Hành lang pháp lý quan trọng cho công tác khám bệnh, chữa bệnh
Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 9/1/2023 thay thế cho Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009 có hiệu lực từ 1/1/2024 với nhiều điểm mới thể hiện sự tiến bộ trong việc tiếp cận, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển.
GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế, Phó chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia phát biểu tại hội nghị. |
Ngày 18/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị phổ biến Luật khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15, với kết nối trực tuyến tại hơn 1.000 điểm cầu trên cả nước.
GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này cũng đã tháo gỡ một số vướng mắc, giải quyết những bất cập, điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với bối cảnh thực tế, thể hiện rõ chính sách ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh.
Một trong những điểm mới quan trọng về quản lý người hành nghề đó là Luật đã quy định việc tổ chức thi đánh giá năng lực người hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện.
Đây là một nội dung quan trọng, thể chế hóa Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là bước đột phá trong hội nhập quốc tế, là hoạt động thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo của các trường thuộc khối ngành sức khoẻ và nâng cao chất lượng người hành nghề, đáp ứng mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm, mặc dù, quy định này sẽ tạo thêm áp lực cho người mới ra trường, phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực.
Luật cũng đã bổ sung thêm một số đối tượng, bao gồm cấp cứu viên ngoại viện, dinh dưỡng lâm sàng, tâm lý lâm sàng, vào đối tượng phải cấp giấy phép hành nghề. Luật cũng quy định thời hạn giấy phép hành nghề là 5 năm, sau đó phải tiếp tục gia hạn giấy phép sau khi đã có đủ điều kiện về cập nhật kiến thức y khoa liên tục.
Các quy định về chuyên môn kỹ thuật cũng có nhiều điểm mới. Đó là Luật đã bổ sung quy định về hoạt động cấp cứu ngoại viện, các nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hệ thống cấp cứu ngoại viện, trong đó ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí cho đầu tư thiết lập hệ thống cơ sở cấp cứu ngoại viện của Nhà nước, hệ thống tiếp nhận thông tin và điều phối cấp cứu ban đầu; chi phí vận chuyển cấp cứu trong trường hợp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chi phí quản lý, vận hành cơ sở cấp cứu ngoại viện của nhà nước.
Luật đã bổ sung quy định liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh lưu động (bao gồm khám bệnh, chữa bệnh tại nhà), khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh từ xa; khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; chính sách ưu đãi đối với khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo, không vì mục đích lợi nhuận.
Bổ sung quy định liên quan đến thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh. Điều chỉnh một số nội dung liên quan đến sai sót chuyên môn và thành lập hội đồng chuyên môn giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh.
Đáng chú ý, về các điều kiện bảo đảm công tác khám bệnh, chữa bệnh, Luật đã điều chỉnh phân cấp chuyên môn kỹ thuật từ 4 cấp hành chính (Trung ương, tỉnh, huyện, xã) thành 3 cấp chuyên môn: ban đầu, cơ bản và chuyên sâu.
Quy định việc hỗ trợ cho đào tạo các chuyên ngành cần thu hút gồm tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu…
Luật quy định một số nội dung về cơ chế tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, quy định cụ thể về giá khám bệnh, chữa bệnh, trong đó cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước được quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và phải kê khai giá, niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu.
Đồng thời, cụ thể hóa một số nội dung về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; quản lý, kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh; quy định cụ thể trách nhiệm thiết lập và vận hành hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh…
Luật cũng bổ sung một số nội dung về bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và người hành nghề…
Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đang xây dựng các văn bản và các đề án để hướng dẫn chi tiết một số nội dung thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó Bộ Y tế chịu trách nhiệm đầu mối chính xây dựng Nghị định, Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Quốc phòng cũng đã được giao xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật.
Ý kiến ()