Hào hứng với các màn ''drift'' xế độ của tay chơi Việt
Dưới trời mưa lớn buổi chiều cuối tuần (ngày 17-4), những chiếc xe “độ” thuộc câu lạc bộ Hanoi Drift Club biểu diễn kỹ năng drift điệu nghệ khiến người xem thích thú.
Trong bộ môn này, các loại xe dẫn động cầu sau được những tay đua sử dụng để thực hiện nhiều kỹ thuật khó. Một chiếc xe được xem như đang drift là trước khi vào góc cua, góc trượt ở phía sau lớn hơn phía trước và bánh trước xoay ở hướng ngược với góc cua.
Xuất hiện vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước tại Nhật Bản, drift dần trở thành một môn thể thao chuyên nghiệp, thịnh hành rộng rãi sang cả các nước châu Âu và châu Mỹ.
Hàng loạt các giải thi đấu đã xuất hiện ở nhiều quốc gia khác nhau như NZ Drift Series ở New Zealand, Pro-drift ở Malaysia và Australia, Drift Mania ở Canada, King of Europe Drift Series ở châu Âu, Formula D ở Mỹ, BDC ở Anh, Superdrift ở Italia, URC (United Racers Club) ở Bangladesh…. Những bộ phim đình đám như Fast and Furious: Tokyo Drift; Initial D… cũng thổi bùng niềm đam mê drift trong cộng đồng yêu xe trên khắp thế giới.
Tại Việt Nam, drift cũng phổ biến dần trong khoảng 5 năm trở lại đây. Do ô tô là tài sản có giá trị, các nhóm chơi khởi đầu chủ yếu sử dụng các mẫu xe cũ với giá rẻ. Khi kỹ năng dần tốt hơn, họ bắt đầu đầu tư mạnh tay cho các dòng xe đời mới mà nổi bật là Toyota GT 86, Subaru BR-Z, Genesis Coupe…, thậm chí là các mẫu xe châu Âu đắt tiền của BMW (đặc biệt là dòng Series 3 E46), Mercedes-Benz…
Các tay lái cũng ngày một nhiều hơn, nhiều tay lái có kinh nghiệm cũng mạnh dạn chia sẻ kỹ năng với “lính mới”, khiến số lượng người chơi có kỹ năng tốt tăng lên nhanh chóng. Một số giải thi đấu – dù vẫn chỉ ở quy mô nhỏ – thuộc hệ thống thi đấu của Hiệp hội Ô tô thể thao Việt Nam (VMA) từng bước chuyên nghiệp hóa môn thể thao đòi hỏi sự khéo léo này.
Ý kiến ()