Hành trình đưa củ dong riềng thành sản phẩm hàng hóa
– Dong riềng là cây trồng bản địa, được người dân xã Tràng Phái, huyện Văn Quan trồng từ lâu. Để nâng cao chất lượng và đưa sản phẩm trở thành hàng hóa, những năm qua, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Ba Sơn, thôn Còn Chuông, xã Tràng Phái, huyện Văn Quan đã mạnh dạn nghiên cứu, chế biến tinh bột từ củ dong riềng thành sản phẩm miến dong. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản của Xứ Lạng.
MAI LINH – KIM HUYÊN
TÂN AN
Những ngày này, đến xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, dọc các sườn đồi, thửa ruộng, không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đang hối hả thu hoạch dong riềng để chuẩn bị cho vụ Tết. Hiện nay, xã Tràng Phái có hơn 80 hộ trồng cây dong riềng với tổng diện tích 12,5 ha/vụ/năm. Đây cũng là xã có diện tích trồng dong riềng lớn nhất trên địa bàn tỉnh.
Dong riềng là một loại cây lấy củ, chống chịu hạn, rét tốt, ít sâu bệnh. Cây thường trồng vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 5, thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 12, tận dụng được cả đất vườn, đất khe, đất ruộng.
Trước đây, do trên địa bàn xã chưa có cơ sở chế biến nên thị trường tiêu thụ củ dong riềng còn nhiều bấp bênh. Với mong muốn ổn định đầu ra cho bà con, cũng như đưa ra thị trường sản phẩm làm từ cây dong riềng tốt cho sức khỏe, từ năm 2013, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Ba Sơn đã xây dựng nhà xưởng với quy mô gần 1.500 m2 và liên kết với người dân trong xã để trồng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Để có mẻ miến dong chất lượng, củ dong riềng sau khi thu hoạch sẽ được mang đi rửa sạch, phân loại sau đó cho vào máy tách bột và lọc lấy tinh bột. Công đoạn lọc bột dong đóng vai trò quan trọng quyết định độ trắng, độ bóng, ngon của miến và loại bỏ sạn lẫn trong bột dong.
Bên cạnh đó, công đoạn tráng miến cần phải đảm bảo bánh được chín kỹ thì miến mới có độ dai, không bị nát khi chế biến. Sau đó bánh miến sẽ được công nhân đem phơi nắng khoảng nửa ngày, đến khi bánh se lại.
Miến thành phẩm có màu nâu sậm và giữ được độ mềm, dẻo, không nhũn, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.
Trung bình mỗi năm, công ty thu mua trên 750 tấn củ dong riềng của bà con trên địa bàn. Với 10 tấn củ tươi sẽ cho ra khoảng 7 tạ miến thành phẩm.
Với giá bán 70.000 đồng/kg miến sợi nhỏ và đến 75.000 đồng/kg miến sợi to. Trung bình mỗi vụ, công ty cung cấp ra thị trường từ 9 đến 10 tấn miến thành phẩm, đem lại doanh thu gần 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm thời vụ cho 7 đến 10 lao động.
Để nâng cao giá trị sản phẩm, công ty đã nghiên cứu, thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm miến dong Tràng Phái đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện (chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Hiện nay, sản phẩm miến dong Tràng Phái của công ty không chỉ được bày bán tại các siêu thị, gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh mà còn được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Giang… thậm chí không đủ cung cấp cho thị trường, khách hàng có nhu cầu phải đặt hàng trước.
Trong văn hóa ẩm thực, miến dong là nguyên liệu được dùng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn và không thể thiếu trong mâm cỗ các dịp lễ, tết cổ truyền của dân tộc. Việc sản xuất miến dong ở xã Tràng Phái không chỉ giúp nông dân trên địa bàn xã mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập mà còn góp phần nâng tầm nông sản địa phương, tạo chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa cũng như quảng bá rộng rãi và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm miến dong Tràng Phái.
Ý kiến ()