Hạt ngọc cho mùa vàng
Dòng sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu "Đạm Cà Mau". Nhà máy đạm Cà Mau - Dự án cuối cùng trong Cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau đã cơ bản hoàn tất. Ngày 24-11-2011, nhà máy đã vận hành an toàn và chạy thử thành công xưởng tạo hạt, một trong những công đoạn cuối cùng cho ra đời sản phẩm đạm Cà Mau trong niềm vui của những người thợ ở đây. Đầu năm 2012, dòng sản phẩm đạm đầu tiên mang thương hiệu "Đạm Cà Mau-Hạt ngọc mùa vàng" chính thức có mặt trên thị trường, đến với bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).Chúng tôi trở lại công trường xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau những ngày giáp Tết Nhâm Thìn. Bên trong nhà máy, những con đường rộng, đẹp vừa láng nhựa xong; những thảm cỏ, vườn hoa, cây cảnh tươi tốt, tràn đầy sắc xuân. Khâm phục và ấn tượng nhất là tinh thần lao động bền bỉ, khẩn trương của hàng nghìn người thợ đã làm nên một Nhà máy đạm Cà Mau bề thế và hiện đại giữa ngút ngàn mầu xanh rừng tràm U Minh hạ. Nằm...
Dòng sản phẩm đầu tiên mang thương hiệu “Đạm Cà Mau”. |
Chúng tôi trở lại công trường xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau những ngày giáp Tết Nhâm Thìn. Bên trong nhà máy, những con đường rộng, đẹp vừa láng nhựa xong; những thảm cỏ, vườn hoa, cây cảnh tươi tốt, tràn đầy sắc xuân. Khâm phục và ấn tượng nhất là tinh thần lao động bền bỉ, khẩn trương của hàng nghìn người thợ đã làm nên một Nhà máy đạm Cà Mau bề thế và hiện đại giữa ngút ngàn mầu xanh rừng tràm U Minh hạ. Nằm cận kề với Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 với công suất 1.500 MW; Nhà máy đạm Cà Mau có diện tích 52 ha và được khởi công tháng 7-2008, với công suất thiết kế 800 nghìn tấn sản phẩm u-rê/năm. Chứng kiến và sẻ chia niềm vui lớn với những người thợ ở đây, ngày 24-11-2011, vào lúc 12 giờ 25 phút, Nhà máy đạm Cà Mau đã vận hành an toàn và chạy thử thành công xưởng tạo hạt, một trong những công đoạn cuối cùng cho ra đời sản phẩm đạm Cà Mau; sớm hơn ba ngày so với mốc dự kiến ngày 27-11. Theo kiểm định, đánh giá bước đầu của các chuyên gia và kỹ sư về chất lượng, đặc điểm sản phẩm u-rê thương hiệu “Đạm Cà Mau”: hạt lớn đồng đều, độ cứng cao, độ phân giải thấp, chậm tan, chống thất thoát đạm và giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng tốt nhất; hàm lượng biuret thấp; hiệu suất làm khô cao, rất thích hợp cho việc phối trộn phân đơn và vận hành linh hoạt, linh động trong việc điều chỉnh kích cỡ hạt đạm…
Trải qua chặng đường gần 42 tháng thi công, đến nay Nhà máy đạm Cà Mau đã hoàn thành tổng thể hơn 99% khối lượng công việc. Để đạt được thành quả to lớn này, Ban Quản lý Dự án khí-điện-đạm Cà Mau (QLDA), Tổng thầu EPC nước ngoài và các nhà thầu phụ cùng đồng tâm hiệp lực vượt lên nhiều khó khăn, dồn sức bảo đảm thực hiện đúng tiến độ công trình; trong đó đã hoàn thành hơn 25 dấu mốc quan trọng về công tác xây dựng lắp đặt gần 8.600 tấn thiết bị cơ khí chính của nhà máy trong năm 2011. Thay nhau làm việc tăng ca, trong những ngày này, đội ngũ những người thợ ở đây lại tiếp tục làm việc sôi nổi và khẩn trương hơn; tất cả dồn sức để thực hiện hàng loạt biện pháp kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi độ chính xác, an toàn cao: như việc đấu nối, kiểm tra, vận hành, chạy thử các công đoạn, các hạng mục quan trọng của công trình: phân xưởng sản xuất amoniac, phân xưởng sản xuất u-rê, phân xưởng tạo hạt, các công trình nhà điều hành, nhà kho… nhằm hoàn thiện một cách tối ưu bảo đảm các quy trình kỹ thuật, chất lượng và đúng tiến độ. Sau khi chạy thử thành công, Nhà máy đạm Cà Mau tiếp tục tiến hành chạy thử đồng loạt các phân xưởng. Dự kiến đến đầu tháng 2-2012, Tổng thầu EPC sẽ hoàn thành và bàn giao toàn bộ dự án Nhà máy đạm Cà Mau cho chủ đầu tư và chính thức vận hành thương mại. Để bảo đảm việc vận hành tuyệt đối an toàn, nâng cao hiệu suất tối ưu của nhà máy trong quá trình sản xuất, Ban QLDA đã có bước chuẩn bị kỹ các khâu đào tạo về lý thuyết và thực hành cho 173 kỹ sư, 283 công nhân trực tiếp làm nhiệm vụ vận hành, bảo dưỡng nhà máy trước mắt và lâu dài. Hoàn tất các khóa đào tạo theo nhà thiết kế bản quyền công nghệ, nhà cung cấp thiết bị nồi hơi, máy nén, băng tải… đào tạo tại nhà máy tương tự tại In-đô-nê-xi-a.
Phó trưởng Ban QLDA khí-điện-đạm Cà Mau Hoàng Trọng Dũng, cho biết: Dự án này là công trình cuối cùng của Dự án cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau. Cùng với Nhà máy đạm Phú Mỹ, Nhà máy đạm Cà Mau sẽ nâng sản lượng đạm do PVN sản xuất đạt 1,5 triệu tấn/năm, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu phân đạm trong nước, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm cân đối cung – cầu, bình ổn giá phân bón và an ninh lương thực quốc gia; đồng thời có tính đến xuất khẩu. Tuy nhiên, về trước mắt, nhà máy sẽ đáp ứng nhu cầu phân đạm của thị trường tiêu thụ trong nước, trước hết là địa bàn các tỉnh ĐBSCL, vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo và tiêu thụ phân bón lớn nhất trong cả nước. Do đó, vấn đề đặt ra là sự liên kết với công tác khuyến nông với các địa phương như thế nào để khuyến khích việc đưa phân đạm Cà Mau bảo đảm với chi phí, giá thành hợp lý, đáp ứng sự mong đợi của bà con nông dân Cà Mau nói riêng, nông dân vùng ĐBSCL nói chung. Mục tiêu lớn nhất của Công ty TNHH một thành viên phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) là vận hành an toàn, bảo đảm công suất tối ưu, hiệu quả cao nhất. Theo đó, năm 2012, PVCFC phấn đấu vận hành nhà máy đạt 80% công suất với khoảng 610 tấn phân đạm u-rê cung cấp kịp thời cho các địa phương trong vùng. Ngoài việc bảo đảm nhu cầu phân đạm cho thị trường, PVCFC còn định hướng cung cấp khoảng 350 nghìn tấn đạm hạt đục/năm cho các nhà máy sản xuất phân bón NPK làm nguyên liệu đầu vào. Phương án sản xuất, kinh doanh của PVCFC đang triển khai việc xây dựng chiến lược phát triển hệ thống phân phối rộng khắp trên thị trường. Ngoài việc phát triển từ 15 đến 20 đại lý cấp một trên địa bàn, người nông dân sẽ hưởng lợi sản phẩm giá rẻ hơn do chi phí vận chuyển thấp. Đồng thời, về lâu dài sẽ mở rộng thị trường ra các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang… sử dụng nhiều kênh phân phối khác nhau để bảo đảm nguồn cung ổn định, chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
Đón mừng xuân Nhâm Thìn, những người thợ đang ngày đêm lao động khẩn trương trên công trường và người dân vùng đất miền cực nam của Tổ quốc tràn đầy niềm vui và phấn khởi trước sự kiện Nhà máy đạm Cà Mau – Dự án cuối cùng trong Cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau đã hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại. Trong câu chuyện của mình, những người thợ ở đây thường nói: “Hạt đạm thương hiệu Cà Mau” được ví như “Hạt ngọc” và sẽ mang đến những mùa lúa vàng bội thu cho bà con nông dân vùng ĐBSCL. Cùng với Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2 có công suất 1.500 MW và đường ống dẫn khí PM3 Cà Mau đã đưa vào hoạt động trong những năm qua đã tạo nên động lực mới, thúc đẩy kinh tế-xã hội của vùng bán đảo Cà Mau vươn lên tầm cao mới. Sự hình thành Cụm công nghiệp khí-điện-đạm Cà Mau đã và tiếp tục góp phần quan trọng cho sự phát triển, đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn… không chỉ cho Cà Mau và còn cho cả vùng ĐBSCL.
Theo Nhandan
Ý kiến ()