Hành trình vươn tới đỉnh cao STEM thế giới
Giải đấu FGC được thành lập với mục tiêu cao hơn khi mong muốn trẻ em trên toàn thế giới có thể sử dụng STEM
Gần tháng cuối năm 2023, Việt Nam nhận tin vui giành huy chương vàng tại giải đấu robot lớn nhất thế giới (FGC-FIRST Global Challenge)-giải đấu quy tụ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là lần đầu tiên chúng ta có huy chương vàng cũng là lời khẳng định trình độ ứng dụng khoa học-công nghệ (KHCN) “chẳng kém ai” của học sinh Việt Nam.
Câu chuyện của chúng tôi với trưởng đoàn Lê Ngọc Tuấn, người sáng lập tổ chức giáo dục Maker Việt, Giám đốc Trải nghiệm công nghệ Ban công tác học đường Tổ chức giáo dục FPT, bắt đầu từ Dean Kamen, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận FIRST Global (Mỹ), một người ủng hộ không mệt mỏi cho KHCN.
Đội FGC Việt Nam tham dự giải đấu năm 2023 tại Singapore. Ảnh: LÊ NGỌC TUẤN |
Sau hơn 20 năm tổ chức nhiều cuộc thi về KHCN cho học sinh, thu hút hầu như các trường học ở Mỹ tham dự, Dean biết rằng tinh thần đồng đội, hợp tác, sự chuyên nghiệp và cảm hứng cần phải tiến xa hơn nữa. Giải đấu FGC được thành lập với mục tiêu cao hơn khi mong muốn trẻ em trên toàn thế giới có thể sử dụng STEM (KHCN, kỹ thuật, toán học) để giải quyết các vấn đề toàn cầu như nước sạch, năng lượng.
Năm 2017, giải FGC được thành lập đã thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, trình độ của các đội khi đó không đồng đều, thậm chí nhiều đội khi tham dự giải còn chưa lắp ráp robot hoàn chỉnh. Tham gia giải lần đó, đoàn Việt Nam xếp thứ 57 trong số hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ dự giải. Nhưng FGC với cách thức ghi nhận các đội tuyển tham dự, sự giao lưu của các quốc gia và nền văn hóa đã mang lại tác động truyền cảm hứng cho Việt Nam. Thế hệ những học sinh đi thi ngày ấy giờ là những người trẻ giỏi giang và cũng chính là những người châm “ngọn đuốc” đam mê cho nhiều thế hệ học sinh Việt Nam đến với giải đấu sau này.
Năm 2018, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam đã vượt lên giành vị trí thứ 12/161 đội tại giải đấu. Trưởng đoàn Lê Ngọc Tuấn vẫn sung sướng khi nhớ lại cảm giác được đội khác trầm trồ thán phục robot của Việt Nam. Năm ấy chúng ta giành Huy chương Đồng cho Giải Thiết kế kỹ thuật (giải khó nhất về kỹ thuật).
Năm 2019, Việt Nam giành Giải Gây quỹ nhờ thành công tuyên truyền trong cộng đồng về STEM cho trẻ nhỏ và thách thức toàn cầu cần giải quyết. Năm 2020 và 2021, cuộc thi tổ chức online do dịch Covid-19. Năm 2022, Huy chương Đồng Giải Đổi mới kỹ thuật và Giải An toàn robot của Việt Nam là sự kế thừa kết quả của những năm trước. Lúc này việc chọn người đi thi cho đội tuyển đã thay đổi, khắt khe, quy củ hơn. Yêu cầu đưa ra không chỉ giỏi mà còn phải là những người có mong muốn hướng tới cộng đồng.
Qua các năm, người này kế người kia, đội tuyển Việt Nam dần hoàn thiện. Tấm huy chương vàng năm 2023 là sự hội tụ các yếu tố robot đủ tốt, thành viên thi đấu ăn ý, tự tin. Trong đội có Nguyễn Đăng Quang, học sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Sơn Tây (Hà Nội). Đăng Quang là người dõi theo giải đấu từ khi còn là học sinh lớp 8. Vì thế, em nỗ lực thi vào Trường THPT Chuyên Sơn Tây, bởi nơi đây có phong trào STEM mạnh. Đăng Quang cũng như các bạn của mình đã cho thấy thế hệ trẻ Việt Nam hoàn toàn có năng lực cạnh tranh với thế giới. Sự cạnh tranh ấy không chỉ dừng lại ở toán, lý, hóa, sinh… mà cả ở những sản phẩm và công nghệ tiên tiến của thế giới.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/hanh-trinh-vuon-toi-dinh-cao-stem-the-gioi-761618
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()