Hành vi chống người thi hành công vụ có xu hướng tăng
Theo bạn đọc phản ánh, hiện nay số vụ chống đối lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ có xu hướng gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 78 vụ chống lại lực lượng CSGT, tăng 45 vụ tương đương khoảng 136% so với cùng kỳ năm trước. Hậu quả đã khiến 27 cán bộ CSGT bị thương, trong đó có một số người bị thương rất nặng, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tính nghiêm minh của pháp luật, mà còn gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Vừa qua, tại Km37+800 Quốc lộ 10 thuộc địa phận thôn Câu Đông, xã Quang Trung, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng, Tổ công tác Trạm CSGT Quang Trung, Phòng CSGT, Công an thành phố Hải Phòng phát hiện ô-tô BKS 15A-508.83 vi phạm vượt đèn đỏ. Khi cán bộ CSGT ra tín hiệu dừng phương tiện, lái xe không chấp hành hiệu lệnh mà còn lao xe thẳng vào tổ công tác khiến một cán bộ phải bám vào cần gạt mưa, nằm trên nắp ca-pô. Sau đó, lái xe tiếp tục điều khiển phương tiện đi khoảng 1 km. Hiện đối tượng Hoàng Trung Hiếu - người điều khiển ô-tô nêu trên đã ra trình diện. Căn cứ tài liệu thu thập được, lực lượng chức năng xác định hành vi của người này có dấu hiệu về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 78 vụ chống đối lực lượng CSGT, làm 27 đồng chí bị thương. Cơ quan cảnh sát điều tra công an các địa phương đã bắt giữ 78 đối tượng; khởi tố 56 vụ án, 56 đối tượng; 22 vụ, 22 đối tượng đang củng cố hồ sơ khởi tố theo quy định.
|
Trước đó, thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên Quốc lộ 18, Tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 2, Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh lập chốt kiểm tra nồng độ cồn và ma túy tại Km 106+500.
Trong quá trình làm nhiệm vụ tại Km 106+700, tổ công tác ra tín hiệu dừng phương tiện, yêu cầu các phương tiện đi vào khu vực kiểm tra nồng độ cồn, bất ngờ xe ô-tô BKS 14A-736.19 không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, quay đầu tăng ga bỏ chạy trên đoạn đường có biển cấm đi ngược chiều; gây nguy hiểm trực tiếp cho người, phương tiện tham gia giao thông và cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cán bộ Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác định, thông báo triệu tập lái xe vi phạm. Tại cơ quan công an, lái xe Nguyễn Trọng Dũng đã thừa nhận các lỗi vi phạm của mình. Qua kiểm tra (test) nhanh, lái xe âm tính với chất ma túy và trong cơ thể không có cồn. Vụ việc vi phạm đã được xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 78 vụ chống đối lực lượng CSGT, làm 27 đồng chí bị thương. Cơ quan cảnh sát điều tra công an các địa phương đã bắt giữ 78 đối tượng; khởi tố 56 vụ án, 56 đối tượng; 22 vụ, 22 đối tượng đang củng cố hồ sơ khởi tố theo quy định.
Về địa bàn, tập trung chủ yếu trên đường bộ, xảy ra nhiều tại các tỉnh, thành phố lớn, như: Hà Nội (9 vụ), Thái Nguyên (9 vụ), Quảng Ninh (8 vụ)… Nguyên nhân dẫn đến các hành vi chống đối lực lượng CSGT chủ yếu là do người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia dẫn đến không kiểm soát được hành động của bản thân.
Do lực lượng CSGT thường xuyên kiểm soát nồng độ cồn cho nên nhiều đối tượng sợ bị xử phạt, tước bằng, tạm giữ phương tiện dẫn đến có hành vi trốn, tránh, thậm chí chống đối lại. Một số người còn đóng cửa xe ô-tô khi bị yêu cầu kiểm tra chở quá tải, quá khổ; gọi nhiều người thân, bạn bè ra để cản trở việc thực thi nhiệm vụ hoặc hành hung cán bộ CSGT.
Bên cạnh những sai phạm từ phía người tham gia giao thông, vẫn còn một bộ phận CSGT chưa ứng xử đúng mực, hạn chế về kỹ năng xử lý tình huống phát sinh đối với người vi phạm; một số cán bộ chưa tuân thủ các quy trình, nguyên tắc trong xử lý vi phạm hành chính khiến người vi phạm bức xúc, tấn công cán bộ đang làm nhiệm vụ.
Từ những số liệu, cũng như các nguyên nhân chống đối lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ cho thấy, các vụ việc vi phạm không còn là hành vi vô ý, bột phát mà thể hiện sự liều lĩnh, coi thường pháp luật. Nguy hiểm hơn, một số người điều khiển phương tiện còn dùng gạch, đá, vũ khí tấn công hoặc lao thẳng xe vào cán bộ CSGT.
Theo quy định của pháp luật, để xử lý những hành vi chống đối lại lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ, nhất là lực lượng CSGT, Bộ luật Hình sự hiện nay đã quy định các tội danh tương ứng.
Ngoài ra, người vi phạm buộc phải xin lỗi công khai đối với người thi hành công vụ đó… Có thể thấy, các quy định pháp luật hiện nay để xử phạt về các hành vi chống đối lại lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tương đối chặt chẽ, bao quát. Chế tài xử phạt đối với những người có hành vi vi phạm thể hiện sự nghiêm khắc, đủ sức răn đe.
Tình trạng này đòi hỏi các ban, ngành, đoàn thể mà nòng cốt là CSGT cần đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về TTATGT để người vi phạm và người xử lý vi phạm cùng thượng tôn pháp luật.
Thông báo công khai chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nội dung tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT để người dân biết và đồng tình ủng hộ. Tăng cường đầu tư, ứng dụng khoa học-công nghệ vào hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm bảo đảm TTATGT. Phối hợp các đơn vị chức năng xử lý nghiêm những người cố tình hành hung, xúc phạm CSGT khi bị xử phạt.
Các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung các quy định pháp luật để có mức xử phạt tương xứng, tăng tính răn đe đối với người vi phạm.
Ðối với những trường hợp tái phạm nghiêm trọng nhiều lần, cần xem xét những chế tài xử lý nghiêm khắc để bảo vệ cộng đồng. Ngoài các biện pháp xử lý hình sự, dân sự, cần xem xét và tước giấy phép lái xe vĩnh viễn để những người vi phạm không có cơ hội tái phạm.
Trường hợp người vi phạm không đồng ý với các hình thức xử phạt của cơ quan chức năng, cần tạo hành lang pháp lý đơn giản để người vi phạm có thể khiếu nại, khởi kiện ra tòa án nhân dân các cấp ■
Ý kiến ()