Hành trình long đong của “rồng lửa” S-500
Sau hệ thống S-300 và S-400 nổi tiếng, Bộ Quốc phòng Nga mới đây bắn thử và tiết lộ thông số kỹ thuật về hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới tiên tiến hơn gấp nhiều lần so với các phiên bản cũ: Hệ thống S-500 Prometheus. Cùng với các hệ thống phòng không sẵn có, hệ thống S-500 được đánh giá sẽ giúp tạo ra một chiếc ô phòng không vững chắc và tin cậy, chống lại mọi nguy cơ tấn công xâm lược từ bên ngoài, từ đó bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia.
Tính năng ưu việt
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 Prometheus (còn gọi là 55R6M Triumfator-M) được chế tạo và phát triển bởi Cục thiết kế chế tạo máy đặc biệt trực thuộc Tập đoàn Almaz Antey dựa trên sự kế thừa và phát huy hệ thống S-400 Triumf. Tuy nhiên, hệ thống tên lửa đất đối không thế hệ mới này có những khả năng phòng không và phòng thủ ưu việt mà chuyên gia quân sự đánh giá là “độc nhất vô nhị” và hiện chưa có đối thủ.
Hệ thống S-500 là hệ thống đa năng có khả năng phòng không, phòng thủ tên lửa và phòng thủ vũ trụ. (Ảnh chụp từ clip do Bộ Quốc phòng Nga công bố) |
Xét về khả năng phòng thủ tên lửa, S-500 có nhiều nét tương đồng so với hệ thống tiền nhiệm khi đều tiêu diệt được các loại máy bay, tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa hành trình. Tuy nhiên, nhờ được trang bị các loại tên lửa đánh chặn hiện đại, hệ thống tên lửa đất đối không S-500 được đánh giá là ưu việt hơn so với S-400 và các đối thủ hiện tại của nó. S-500 có thể bắn hạ các loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất, tên lửa hành trình siêu thanh, các vệ tinh quỹ đạo tầm thấp và các loại tên lửa liên lục địa ở giai đoạn cuối, thậm chí là đoạn giữa của hành trình. Nó có khả năng phát hiện và tấn công cùng lúc 10 mục tiêu tên lửa đạn đạo siêu thanh bay với tốc độ 7km/s (tương đương 25.000km/h), điều mà chưa có hệ thống nào trên thế giới có thể làm được. Tầm bắn của S-500 lên tới 600km (xa hơn 200km so với S-400) và trần bắn là 200km.
S-500 còn được đánh giá cao bởi khả năng phản ứng và khả năng triển khai chiến đấu cực nhanh và tính cơ động cao. S-500 chỉ mất 10s để phản ứng với nguy cơ đường không và chỉ mất khoảng 3-4s để bắn các mục tiêu khác nhau. Trong khi đó. S-400 phải mất từ 9-10s để làm được điều đó. Thời gian phóng tên lửa, thu hồi và di chuyển cũng được tiến hành một cách nhanh, gọn. Đặc biệt hơn, tổ hợp radar mảng pha quét điện tử chủ động được trang bị cho phép tự động phát hiện mục tiêu bay ở mọi độ cao và nhận diện được đầu đạn thật và đầu đạn giả, từ đó giúp lựa chọn và tiêu diệt mục tiêu một cách chính xác.
Mặc dù sự vượt trội hơn S-400 cả về chức năng phòng không và phòng thủ tên lửa, thế nhưng hệ thống S-500 sẽ không dùng để thay thế hệ thống tiền nhiệm S-400 mà nó sẽ đóng vai trò xương sống trong mạng lưới phòng thủ hợp nhất cùng với S-400 và các hệ thống phòng thủ tên lửa khác của Nga để tạo ra một lá chắn hoàn hảo, giúp không phận nước này trở nên bất khả xâm phạm trước các mối hiểm nguy từ trên không hay từ vũ trụ. Với S-500, Moscow của Liên bang Nga là thủ đô duy nhất trên thế giới có được một hệ thống bảo vệ đường không chặt chẽ nhất.
S-500 đã trải qua một quá trình phát triển tương đối “long đong”. Nga bắt đầu việc nghiên cứu và phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới này từ năm 2010, không lâu sau khi quốc gia này công bố triển khai lô đầu tiên của hệ thống S-400 vào năm 2007. Năm 2011, quốc gia này cho biết đã hoàn thành bản thiết kế của hệ thống và tuyên bố sẽ thúc đẩy việc sản xuất hàng loạt từ năm 2014. Tuy nhiên, thời điểm sản xuất hàng hoạt đã dời sang năm 2017 và tiếp tục bị trì hoãn cho tới nay. Nhiều người cho rằng, Nga cố tình trì hoãn việc triển khai hệ thống S-500 để duy trì việc sản xuất và xuất khẩu hệ thống S-400. Trước đây, Nga đã tiến hành bắn thử và đạt được kết quả khả quan. Đặc biệt, kết quả bắn thử S-500 năm 2018 cho thấy nó có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 482 km, xa hơn 80 km so với các cuộc bắn thử trước đây. S-500 trở thành tên lửa phòng không có tầm bắn hiệu quả xa nhất thế giới.
Mới đây, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Phó Thủ tướng Liên bang Nga Yuri Borisov cho biết, Nga đã hoàn tất các chu kỳ thử nghiệm và bắt đầu trang bị S-500 cho các đơn vị phòng không và phòng thủ tên lửa của Nga tại Moscow. Ông Yuri Borisov cũng đề cập đến việc xem xét bán ra nước ngoài sau khi hoàn thành việc trang bị công nghệ mới nhất này cho quân đội Nga. Theo một số nguồn tin, lô S-500 đầu tiên sẽ được chuyển tới các đơn vị của Nga vào cuối năm 2021 và hệ thống này sẽ được trang bị hàng loạt vào năm 2025.
Hệ thống vũ khí đa năng hiện đại
Hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 là tổ hợp vũ khí đa năng, hoạt động tầm xa, đánh chặn tầm cao. Nó có khả năng phát hiện và tiêu diệt được nhiều loại mục tiêu, bao gồm cả mục tiêu bay ở tốc độ siêu thanh và vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. S-500 có được khả năng ưu việt như vậy là nhờ được trang bị các thiết bị hiện đại, đồng thời được bố trí hợp lý để không làm giảm khả năng chiến đấu khi có sự cố xảy ra.
Mỗi tổ hợp S-500 được cấu thành từ 3 bộ phận chính gồm: hệ thống chỉ huy và kiểm soát chiến thuật, đơn vị tác chiến phòng không và phòng thủ tên lửa và đơn vị phòng thủ vũ trụ. Hệ thống chỉ huy và kiểm soát chiến thuật bao gồm trạm chỉ huy và radar tìm kiếm mục tiêu tầm xa, còn đơn vị tác chiến phòng không và phòng thủ tên lửa có đài chỉ huy, đài radar, radar dẫn đường, bệ phóng tên lửa. Đơn vị phòng thủ vũ trụ của S-500 có đài chỉ huy, đài radar, đài radar mảng pha chủ động, và bệ phóng tên lửa. Tất cả các bộ phận cấu thành này được đặt trên các khung thân xe vận tải riêng rẽ và được bố trí dựa trên nguyên tắc chiến thuật “khí tài phân tán, hỏa lực tập trung”. Điều này có nghĩa, trong quá trình tác chiến, khi một bộ phận gặp sự cố hoặc bị tê liệt thì ngay lập tức sẽ được thay thế bằng một bộ phận khác, nhờ đó sức mạnh chiến đấu của cả tổ hợp sẽ được khôi phục ngay lập tức.
Hình ảnh công bố mới đây cho thấy S-500 đã bắn hạ mục tiêu đạn đạo bay ở tốc độ cao (Ảnh chụp từ clip do Bộ Quốc phòng Nga công bố) |
Để đảm nhiệm cùng một lúc nhiệm vụ phòng không, phòng thủ tên lửa và phòng thủ vũ trụ, S-500 được thiết kế để tương thích với các loại tên lửa hiện có của S-400 như: 40N6, 48N6 và 9M96, có tầm bắn từ 40 đến 250km, tiêu diệt các mục tiêu như tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa hành trình và máy bay. Hệ thống cũng được được trang bị thêm các loại tên lửa đánh chặn mới uy lực hơn như 40N6M, 77N6-N và 77N6-N1 để tăng cường khả năng phòng thủ. Tên lửa 40N6M được trang bị là phiên bản cải tiến của tên lửa 40N6. Về cơ bản 40N6M có hình dạng và kích thước giống với 40N6, nhưng có những tính năng vượt trội hơn. Loại tên lửa này được nâng cấp để có thể thực hiện nhiệm vụ phòng không tầm xa, tiêu diệt máy bay và tên lửa hành trình ở khoảng cách 600 km. Trong khi đó, dòng tên lửa đánh chặn 77N6 gồm, 77N6-N và 77N6-N1 chủ yếu đảm nhiệm nhiệm vụ phòng thủ tên lửa và phòng thủ vũ trụ. 77N6-N được thiết kế để tiêu diệt mục tiêu đạn đạo ở độ cao 165km, khoảng cách 150km, còn phiên phản tên lửa đánh chặn tầm xa 77N6-N1 có thể hạ các vệ tinh vệ tinh quanh quỹ đạo tầm thấp, các loại tên lửa đạn đạo bay ở độ cao 200km với tốc độ 7km/s và các mục tiêu siêu thanh một các chính xác.
Để đáp ứng nhiều nhiệm vụ khác nhau, hệ thống điều khiển và radar của S-500 cũng vì thế mà phức tạp hơn với nhiều loại radar khác nhau. Hệ thống radar gồm radar quản lý chiến đấu 91N6A(M), radar thu thập thông tin 96L6-TsP phiên bản cải tiến và radar đa chế độ 76T6 và 77T6. Đặc biệt, S-500 còn có radar mảng pha chủ động giúp phát hiện các mục tiêu đạn đạo ở cự ly lên tới 2.000km và có khả năng phát hiện đầu đạn thật và đầu đạn giả, từ đó tiêu diệt mục tiêu một cách chính xác.
Lịch sử phát triển vũ khí trên thế giới cho thấy, khi các loại máy bay tiêm kích tân tiến ngự trị bầu trời thì các tổ hợp tên lửa tối tân lại trở thành khắc tinh của chúng. Với sự xuất hiện của S-500, Nga một lần nữa khẳng định sự thống trị của quốc gia này trong phát triển các hệ thống tên lửa phòng thủ.
Ý kiến ()