Hành trình “Kết nối dòng máu Việt” tiếp nhận hơn 115.000 đơn vị máu
Hành trình Đỏ lần thứ XI-năm 2023 với sứ mệnh cao cả “Kết nối dòng máu Việt” đã được tổ chức rộng rãi tại 46 tỉnh, thành phố. Hành trình Đỏ không chỉ là giải pháp hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm máu cho điều trị vào mỗi dịp hè, mà còn khơi dậy tình yêu thương, nghĩa đồng bào, tô thắm truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.
Người dân tham gia hiến máu tình nguyện tại Hành trình Đỏ năm 2023. (Ảnh: Gia Thắng) |
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia (Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương), Hành trình Đỏ lần thứ XI được triển khai từ ngày 1/6 đến 30/7 với 68 điểm hiến máu chính thức và 240 điểm hiến máu hưởng ứng. Tại 308 điểm hiến máu, Ban tổ chức đã tiếp nhận được hơn 115.000 đơn vị máu.
Nhiều địa phương đạt kết quả cao hơn 1.000 đơn vị máu tại các ngày hội chính thức của Hành trình Đỏ là Bắc Giang, Bắc Kạn, Bình Định, Lào Cai, Kiên Giang, Hải Dương, Hà Nội, Lai Châu… Trải qua 11 năm tổ chức, Hành trình Đỏ đã tiếp nhận được hơn 810.000 đơn vị máu.
Đáng chú ý, năm 2023, công tác tiếp nhận máu tại khu vực Tây Nam Bộ gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác tiếp nhận máu, do vậy nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trong khu vực thiếu hụt trầm trọng chế phẩm máu để điều trị người bệnh.
Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương thông qua lượng máu tiếp nhận được tại các địa phương đã kịp thời “chi viện” hơn 23.000 đơn vị máu cho các tỉnh, thành phố tại khu vực này qua Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ; cung cấp hơn 2.500 đơn vị máu cho Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.
Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ hơn 12.000 đơn vị máu, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy hỗ trợ hơn 5.000 đơn vị máu cho Bệnh viện Huyết học-Truyền máu Cần Thơ. Nhờ thực hiện tốt công tác điều phối trong chương trình Hành trình Đỏ đã góp phần bảo đảm công tác tiếp nhận, nhất là cung cấp máu và các chế phẩm máu để phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh trên phạm vi cả nước.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Huyết học-Truyền máu Trung ương, Trưởng Ban tổ chức Hành trình Đỏ năm 2023 nhấn mạnh: Nhờ những kết quả đạt được trong vận động hiến máu tình nguyện, Hành trình Đỏ đã góp phần đem lại sự sống cho hàng trăm nghìn người bệnh, giúp ngành y tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để bảo đảm công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của hàng triệu người dân về hiến máu tình nguyện, Hành trình Đỏ thực sự đã khơi dậy tình yêu thương, nghĩa đồng bào, tô thắm truyền thống tương thân tương ái đáng tự hào của dân tộc Việt Nam và chung sức xây dựng một cộng đồng nhân ái, nghĩa tình.
Công tác tiếp nhận máu của các bệnh viện, trung tâm truyền máu được thực hiện ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn. Từ việc tổ chức các ngày hội hiến máu quy mô lớn đã giúp các cơ sở truyền máu nâng cao kỹ năng tổ chức, huy động lực lượng hiến máu và tiếp nhận được số lượng máu lớn; thao diễn và thực hiện việc tiếp nhận lượng máu lớn dự phòng cho tai nạn, thảm họa có thể xảy ra. Hay việc chia nhỏ quy mô tổ chức trong một buổi, tổ chức nhiều đợt tiếp nhận máu, kéo dài thời gian tiếp nhận máu đã nâng cao chất lượng phục vụ hiến máu và hiệu quả sử dụng máu…
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, công tác tổ chức tại một số địa phương còn sơ sài, còn “giao khoán” cho đơn vị cơ sở nên truyền thông còn mờ nhạt, hình ảnh chưa đẹp; thi đua, khen thưởng ở các cấp chưa kịp thời…
Để tiếp tục phát huy những kết quả Hành trình Đỏ đạt được, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện tiếp tục chỉ đạo tổ chức Hành trình Đỏ lồng ghép trong chiến dịch “Những giọt máu hồng hè” tới các đơn vị và các Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, thành phố trên cả nước.
Các đơn vị chuyên môn tiếp tục tập huấn, đào tạo về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động và tổ chức hiến máu, nâng cao năng lực chuyên môn trong công tác tiếp nhận máu.
Đặc biệt, ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các tỉnh, thành phố cần chủ động hơn trong công tác tổ chức và chuẩn bị mọi nguồn lực để có thể tổ chức, nhất là việc vận động các nguồn lực xã hội hóa để nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong công tác tổ chức tại địa phương; tiếp tục duy trì, phát triển các mô hình tình nguyện viên vận động hiến máu, câu lạc bộ người hiến máu để phát triển hoạt động theo hướng thực chất, hiệu quả, bền vững; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký, tổ chức tiếp nhận máu, quản lý, chăm sóc người hiến máu…
Tại buổi gặp mặt 100 đại biểu là người hiến máu tình nguyện tiêu biểu toàn quốc năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Máu là vô giá; một giọt máu cũng quý, cũng cần được trân trọng.
Hiến máu không chỉ là một thuật ngữ y tế, mà còn là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện lòng nhân ái và trách nhiệm đối với xã hội, với cộng đồng, gieo thêm những hạt giống tình người trong cuộc sống và tô đẹp thêm truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam. “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Hoạt động hiến máu tình nguyện vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận, vừa là “mệnh lệnh” từ trái tim của mỗi người”.
Tại Việt Nam, sau đại dịch Covid-19, công tác hiến máu tình nguyện đã ổn định cả về số lượng và chất lượng. Lượng máu vận động và tiếp nhận của toàn quốc năm 2022 đạt hơn 1,43 triệu đơn vị máu, trong đó 99% là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu. Những tháng đầu năm 2023, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được gần 900.000 đơn vị máu thông qua các chiến dịch: Chiến dịch Vận động hiến máu tình nguyện dịp Tết-Lễ hội Xuân hồng và Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4, Chiến dịch Những giọt máu hồng hè và Hành trình Đỏ.
(Nguồn: Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương)
Nguồn: https://nhandan.vn/hanh-trinh-ket-noi-dong-mau-viet-post765453.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()