Hành trình đến Hiệp định Paris 1973
Cách đây tròn 50 năm, ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được chính thức ký kết tại Thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp. Đây là kết quả của quá trình đấu tranh gay go, quyết liệt và phức tạp trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao, đỉnh cao của nghệ thuật kết hợp “vừa đánh vừa đàm”.
Kéo dài 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, bắt đầu ngày 13-5-1968 đến ngày 27-1-1973, trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và hàng nghìn cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam, Hội nghị Paris về Việt Nam trải qua hai đời Tổng thống Mỹ là Lyndon B. Johnson và Richard Nixon, bao gồm hai cuộc hội nghị kế tiếp nhau. Hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ từ 13-5-1968 đến 1-11-1968. Hội nghị 4 bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam), Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn từ 25-1-1969 đến 27-1-1973. Trong khi Mỹ liên tục thay thế các trưởng đoàn đàm phán (Hariman, Cabot Lodge, David Bruce, William Parter…), trưởng hai phái đoàn của ta là Bộ trưởng Xuân Thủy, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, trong suốt quá trình đàm phán không thay đổi.
Hiệp định Paris gồm 9 chương 23 điều, trong đó đề cập 4 loại điều khoản chính:
(i) Các điều khoản chính trị ghi các cam kết của Hoa Kỳ: Tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam; Hoa Kỳ không tiếp tục dính líu quân sự, không can thiệp công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.
(ii) Các điều khoản về quân sự: Ngừng bắn, Hoa Kỳ rút hết quân trong 60 ngày; chấm dứt bắn phá miền Bắc; nhận tháo gỡ mìn do Hoa Kỳ đã rải ở miền Bắc.
(iii) Các điều khoản về nội bộ miền Nam: Nguyên tắc hòa hợp dân tộc, bảo đảm tự do dân chủ, tổ chức tổng tuyển cử tự do, thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải, hòa hợp dân tộc gồm ba thành phần để tổ chức tổng tuyển cử.
(iv) Các điều khoản về thống nhất Việt Nam, về Lào và Campuchia, về cơ cấu thi hành Hiệp định Ủy ban liên hợp và Ủy ban quốc tế; về Hội nghị quốc tế xác nhận Hiệp định và điều khoản về việc Hoa Kỳ đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Quang cảnh Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris, Pháp. Ảnh: Văn Lượng/TTXVN |
Bước ngoặt buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán
Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson phải tuyên bố hạn chế ném bom miền Bắc, gợi ý một giải pháp ngoại giao, nhằm “tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự” rút khỏi “vũng lầy” chiến tranh ở Việt Nam. Tuyên bố này được đưa ra sau những “choáng váng” bởi đòn tiến công của quân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ngày 13-5-1968, hội nghị hai bên giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Mỹ chính thức họp phiên đầu tiên tại Trung tâm Hội nghị quốc tế trên phố Kléber, Paris.
Buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, nhưng chính quyền Tổng thống Johnson luôn lảng tránh, không đi vào giải quyết các vấn đề cơ bản mà đưa ra những đòi hỏi phi lý nhằm kéo dài cuộc đàm phán. Trên chiến trường, liên quân Hoa Kỳ- ngụy quyền Sài Gòn ra sức thực hiện các cuộc hành quân “quét giữ” hòng tìm kiếm thắng lợi quân sự làm sức ép trên bàn đàm phán. Cục diện đàm phán ở thế giằng co, không có tiến triển do sự khác biệt về lập trường. Việt Nam yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc rồi mới bàn sang các vấn đề khác. Lập trường của Mỹ là đồng thời bàn về cả hai vấn đề quân sự, chính trị và đòi “có đi có lại” (cả quân Mỹ và quân đội miền Bắc cùng rút khỏi miền Nam Việt Nam).
Sau một năm thực hiện tổng tiến công, quân ta đã thu được những thắng lợi to lớn trên chiến trường, làm tiêu tan ý chí theo đuổi chiến tranh của Johnson. Trên bàn đàm phán, phái đoàn Việt Nam tiến công trực diện Mỹ, luôn khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; lên án tội ác chiến tranh xâm lược và hành động phá hoại Hiệp định Geneve của Mỹ; đòi Mỹ rút quân và chư hầu ra khỏi Việt Nam; chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam; từ bỏ ngụy quân Sài Gòn…
Qua 28 phiên họp chính thức, 21 cuộc gặp riêng, bí mật, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã buộc chính quyền Johnson từ ngày 1-11-1968 phải quyết định chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện chiến tranh đánh phá miền Bắc Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Nguyễn Văn Thiệu. Đây được coi là một trong những thắng lợi quan trọng đầu tiên của Việt Nam trên bàn đàm phán.
Sau sự kiện này, cuộc đấu tranh giữa Việt Nam và Mỹ bắt đầu xoay quanh vấn đề hình thức, thành phần hội nghị và đã đi đến thống nhất tổ chức Hội nghị Bốn bên.
Giữ vững lập trường, đập tan ý đồ đàm phán trên thế mạnh của Mỹ
Ngày 25-1-1969 diễn ra đàm phán giữa bốn bên. Ngay từ đầu, Hoa Kỳ âm mưu lái Hội nghị Paris từ bàn đàm phán bốn bên thành đàm phán của “hai phe” cộng sản (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam) với quốc gia (ngụy quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ). Thực chất chiến thuật của Nixon và Nguyễn Văn Thiệu là cố bác bỏ tư cách độc lập của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trong đàm phán.
Để đập tan chiến thuật đàm phán của Hoa Kỳ, ngày 8-5-1969, đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đưa ra tuyên bố về Giải pháp toàn bộ 10 điểm. Bản đề nghị này nêu quan điểm tổng quát của Việt Nam về tất cả các mặt của một giải pháp cho cuộc chiến tranh, nhưng tập trung vào hai nội dung chính: Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam vô điều kiện; công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam do nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết, lập Chính phủ liên hiệp lâm thời để tổ chức Tổng Tuyển cử tự do. Chiến thuật đàm phán “hai phe” của Washington tiếp tục bị giáng một đòn nặng nề khi ngày 6-6-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập, cử đoàn thay thế cho Mặt trận tham dự Hội nghị với tư cách là đại diện hợp pháp của nhân dân miền Nam.
Để cứu vãn tình hình bi đát do cuộc chiến tranh Việt Nam đưa tới, Nixon triển khai chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” với công thức cơ bản là hỗ trợ tăng cường sức mạnh của ngụy quân Sài Gòn để giảm dần và thay thế quân viễn chinh Hoa Kỳ. Về ngoại giao Hoa Kỳ tích cực thúc đẩy quan hệ với Liên Xô và Trung Quốc hòng cô lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cắt nguồn chi viện quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Hoa Kỳ thực hiện rút quân nhỏ giọt, đưa ra những giải pháp chính trị cho miền Nam Việt Nam nhưng tiếp tục ngoan cố với lập luận “hai quốc gia Việt Nam” hay “cùng triệt thoái” quân đội khỏi miền Nam Việt Nam. Âm mưu Nixon là đẩy quả bóng dư luận về phía cách mạng và cố gắng xoa dịu dư luận phản đối chiến tranh đang bùng nổ mạnh mẽ ở trong nước.
Tháng 3-1970, Nixon tiếp tục dấn sâu hơn nữa vào chính sách kéo dài chiến tranh bằng cách tiến hành các hoạt động chiến tranh ở Campuchia, đồng thời tung đòn xoa dịu dư luận bằng tuyên bố rút bớt 150.000 quân khỏi miền Nam Việt Nam vào mùa Xuân năm 1971. Nixon xảo trá tuyên bố: “Hà Nội buộc chúng tôi phải đi theo con đường “Việt Nam hóa chiến tranh”. Hội nghị Paris trở thành diễn đàn nói lên tiếng nói của nhân dân Việt Nam và Đông Dương, tố cáo âm mưu, thủ đoạn, tội ác chiến tranh của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn.
Ngày 17-9-1970, sau tuyên bố “Tám điểm” (ngày 14-9), Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình công bố giải pháp “Tám điểm – nói rõ thêm” về một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, trong đó có việc rút quân Mỹ và thả tù binh cùng một thời hạn, thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời ở miền Nam Việt Nam không có Thiệu – Kỳ – Khiêm. Ngày 18-10-1970, Tổng thống Mỹ Nixon đưa ra “Đề nghị năm điểm” mà không đòi quân miền Bắc rút khỏi miền Nam Việt Nam. Ngày 10-12-1970, tại phiên họp toàn thể lần thứ 94, bà Nguyễn Thị Bình đưa ra “Tuyên bố ba điểm” về ngừng bắn và yêu cầu quân Mỹ rút khỏi miền Nam vào ngày 31-7-1971. Tuyên bố gây tiếng vang lớn ở các đô thị miền Nam và dư luận quốc tế, khẳng định rõ lập trường không thể tách rời vấn đề quân sự và chính trị trong giải quyết hòa bình cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đồng thời tuyên bố chấp nhận thảo luận với chính quyền Sài Gòn không có Thiệu – Kỳ – Khiêm, đã cho thấy thiện chí của cách mạng đối với vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam, bác bỏ luận điệu xuyên tạc của Washington và ngụy quyền Sài Gòn cho rằng, Quân Giải phóng cương quyết thực hiện lật đổ hoàn toàn chế độ Sài Gòn, thâu tóm chính phủ liên hiệp và tiến hành bầu cử theo ý muốn.
Năm 1971, tình hình chiến trường rất căng thẳng. Sau hai năm cầm quyền, thực hiện “Việt Nam hóa”, mục tiêu chấm dứt chiến tranh trên thế mạnh của Nixon ngày càng xa vời. Sau thất bại của chiến dịch Lam Sơn 719, phái đoàn Hoa Kỳ đã mềm dẻo hơn trong đàm phán. Ngày 31-5-1971, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Kissinger lại đưa ra đề nghị “cuối cùng” 7 điểm, đòi tách riêng vấn đề quân sự và vấn đề chính trị, mặc dù trước đây Mỹ định bàn cả hai.
Để tăng sức ép với Mỹ và hỗ trợ đấu tranh quân sự và chính trị, ngày 26-6-1971, trong cuộc gặp riêng Lê Đức Thọ – Kissinger, phía Việt Nam đưa ra “Sáng kiến hòa bình 9 điểm” tập trung vào việc đòi Mỹ thay Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 1-7-1971, tiếp tục tấn công chính sách theo đuổi chiến tranh của Nixon, trong phiên họp thứ 119, bà Nguyễn Thị Bình trình bày “Sáng kiến mới gồm 7 điểm, nhằm giải quyết hòa bình vấn đề miền Nam Việt Nam”, đây là đề nghị quan trọng thứ hai (sau đề nghị 10 điểm tháng 5-1969) được đưa ra tại bàn đàm phán; được dư luận rộng rãi đồng tình và chính giới Mỹ quan tâm. Sáng kiến “9 điểm” và “7 điểm” gần như có cùng một nội dung là đòi Mỹ định thời hạn rút hết quân và lập ở Sài Gòn một chính quyền không có Thiệu.
Liên tục bị tấn công ngoại giao, đuối lý, chịu sức ép dư luận nặng nề, ngày 30-7-1971, David Bruce buộc phải từ chức. William J.Porter – cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Hàn Quốc được cử thay thế, nhưng cũng không làm gì hơn ngoài cố gắng “kêu gọi phía cộng sản hãy thay đổi đường lối thương thuyết”. Ngày 16-8-1971, sau chuyến công du tiền trạm cho cuộc gặp thượng đỉnh Washington-Bắc Kinh, Kissinger đưa ra “Đề nghị 8 điểm”. Về cơ bản Mỹ vẫn giữ lập trường cũ: Không muốn giải quyết toàn bộ mà chỉ muốn giải quyết vấn đề quân sự để lấy được tù binh về.
Đến đây, sau 3 năm (1968-1971) với 138 phiên họp, Hội nghị Paris về Việt Nam vẫn trong tình trạng bế tắc. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự bế tắc là do chính sách theo đuổi chiến tranh và chỉ coi bàn đàm phán là một phương pháp tiến hành chiến tranh khác của Hoa Kỳ, với mục tiêu cơ bản là xoa dịu dư luận, mà không nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho miền Nam Việt Nam như Tổng thống Nixon vẫn rêu rao.
Đối phó với âm mưu của Hoa Kỳ, các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam đã kết hợp tài tình giữa mặt trận quân sự, ngoại giao và chính trị, kiên quyết giữ vững lập trường căn bản, đòi hỏi Hoa Kỳ phải rút quân hoàn toàn, vô điều kiện khỏi miền Nam Việt Nam và chính quyền Thiệu phải bị thay thế bằng một chính phủ liên hiệp tán thành hòa bình, độc lập và trung lập, tiến tới thống nhất Việt Nam bằng phương pháp hòa bình. Đồng thời, các nhà ngoại giao Việt Nam đã uyển chuyển biến bàn đàm phán thành diễn đàn đấu tranh chính trị, tố cáo Hoa Kỳ và ngụy quyền Sài Gòn, tuyên truyền cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta và đã giành được sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế, trong đó có nhân dân Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh (giữa) ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN |
Chặng cuối của đàm phán
Ngày 2-2-1972, để tăng sức ép với Mỹ và phối hợp với các hoạt động quân sự đang được chuẩn bị, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra tuyên bố “Hai điểm nói rõ thêm” trong Giải pháp 7 điểm ngày 1-7-1971: Rút quân Mỹ, thành lập ở miền Nam một Chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần. Đây là sự thể hiện “một sách lược lớn” tạm gác vấn đề chính trị ở miền Nam, tập trung đòi Mỹ rút quân – đã có tác động rất mạnh, đúng lúc, đẩy đối phương vào thế bị động. Ngày 24-3-1972, Mỹ đơn phương tuyên bố ngừng họp Hội nghị Paris vô thời hạn.
Trong thế trận đàm phán giằng co quyết liệt, để tiếp tục làm tiêu hao sinh lực địch, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, tiếp tục triển khai cục diện “vừa đánh vừa đàm”, phá thế bế tắc của Hội nghị Paris, ngày 30-3-1972, quân ta thực hiện cuộc Tổng tấn công chiến lược Xuân – Hè, đánh địch trên 5 mặt trận lớn từ Trị Thiên đến Đồng bằng sông Cửu Long. Thắng lợi của đợt tấn công chiến lược Xuân – Hè 1972 đã phục vụ tích cực cho đấu tranh chính trị và ngoại giao, nhất là thúc đẩy đưa đàm phán Paris đi vào thực chất. Mỹ phải quay lại Hội nghị toàn thể bốn bên vào ngày 13-7-1972.
Từ tháng 7 đến tháng 9-1972, đã diễn ra bốn cuộc gặp riêng, Việt Nam đã lần lượt đưa ra 3 đề nghị, Mỹ đưa 4 đề nghị. Việt Nam muốn có một hình thức chính quyền liên hiệp; Mỹ muốn giữ chính quyền Sài Gòn, giải quyết vấn đề nội bộ miền Nam trong khuôn khổ chế độ chính quyền Sài Gòn. Qua ba tháng thương lượng, tranh cãi gay gắt, đàm phán đạt một số thỏa thuận: Mỹ nhận rút hết quân trong ba tháng, thực hiện ngừng bắn tại chỗ ở miền Nam, cam kết chấm dứt dính líu về quân sự, nhận lập ủy ban hòa giải để tổ chức tổng tuyển cử.
Tháng 10-1972, trước tình thế đàm phán không tiến triển, Bộ Chính trị đề ra quyết sách táo bạo: “Ta cần gác lại một số yếu tố khác về nội bộ miền Nam. Những vấn đề chưa đạt được là do tình hình chưa cho phép đạt được dẫu ta có tiếp tục đàm phán đến sau bầu cử ở Mỹ thì ta cũng không đạt được… Nhưng nếu chấm dứt sự dính líu quân sự của Mỹ ở miền Nam thì trong đấu tranh với ngụy sau này, ta có điều kiện để đạt các vấn đề đó và còn giành thắng lợi lớn hơn…”. (Điện của Bộ Chính trị gửi Đoàn Paris ngày 4-10-1972).
Tại phiên họp ngày 8-10-1972 – phiên họp bước ngoặt của diễn đàn đàm phán bí mật – Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ đưa ra dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” và dự thảo “Thỏa thuận về quyền tự quyết của nhân dân miền Nam”. Sức mạnh tấn công, tháo gỡ bế tắc của bản dự thảo Hiệp định ngày 8-10-1972 là ở chỗ tạm gác nhiều vấn đề chính trị nội bộ miền Nam, “giải quyết theo hai bước”, không đòi xóa chính quyền Sài Gòn và gạt Thiệu. Ngay hôm sau, phía Mỹ đưa ra một bản đề nghị dưới dạng dự thảo hiệp định, trong đó chấp nhận nhiều điều khoản và vấn đề đoàn Việt Nam đã nêu. Dự thảo hiệp định này là một bước có ý nghĩa đột phá trong đàm phán, làm lập trường của hai bên gần nhau và chuyển từ đàm phán khung giải pháp sang đàm phán thẳng các điều khoản của Hiệp định, buộc Mỹ không thể lẩn tránh.
Ngày 20-10-1972, hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng, dự định ký Hiệp định ngày 31-10-1972. Việt Nam đã đạt được các mục tiêu đề ra là Mỹ chấm dứt chiến tranh và rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam. Nhưng đó vẫn chỉ là dự định! Tuy Kissinger tuyên bố “Hòa bình trong tầm tay”, nhưng ngay sau khi Nixon trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, phía Mỹ lại viện dẫn lý do để trì hoãn việc ký Hiệp định. Khi đàm phán được nối lại vào ngày 20-11-1972, Mỹ đòi sửa 69 điểm trong văn bản đã thỏa thuận ngày 20-10-1972, tức là hầu hết các chương của Hiệp định bao gồm nhiều vấn đề thực chất. Ta phê phán gay gắt các đề nghị của Mỹ, khẳng định những vấn đề nguyên tắc không thể sửa đổi như tên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, vùng kiểm soát của mỗi bên, vấn đề quân miền Bắc… Hội nghị lại rơi vào bế tắc.
Sau đó, như chúng ta đã biết, nhằm tạo sức ép trên bàn đàm phán, Nixon đưa máy bay B-52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương ở miền Bắc Việt Nam nhưng bị thất bại nặng nề. Ngày 30-12-1972, Mỹ buộc phải đơn phương tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ bắc vĩ tuyến 20 và đề nghị nối lại đàm phán ở Paris.
Ngày 8-1-1973, vòng đàm phán cuối cùng diễn ra tại Paris. Đến ngày 13-1-1973, các bên hoàn thành văn bản của Hiệp định. Ngày 27-1-1973 Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và bốn Nghị định thư liên quan được ký chính thức. Về cơ bản, Hiệp định mới không khác nhiều so với văn bản ngày 20-10-1972. Việt Nam đã bảo vệ được các nguyên tắc và nội dung cơ bản: Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút quân trong 2 tháng; giữ nguyên trạng về chính trị; Hội đồng hòa giải hòa hợp dân tộc 3 thành phần; hoàn toàn không đề cập vấn đề quân đội miền Bắc. Ngày 28-1-1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam Việt Nam. Hiệp định Paris chính thức được thi hành.
https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ho-so/hanh-trinh-den-hiep-dinh-paris-1973-717204
Ý kiến ()