ thông hành IATA Travel Pass)…
Thời điểm hiện tại, theo các chuyên gia, ngành du lịch nên kiến nghị Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai thí điểm sớm, đồng bộ thẻ thông hành xanh trên cả nước cho một bộ, ngành làm đầu mối và chịu trách nhiệm.
Điều đáng nói, chiếc thẻ thông hành này phải thực sự “xanh,” thân thiện, vì quyền lợi của mọi công dân, đảm bảo thuận tiện cho người dùng thì mới phát huy được vai trò sức mạnh trong việc giúp nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là du lịch sớm phục hồi./.
Ý kiến ()