Hành trình đưa du khách đến với đất nước Nhật Bản cổ xưa
Hiện đại và truyền thống luôn là hai yếu tố chính trong đặc trưng du lịch của Nhật Bản. Cùng với trải nghiệm một Nhật Bản hiện đại, tiện nghi, khách du lịch nước ngoài luôn muốn tìm hiểu một Nhật Bản cổ xưa.
Chính vì vậy, các tour du lịch thiết kế cho khách nước ngoài đều có sự kết hợp những công trình hiện đại quy mô với những danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử giới thiệu một Nhật Bản có bề dày lịch sử và văn hóa.
Hakone Hachiri – Hành trình trở về thời Edo
Hakone là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của Nhật Bản thời hiện đại. Hakone với cảnh đẹp thiên nhiên, suối nước nóng và vị trí địa lý thuận tiện cách thủ đô Tokyo chỉ hơn một giờ đi ôtô, thu hút xấp xỉ 20 triệu lượt khách trong và ngoài nước mỗi năm
Nhằm phát huy hơn nữa sự đặc sắc của địa điểm du lịch nổi tiếng này, chính phủ Nhật Bản đã xây dựng tour du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử Nhật Bản thời kỳ Edo thông qua hành trình Hakone Hachiri, đoạn đặc biệt nhất trong tuyến đường Tokaido nối Tokyo với Kyoto trong thời kỳ Edo.
Thời kỳ Edo từ năm 1603 đến năm 1868, Tokaido (Đông Hải Đạo) là tuyến giao thông huyết mạch tại Nhật Bản, dài 492km.
Đoạn khó nhất trong tuyến đường này gọi là Hakone Hachiri (Hakone Tám lý), là một đoạn dốc vượt núi dài 32km (tương đương với 8 lý, đơn vị đo thời xưa) từ khu vực Odarawa ở phía Tokyo đến Mishima.
Hakone Hachiri chia thành hai chặng leo núi, mỗi chặng 4 lý (16km), gồm một chặng từ Odarawa đến Hakone-juku là đèo phía Đông núi và chặng còn lại từ Hakone-juku đến Mishima-juku là đèo phía Tây núi.
Vào thời kỳ đầu, do đấy là đoạn đường dốc, trơn trượt vì nhiều bùn, nền đường Hakone Hachiri được lót bằng tre.
Tuy nhiên, sau khi nhận thấy tre được lót đường cần phải được thay mới thường xuyên do dế bị hư hỏng. Từ năm 1680, vật liệu lát đường được thay bằng đá, tạo thành đoạn lộ trình ấn tượng nhất tại Nhật Bản vào thời điểm đó.
Để giảm bớt sự mệt mỏi cho khách bộ hành, tránh được cái nắng nóng thiêu đốt của mùa Hè và những cơn gió lạnh cắt da, cắt thịt của mùa Đông, thông và tuyết tùng được trồng san sát hai bên lề đường.
Cho đến ngày nay, vẫn còn hơn 400 cây tuyết tùng trên 350 tuổi, cao hàng chục mét, đứng sừng sững hai bên đường Hakone Hachiri.
Trong thời kỳ này, thị trấn Odarawa là một trong những điểm liên lạc lớn nhất dọc theo tuyến đường Tokaido. Đây là nơi có lâu đài Odarawa của gia tộc Hojo, chi phối khu vực Kanto trong suốt 15 năm từ giữa thế kỷ thứ 15, từng được coi là lâu đài bất khả chiến bại, trụ vững trước hàng loạt cuộc tấn công trước khi chịu khuất phục trước Tướng quân Tokugawa Ieyasu.
Lâu đài Odarawa là điểm đến đầu tiên trong tour du lịch Hakone Hachiri, giới thiệu cho du khách vẻ đẹp của một tòa thành cổ kiên cố. Tòa tháp lâu đài màu trắng có độ cao 60m, vào ngày trời đẹp có thể nhìn ngắm toàn cảnh bán đảo Boso nổi lên trên Thái Bình Dương từ tầng tháp cao nhất.
Do hành trình vượt núi khó khăn, nên tất cả khách bộ hành đều phải nghỉ lại ít nhất một đêm ở chân núi để chuẩn bị cho hành trình vượt núi của ngày sau. Chính vì vậy Odarawa – Hakone trở thành địa điểm để phục vụ cho khách bộ hành nghỉ ngơi và thư giãn.
Các nhà hàng, quán trọ, các điểm tắm suối nước nóng, cửa hàng thủ công mỹ nghệ, bán đồ lưu niệm, đặc sản.. tập trung nơi đây đã biến nơi đây trở thành một thị trấn nghĩ dưỡng sầm uất thời kỳ Edo.
Hakone Sekisho – Một lát cắt lịch sử thời kỳ Edo
Mạc phủ cầm quyền tại đất nước Nhật Bản trong khoảng 250 năm bằng biện pháp kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt. Trong thời kỳ Edo, Tướng quân có quyền phân chia, cấp đất cho các lãnh chúa địa phương.
Nhằm ngăn chặn sự phản bội của các lãnh chúa địa phương, Tướng quân Tokugawa đã cho lập 53 chốt kiểm soát trên toàn Nhật Bản, đặc biệt thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt đối với việc đưa vũ khí vào Edo và phụ nữ, trẻ em rời khỏi Edo.
Với nhiệm vụ đó, trạm kiểm soát Hakone Sekisho, chốt ngay cửa ngõ vào Edo là trạm lớn nhất, đồng thời quan trọng nhất trong việc ngăn chặn vợ con các lãnh chúa địa phương cải trang để bỏ trốn.
Với lợi thế hiểm trở, nằm giữa Hồ Ashinoko khá lớn và một ngọn núi cao, Hakone Sekisho được cho là có vị trí đắc địa để ngăn chặn những người muốn trốn trạm kiểm soát bằng cách vượt núi hoặc bơi qua hồ.
Toàn bộ trạm kiểm soát đã được phục dựng lại như thời Edo để du khách có hình dung rõ nét về một địa điểm lịch sử của Nhật Bản.
Không chỉ như vậy, bảo tàng Hakone Sekisho còn dựng những bức tượng sống động mô tả hoạt động của trạm kiểm soát lớn nhất trong thời kỳ Edo.
Một cô gái tóc dài buông xõa với gương mặt lo lắng, căng thẳng, đang quỳ xuống đất trong khi đang bị một hitomi-onna khám xét, hay bức tượng các nhân viên của trạm với gương mặt nghiêm nghị đang thực hiện các thủ tục giấy tờ và kiểm tra tại trạm.
Không chỉ được thưởng ngoạn khung cảnh hồ Ashinoko thơ mộng bên cạnh ngọn núi hùng vĩ, tôi tin chắc rằng chuyến tham quan Hakone Sekosho càng hấp dẫn hơn khi giới thiệu một lát cắt lịch sử ấn tượng của thời kỳ Edo.
Hakone Yumoto – Phong cách du lịch nghỉ dưỡng thời Edo
Hệ thống suối nước nóng ở Hakone có bề dày lịch sử, với Hakone Yumoto Onsen là khu suối nước nóng đầu tiên được khai trương vào thời kỳ Nara từ năm 710 đến năm 794. Trong thời kỳ Edo, “Bảy suối nước nóng của Hakone” là địa điểm nổi tiếng thu hút khách thập phương đến chữa bệnh bằng suối nước nóng. Đến thời kỳ Minh Trị, ưu thế du lịch suối nước nóng của Hakone càng được phát triển mạnh mẽ hơn khi hệ thống đường sá kết nối các suối nước nóng với nhau.
Bansuiro Fukuzumi là một quán trọ nổi tiếng tại Hakone, không chỉ vì lịch sử lâu đời hoạt động từ năm 1625 mà còn nhờ một hệ thống suối nước nóng có kết cấu giống như tấm lụa. Chúng tôi đã được hướng dẫn đi vào sâu trong hầm dẫn nước nóng lấy từ suối tự nhiên. Trước khi vào hầm, chúng tôi được cảnh báo trong hầm rất nóng, tối và có độ ẩm cao.
Vừa bước chân vào bên trong hầm, hơi ẩm và hơi nóng bốc lên khiến cho mắt kính của tôi mờ mịt.
Rõ ràng trong điều kiện độ ẩm như thế này, các thiết bị tác nghiệp của chúng tôi đều bị vô hiệu hóa. Đặc biệt với người bị cận nặng như tôi, việc đeo kính khi đi vào trong hầm là rất bất tiện.
Một tay tôi liên tục đưa lên lau mắt kính và tay còn lại vừa rọi đèn pin vừa lần theo bức tường để đi.
Bể chứa nước nóng là một ao nhỏ, hơi nóng ngùn ngụt đang bốc lên. Người hướng dẫn cảnh báo chúng tôi không được cho tay xuống nước nóng vì có thể gây bỏng. Người hướng dẫn cho biết trung bình mỗi phút tại suối nước nóng phun ra hơn 160 lít nước.
Rời khỏi hầm, chúng tôi được đi tham quan hệ thống nhà tắm suối nước nóng (tiếng Nhật gọi là onsen) của nhà nghỉ. Có cả onsen trong nhà và ngoài trời cho khách chọn lựa. Đến Hakone Yumoto vào thời điểm cuối Thu khi mùa lá đỏ nổi tiếng vẫn còn, tôi không khỏi tấm tắc khi tưởng tượng khung cảnh được ngâm mình trong một bể nước nóng ngoài trời và thả mắt ngắm cảnh lá đỏ nổi tiếng của Hakone ngay trước mắt.
Rời nhà nghỉ Bansuiro Fukuzumi, chúng tôi đến quán trà Hakone Amazake, một trong số những quán trà nằm dọc theo các tuyến đường dốc của Hakone Hachiri từ thời Edo.
Vào thời Edo, hàng loạt những quán trà mọc lên dọc theo tuyến đường đi để cho người đi đường có nơi nghỉ chân. Tuy nhiên, đến thời kỳ hiện đại, khi lượng khách sử dụng lộ trình này trở nên thưa vắng, hầu hết các quán trà đều đóng cửa và dời đi.
Ngày nay, chỉ còn duy nhất Hakone Amazake, với lịch sử hơn 400 năm, được xây dựng từ những ngày đầu của thời kỳ Edo vẫn còn tồn tại trên tuyến đường lịch sử này.
Quán trà đã được chuyển giao qua nhiều thế hệ của gia tộc Yamamoto và chủ nhân hiện nay là ông Satoshi Yamamoto, truyền nhân đời thứ 13. Quán trà vẫn giữ nguyên thiết kế cổ kính, với bếp sưởi kiểu Nhật.
Đặc biệt, nước giải khát của quán vẫn là amazake được chế biến theo phương pháp của thời kỳ Edo. Hakone Amazake đã từng trải qua những thời kỳ khó khăn, có khi 10 ngày liên tiếp mới có một khách.
Tuy nhiên, cho dù như vậy, hàng ngày, ông Satoshi Yamamoto vẫn cần mẫn dậy sớm trước bình minh, để chuẩn bị cho việc mở quán chào đón khách thập phương.
Ông nghĩ rằng trách nhiệm của ông là duy trì quán trà luôn mở cửa để các vị khách thập phương sau những chặng đường leo dốc ở Hakone vẫn tìm được chỗ trú chân ấm áp và thưởng thức vị amazak cổ truyền ngọt ngào mang hương vị thời kỳ Edo./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()