Hành trình trả lại tên cho 19 liệt sĩ Trung đội Anh hùng
Câu chuyện chiến đấu, hy sinh quả cảm "1 thắng 100" như danh hiệu mà đồng bào, đồng chí ở Quảng Trị lưu truyền về Trung đội Mai Quốc Ca (tên người Trung đội trưởng hy sinh), thuộc Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 tại phía bắc cầu Quảng Trị (cầu Thạch Hãn) năm 1972 trong trận giải phóng Quảng Trị đã xuất hiện trên Báo Nhân Dân từ rất sớm. 20 người chiến đấu trong ngày 10-4-1972, hy sinh 19 người, một chiến sĩ bị thương nặng, bị địch bắt, giam cầm, được trao trả năm 1973, đã được nhà báo Trương Đức Anh, phóng viên Thông tấn xã giải phóng tường thuật trong bài báo xúc động "Cuộc chiến đấu bên cầu Quảng Trị", đăng Báo Nhân Dân ngày 2-6-1972, như một biểu tượng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Gắn liền với câu chuyện Trung đội Mai Quốc Ca còn là cuộc đấu tranh quyết liệt với địch của đồng chí, đồng bào thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, Triệu Phong (Quảng Trị) đòi lại thi thể các anh về chôn cất. Suốt cả ngày 10, sang ngày 11-4, cán bộ, du kích, nhân dân địa phương bất chấp sự đe dọa, khủng bố, đánh đập của địch, đấu tranh buộc địch trao trả thi hài đưa về chôn cất tại mép sông thôn Nhan Biều, bắc sông Thạch Hãn.
Từ năm 1972 đến nay, năm 2014, xoay quanh câu chuyện về sự hy sinh và những ngôi mộ của các anh vẫn tiếp tục một hành trình tri ân và trăn trở. Kể từ khi được cất bốc đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ Ái Tử, Triệu Phong sau hai lần di dời trước đó từ nơi trũng lên nơi cao hơn, Ban liên lạc Cựu chiến binh (BLL CCB) Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 cùng các ban, ngành và nhân dân Quảng Trị đã xác định lại đầy đủ tên tuổi cho 19 chiến sĩ – liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca, mời kiến trúc sư Hoàng Minh Phái đề xuất phương án tu bổ và đã được UBND tỉnh Quảng Trị, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp tôn tạo, hoàn thành giai đoạn 1 ngày 20-7-2007. Với kinh phí CCB đóng góp và tài trợ khoảng 400 triệu đồng, công trình tôn tạo trên nền Đài tưởng niệm cũ đã bổ sung danh sách, quê quán 19 liệt sĩ trên tấm bia hình trái tim bằng đá đỏ Bình Định; làm mới 200 m 2 sân hành lễ bằng đá Thanh Hóa, lập Bia chiến công bằng đá đen Bình Định.
Nhưng, danh tính cụ thể của các liệt sĩ trên từng ngôi mộ, vẫn là điều nung nấu. Văn bản của Ban liên lạc CCB Sư đoàn 304 do Trưởng ban liên lạc, Trung tướng Phạm Xuân Thệ ký ngày 1-10-2011 nói rõ, ngoài 19 ngôi mộ theo hàng ngang dãy A6 Khu A, bên phải Đài tưởng niệm, Khu B còn 14 ngôi mộ khác ghi thông tin liệt sĩ trùng với thông tin liệt sĩ của Trung đội Mai Quốc Ca, trong đó có một ngôi ghi tên liệt sĩ Vũ Ngọc Thành (hiện vẫn còn sống), và thực trạng đó cần làm rõ.
CCB, Thiếu tá Nguyễn Trọng Hải, 71 tuổi, nguyên Trưởng tiểu ban Quân lực, Trung đoàn 9, Sư 304 BLL CCB Sư đoàn 304 cho biết, theo ông Phan Đỗ, nguyên Chủ tịch MTTQ xã Triệu Thượng, nguyên Trưởng ban Quy tập của xã, cấp ủy, chính quyền xã và một số nhân chứng khác khẳng định: “19 ngôi mộ hàng ngang A 6 Khu A bên phải Tượng đài, trong dãy mộ đánh số từ 345/c51 đến 363/c84 chuyển từ Bầu Cao về nghĩa trang là đúng”. Nguyện vọng của đông đảo thân nhân liệt sĩ, đồng đội là kiến nghị cấp có thẩm quyền cho tổ chức giám định ADN càng sớm càng tốt để trả lại tên cho các anh, nếu có kết quả, cho gắn bia trên các phần mộ tại Nghĩa trang Triệu Phong, Quảng Trị để thực hiện QĐ số 150 TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
Từ văn bản của Cục Người có công, Bộ LĐ-TB-XH gửi Sở LĐ-TB- XH các tỉnh Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, TP Hà Nội ngày 28-8-2013, đề nghị phối hợp cùng BLL CCB Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 lấy mẫu sinh phẩm hài cốt 31 mộ liệt sĩ nêu trên, Cục Người có công đã phê duyệt cho khai quật cả hai khu mộ phục vụ giám định. Viện Công nghệ sinh học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cử người cùng vào lấy mẫu sinh phẩm hài cốt và lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ phục vụ giám định, kéo dài từ tháng 9-2013 tới 8-2014.”Tôi cũng trực tiếp đi lấy mẫu gien của một thân nhân liệt sĩ ở Tuyên Quang , một thân nhân ở Ba Vì, Hà Nội” – CCB Nguyễn Trọng Hải kể.
Thành công ngoài mong đợi đã làm các CCB Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 xúc động. Sau 12 tháng giám định, ngày 12-8-2014, Công văn số NCC 667-696/CNSH của Viện Công nghệ sinh học xác nhận: 16/19 ngôi mộ nằm ở dãy mộ liệt sĩ Mai Quốc Ca cho kết quả giám định gien hài cốt của 19 liệt sĩ đúng với 16/19 bộ gien cùng huyết thống – “Trong quá trình làm việc, chúng tôi cũng tham khảo thông tin độc lập từ các nhà ngoại cảm. Giao tiếp âm dương thông qua ngoại cảm độc lập đã trùng khớp với 12/19 gien hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên, thông tin ngoại cảm chưa thể khẳng định. Chúng tôi phải chờ và căn cứ kết luận cuối cùng của giám định ADN mới công bố”-Thiếu tá Hải cho biết thêm.
Từ kết quả này, BLL CCB Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 đã tổ chức công bố và bàn giao kết quả giám định gien được 16/19 hài cốt liệt sĩ cho thân nhân 16 gia đình liệt sĩ Trung đội Mai Quốc Ca và một liệt sĩ nữa là Vũ Văn Thành thuộc Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, quê Bình Giang, Hải Dương ở ngôi mộ lâu nay ghi tên “liệt sĩ” Vũ Ngọc Thành, người duy nhất của Trung đội Mai Quốc Ca còn sống, quê ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Buổi lễ diễn ra tại Hà Nội có sự tham dự của Đại tá Nguyễn Văn Điệp, Phó Chính ủy Quân đoàn 2; Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ, đại diện lãnh đạo, CCB Sư đoàn 304, Trung đoàn 9; Bộ LĐ-TB-XH, Sở LĐ-TB-XH các tỉnh Thanh Hóa, TP Hà Nội.
Theo ông Hải, công việc vẫn còn tiếp tục. Một gia đình liệt sĩ mới gửi mẫu gien của chị ruột liệt sĩ từ Đà Lạt ra giám định. Một trường hợp ở Đô Lương, Nghệ An đang được đề nghị lấy mẫu sinh phẩm… Hy vọng sẽ được 17 đến 18 trên tổng số 19 liệt sĩ có kết quả, vì một trường hợp liệt sĩ là con nuôi, nên không thể lấy được mẫu” – ông Hải chia sẻ về những nỗ lực không mệt mỏi của các CCB suốt chín năm nay.
“Chúng tôi sẽ tổ chức Chương trình tri ân “Gắn tên cho Đồng đội” vào ngày 17- 12 này, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập QĐND Việt Nam, cũng là để tri ân các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, bà con nhân dân Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị đã đồng hành cùng chúng tôi suốt bao năm qua, đem lại niềm tự hào, niềm vui, hạnh phúc cho 19 thân nhân các liệt sĩ đã hy sinh của Trung đội Mai Quốc Ca anh hùng” – Thiếu tá Hải xúc động chia sẻ về chặng đường còn lại.
Vậy là 42 năm sau trận đánh quyết tử tại đầu cầu Quảng Trị, quyết tâm giành lại, gìn giữ thi hài, tôn tạo phần mộ liệt sĩ của cán bộ, nhân dân Nhan Biều, Triệu Thượng, Triệu Phong, Quảng Trị; nỗ lực và trách nhiệm với anh linh liệt sĩ của đồng đội Trung đoàn 9, Sư đoàn 304; các Bộ, ban, ngành liên quan ở Trung ương và địa phương, đặc biệt là tỉnh Quảng Trị, hành trình tri ân, gắn tên cho các liệt sĩ Trung đội “1 thắng 100” Mai Quốc Ca anh hùng, có thể nói đã tới đích.
Hành trình đó, như một lát cắt nhỏ trong chiều dài lịch sử 70 năm ra đời, chiến đấu, xây dựng, trưởng thành của QĐND Việt Nam Anh hùng dưới sự lãnh đạo giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, đóng góp vào công cuộc giành độc lập tự do, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Quân đội ta, nhân dân ta. Đó cũng là bài học và biểu hiện ngời sáng của tình quân dân cá nước, về sức mạnh lòng dân che chở, bảo vệ, bảo đảm cho thắng lợi mọi mặt của Quân đội ta cho dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn, nguy hiểm nào.
Theo Nhandan.vn

Ý kiến ()