Hậu Covid-19, nước nghèo chưa hết lo
Khi “cơn ác mộng” Covid-19 qua đi, những nước nghèo đang trở thành nạn nhân của tình trạng “chảy máu chất xám” trong ngành y do những hành động “vô ý” của các nước giàu có.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cho biết, không dưới 55 quốc gia trên thế giới đang phải chật vật đối phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên y tế, trong đó châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 37 nước đang phải đương đầu với thực trạng này.
WHO cũng cho biết các nước nghèo đang ngày càng mất thêm nhiều nhân viên y tế vào tay những nước giàu hơn khi những nước này tìm cách bù đắp số nhân viên bị tổn thất trong đại dịch bằng cách tích cực tuyển dụng và đưa ra mức lương cùng các đãi ngộ hấp dẫn.
Các nước châu Phi bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế. Ảnh minh họa: Ảnh: Reuters |
Báo cáo mới nhất của WHO đã xem xét kỹ lưỡng hành động của các quốc gia giàu có thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Trong đó cho thấy một số nước giàu có thuộc OECD đã tăng cường hoạt động tuyển dụng để ứng phó với Covid-19 và bù đắp sự thiếu hụt nhân viên y tế trong thời gian đại dịch.
Tiến sĩ Jim Campbell, Giám đốc phụ trách chính sách nhân viên y tế của WHO cho biết, các nước OECD và các nước vùng Vịnh giàu có đang thu hút nhiều lao động trong ngành y, nhưng sự cạnh tranh giữa các quốc gia châu Phi cũng ngày càng gay gắt. Các quốc gia vùng Vịnh lâu nay vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn lao động quốc tế trong lĩnh vực y tế.
Mỹ là một trong những ví dụ về thu hút “chất xám” trong ngành y khi nước này phải vật lộn với Covid-19 trong một thời gian dài. Nhu cầu về y tá quốc tế tại Mỹ tăng gấp 3 đến 4 lần kể từ khi bùng nổ đại dịch. Cục Thống kê lao động Mỹ ước tính hơn 500.000 y tá dày dạn kinh nghiệm nghỉ hưu vào cuối năm ngoái cùng một lượng lớn điều dưỡng, y tá nghỉ việc do kiệt sức và căng thẳng trong đại dịch. Nhiều bệnh viện ở Mỹ đã phải cân nhắc thuê các nhân viên y tế từ Philippines, Jamaica và các nước nói tiếng Anh khác.
Trước thực trạng này, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã buộc phải đảo ngược chính sách hạn chế nhập cư hợp pháp của chính quyền tiền nhiệm, nhằm giúp thu hút nhân viên y tế nước ngoài. Nước Mỹ giữ chân các nhân viên y tế nước ngoài bằng cách đẩy nhanh việc gia hạn giấy phép lao động cho nhân viên y tế. Các đại sứ quán Mỹ ở nước ngoài cũng ưu tiên xét duyệt đơn xin thị thực của nhân viên y tế trong từng trường hợp cụ thể.
Ngoài ra, lực lượng lao động trong lĩnh vực y tế cũng có xu hướng tìm kiếm các cơ hội việc làm thu nhập cao hơn ở những nước phát triển hơn. Xu hướng đội ngũ y tá và nhân viên khác rời khỏi các khu vực ở châu Phi hoặc Đông Nam Á để có cơ hội tốt hơn ở các quốc gia giàu có ở Trung Đông hoặc châu Âu, diễn ra trước đại dịch nhưng đã tăng nhanh kể từ đó.
Theo The Star, một quốc gia ở khu vực Đông Nam Á là Malaysia cũng đang phải tìm cách ngăn chặn “chảy máu chất xám” trong ngành y. Một nam y tá của nước này làm việc tại Singapore nói với The Star rằng làm việc tại đảo quốc sư tử mang lại cơ hội có nhiều kinh nghiệm hơn để từ đó tới làm việc ở những quốc gia phát triển khác. Singapore thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế và nếu muốn tìm việc làm ở Australia, New Zealand hoặc thậm chí là Vương quốc Anh, cũng sẽ dễ dàng hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Y tế Malaysia Muruga Raj Rajathurai cho rằng, chính phủ cần thực hiện các biện pháp để mang lại triển vọng nghề nghiệp tốt hơn như thăng tiến hay chế độ đãi ngộ. Theo ông, mức lương hậu hĩnh hơn là một trong những lý do khiến các bác sĩ trẻ của nước này rời đi làm việc ở nước ngoài.
WHO đưa ra cảnh báo trên trong bối cảnh có khoảng 115.000 nhân viên y tế đã tử vong vì Covid-19 trên khắp thế giới trong thời kỳ đại dịch và nhiều người khác đã bỏ nghề vì kiệt sức và trầm cảm. Trong khi đó, theo tiến sĩ Jim Campbell, sự căng thẳng từ các cuộc đình công ở hơn 100 quốc gia kể từ khi đại dịch bắt đầu, bao gồm cả ở Anh và Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí đang lan ra các nước khác.
Theo báo cáo của WHO, thực trạng thiếu hụt nhân viên y tế có thể khiến các nước châu Phi khó hoàn thành Chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân trước năm 2030, một cam kết then chốt trong Các mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ.
Để giúp các nước bảo vệ hệ thống chăm sóc y tế mong manh, WHO vừa đưa ra một danh sách cập nhật những bảo đảm và hỗ trợ lực lượng lao động y tế, trong đó nêu bật các quốc gia có số lượng ít nhân viên chăm sóc y tế lành nghề. WHO cũng đưa ra một danh sách mới về các quốc gia dễ bị tổn thương, trong đó bổ sung thêm 8 quốc gia kể từ lần xuất bản gần đây nhất vào năm 2020, trong đó bao gồm Comoros, Rwanda, Zambia, Zimbabwe, Đông Timor, Lào, Tuvalu và Vanuatu. WHO nhấn mạnh “những quốc gia này cần được ưu tiên hỗ trợ để phát triển lực lượng nhân viên y tế, cùng với đó là việc có thêm những bảo đảm nhằm hạn chế hoạt động tuyển dụng quốc tế trong lĩnh vực này”.
Trước đó, vào năm 2010, WHO cũng đã phát hành một quy tắc thực hành toàn cầu tự nguyện về tuyển dụng nhân viên y tế quốc tế và kêu gọi các thành viên tuân thủ. WHO cho biết không chống lại việc di cư của người lao động nếu nó được quản lý một cách thích hợp. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã lên tiếng ủng hộ việc mọi quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, phù hợp với Các mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ, kêu gọi các nước “tôn trọng các quy định trong danh sách hỗ trợ và bảo vệ lực lượng nhân viên y tế của WHO”.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/hau-covid-19-nuoc-ngheo-chua-het-lo-722108
Ý kiến ()