Hát Quan Lang - Nét độc đáo trong đám cưới người tày huyện Bắc Sơn
– Bắc Sơn là huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh Lạng Sơn. Trong đó có gần 50.000 người Tày sinh sống, chiếm 68,62% dân số toàn huyện. Văn hóa truyền thống dân tộc Tày được coi là một trong những nét đặc trưng, đại diện cho bản sắc văn hóa tiêu biểu của Bắc Sơn. Trải qua quá trình hình thành, phát triển, cộng đồng các dân tộc huyện Bắc Sơn nói chung, dân tộc Tày nói riêng đã không ngừng sáng tạo, bồi đắp, hình thành nên hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú và mang đậm nét đặc trưng riêng. Tiêu biểu trong số đó là hát Quan Lang hay còn gọi là thơ lẩu/thơ đám cưới. Đây là một phong tục đẹp trong đám cưới truyền thống của người Tày huyện Bắc Sơn.
Hát Quan Lang trong đám cưới người Tày ẩn chứa tính nhân văn, lòng nhân ái và là hình thức để giao lưu, gắn chặt tình đoàn kết cộng đồng. Nét văn hoá độc đáo, đặc sắc này cần được lưu truyền để các thế hệ con cháu sau này luôn nhớ và gìn giữ, góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng dân ca đám cưới của các dân tộc Việt Nam.
Đầu tiên là tục căng dây chặn đường (hát để xưng danh, chào hỏi) trong một lễ cưới. Khi đoàn đón dâu của nhà trai đến ngõ nhà gái, nhà gái cho chăng dây qua đường, có nơi đóng cổng hoặc chăng dải vải rồi hỏi, chất vấn một số vấn đề liên quan đến họ nhà trai. Bên nhà trai phải hát đối cho hợp ý, hợp cảnh mới được nhà gái cho dỡ dây đi qua.
Trong một đám cưới truyền thống của người dân tộc Tày, hát quan làng thường được chia làm 3 cung đoạn: Đón (nhà trai đến xin dâu), nộp (trong lúc nhà gái nộp dâu), đưa (nhà trai đưa dâu về). Mỗi bài hát đều mang ý tứ, ứng xử của cả hai bên gia đình trai gái.
Trong lễ cưới của người Tày xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn có nhiều tục gồm: căng dây chặn đường, cúng tơ hồng, giữ cửa, xin trải chiếu, hát mời nước, lễ trình tổ nộp gánh, lễ xin đón dâu, đến nhà trai... Mỗi tục, hát Quan Lang được thể hiện một cách khác nhau.
Khi lên cầu thang chuẩn bị vào nhà, đoàn nhà gái lại cử người gây ra những thử thách mới với việc bày ngổn ngang nhiều thứ ở cửa ra vào như: chậu nước, cái chổi, cái đèn... gọi là chặng giữ cửa. Theo phong tục tập quán truyền đời, người Tày không bao giờ bước qua một thứ đồ dùng nào trong nhà. Do vậy để vượt qua thử thách này ông Quan Lang - trưởng đoàn nhà trai phải đối ứng bằng lời hát Quan Lang để người nhà gái cất các vật dụng đó đi mới vào nhà.
Sau bao thử thách, đoàn nhà trai được mời lên nhà, đến khu vực chính giữa trước ban thờ gia tiên, tuy nhiên chưa được ngồi vào ngay do chiếu chưa được trải hoặc được nhà gái cuộn vào, trải chiếu ngược, chiếu chéo… Khách đến phải hát các bài Quan Lang để người nhà gái trải chiếu cho đúng và mời đoàn nhà trai ngồi
Vượt qua các thử thách, nhà trai được mời ngồi vào chiếu, uống nước. Sau đó bắt đầu các nghi thức, nghi lễ quan trọng: lễ nộp gánh để dâng lễ vật, con rể lạy trình diện gia tiên, họ hàng, người thân của nhà gái. Ông Quan Lang - trưởng đoàn nhà trai báo cáo trình bày trước nhà gái thông qua các bài hát như: ca mở gánh, ca khám lễ, ca lạy họ, ca trình họ, mời họ ăn cơm.
Để đám cưới thêm thân tình, đầm ấm, Quan Lang hát mời mọi người cùng tham dự bữa cơm chia vui, chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ.
Những người hát Quan Lang đại diện cho nhà trai thường gọi là “Pú, Dà”, đại diện cho nhà gái thường gọi là “Tai, Ta” là những người làm nhiệm vụ thay mặt họ nhà trai, nhà gái mang trầu cau đến nhà gái từ việc dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho ngày cưới đến khi đón dâu về. Quan Lang phải là người đứng tuổi, đức độ, có uy tín, phong thái đĩnh đạc, người có vợ con, gia đình êm ấm, con cháu thảo hiền, là người giàu tri thức, am hiểu phong tục tập quán của dân tộc, có tài ứng khẩu thành thơ…
Thông thường việc đón dâu được đoàn nhà trai tính toán sao cho đoàn đón dâu về đến nhà đúng giờ đã định. Vị Quan Lang nhà trai trịnh trọng hát bài cảm ơn sự chu đáo của nhà gái, rồi xin ông bà, cha mẹ và họ hàng nhà gái cho phép nhà trai được đưa cô dâu về nhà.
Về đến nhà trai, cô dâu sẽ thắp hương và vái lạy tổ tiên nhà trai, được đại diện 2 bên gia đình dặn dò, nhắc nhở bằng những lời ca tiếng hát mộc mạc mà chứa chan tình cảm, răn dạy việc ứng xử giữa nàng dâu với chồng và bên nhà chồng, chàng rể ứng xử với vợ và bên nhà vợ. Ngoài ra còn là những lời ca ngợi, nhớ ơn công dưỡng dục của đấng sinh thành, là những lời chúc tốt đẹp trong ngày đại hỷ dành cho cô dâu, chú rể.
Ngoài những bài hát trên, trước đây trên đường nhà trai sang nhà gái hoặc nhà gái sang nhà trai khi nghỉ chân hoặc gặp giếng nước, đình, chùa… Các Quan Lang đều dừng lại hát các bài hát miêu tả cảnh vật và các sự kiện về giếng nước, đình, chùa.
Ý kiến ()