Hạt dẻ ván ghép - một hướng thoát nghèo của nông dân Xứ Lạng
LSO-Ẩn trong lớp vỏ như những chông gai dày đặc là những hạt đen hoặc nâu đậm, bóng bẩy; những quả hạt dẻ ván ghép đang trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân trên địa bàn.
![]() |
Người dân xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn thu hoạch dẻ ghép ván |
Nhắc đến hạt dẻ, có lẽ nhiều người nông dân đã không còn xa lạ gì đối với loại cây này. Trước đây, nó thường mọc tự nhiên ở trong rừng, người ta hái quả của nó về chủ yếu với mục đích sử dụng làm thực phẩm trong sinh hoạt hàng ngày. Trải qua nhiều năm, nó dần trở thành hàng hóa trên thị trường, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Trên cơ sở nghiên cứu, các ngành liên quan đã tiến hành thuần hóa những hạt dẻ rừng vào ươm, trồng tại các khu vườn đồi. Một trong những đề tài nghiên cứu đã thành công là hạt dẻ ván ghép do Công ty Cổ phần giống cây trồng Đông Bắc, khối Trần Quang Khải 2, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn thực hiện. Được thực hiện và trồng thử nghiệm từ năm 2005, đến năm 2010, nó đã được Bộ NN&PTNT Việt Nam công nhận là cây trồng lâm nghiệp mới. Ưu điểm của nó là sinh trưởng nhanh – thường là 3 năm sau khi trồng đã có thể cho thu hoạch; chịu hạn tốt, ít bị sâu bệnh, cây cho quả lâu năm… Do đó, công ty đã cho ươm, giới thiệu, hướng dẫn cho bà con nhiều địa phương trồng và đã có kết quả nhất định.
Là một trong những hộ đi đầu trong việc trồng cây hạt dẻ ván ghép trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, gia đình chị Hoàng Thị Thủy, thôn Quảng Trung 2, xã Quảng Lạc hiện có 1.500 cây với diện tích 2,5ha. Những năm qua, cây trồng này được coi là nguồn thu nhập chính và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình chị. Quan sát khu vườn đồi hạt dẻ của gia đình chị, chúng tôi thấy những cây trồng cao đều, khỏe khoắn, những quả hạt dẻ đua nhau nở vỏ, chìa ra những cái gai nhỏ sắc; các nhân công thì gọi nhau râm ran cả khu đồi. Chị Thủy phấn khởi nói: chừng 5 năm trở về đây, giá hạt dẻ luôn ổn định, với 3 mức giá khác nhau. Cụ thể, loại 1 là 100 nghìn đồng/kg; loại 2 là 80 nghìn đồng/kg và loại 3 là 60 nghìn đồng/kg. Nhờ vậy, trừ chi phí, gia đình tôi thu về khoảng 200 triệu đồng/năm; đồng thời tạo việc làm theo thời vụ cho một số lao động địa phương. Qua kinh nghiệm trồng lâu năm và không ngừng học hỏi, từ năm 2013, gia đình tôi đã tiến hành tự ghép cây để ươm giống, phục vụ nhu cầu của bà con địa phương; hiện trong vườn ươm của gia đình có 3.000 cây con.
Không chỉ trồng theo hộ gia đình mà hạt dẻ ván ghép còn được sử dụng theo các dự án trồng rừng tại các địa phương trong và ngoài tỉnh, với số lượng cây không ngừng tăng lên. Theo thống kê của Công ty Cổ phần giống cây trồng Đông Bắc, nếu như thời gian đầu, số lượng tiêu thụ cây giống hạt dẻ ván ghép chỉ khoảng vài ngàn cây, thì từ năm 2012 trở về đây đã lên đến vài vạn cây/năm. Thị trường tiêu thụ đã tập trung rải rác nhiều huyện trong tỉnh và cả một số địa phương ngoài tỉnh như huyện Bát Xát (Lào Cai), Tam Đường (Lai Châu), Vân Đồn (Quảng Ninh)… Cũng như nhiều cây trồng lâu năm khác, việc phát triển trồng hạt dẻ không những giúp người dân phát triển kinh tế mà còn có thêm tác dụng giữ đất, chống xói mòn. Bởi hạt dẻ thường được trồng ở địa hình đồi núi dốc, ưa đất khô cằn, chính vì thế nó còn ít tốn công chăm sóc.
Với địa hình đồi núi như ở Lạng Sơn, nhất là hiện nhiều nơi chưa thực sự tận dụng hiệu quả đất rừng để phục vụ trồng trọt thì hạt dẻ ván ghép là một hướng đi khá hợp lý. Trao đổi với ông Phạm Văn Trình, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần giống cây trồng Đông Bắc, được biết: thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng vườn ươm; tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng cây hạt dẻ ván ghép; góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân.
HOÀNG HUẤN
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()