Hành khách miền trung chật vật vào nam sau Tết
Sau những ngày về quê ăn Tết, hàng chục nghìn người dân miền trung lại bắt đầu trở lại các tỉnh phía nam để mưu sinh, công tác và học tập. Tuy nhiên, để có được vé tàu, vé xe vào nam là không đơn giản, nhiều hành khách chấp nhận đón xe trên quốc lộ 1 với giá cao.
Giá vé tăng cao
Tại tỉnh Quảng Ngãi, lượng khách vào nam sau Tết có khoảng hơn 110 nghìn người. Để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, ngoài 95 đầu xe sẵn có trong tỉnh, ngành GTVT Quảng Ngãi đã tính toán điều động 139 đầu xe tăng cường phục vụ đưa hành khách vào các tỉnh phía nam sau Tết Ất Mùi, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, nhất là những ngày cao điểm.
Có thể thấy, từ ngày 24 đến 28-2 (tức mùng 6 đến 10 Tết), với lượng khách chờ mua vé vào nam đông nghẹt tại các bến xe, nhà ga. Những dòng người chen chúc nhau tại các điểm bán vé, hy vọng mua được tấm vé vào nam, thế nhưng hầu như nơi nào cũng thông báo hết vé xe đến ngày 13 âm lịch. Tại doanh nghiệp xe Bình Tâm, Chín Nghĩa và ga Quảng Ngãi, đều thông báo chỉ còn vé từ ngày 13 âm lịch trở đi.
Anh Lâm Quốc Đạt, quê Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, bức xúc: Mấy ngày nay, xếp hàng mua vé xe để vào tỉnh Bình Dương, nhưng vẫn không mua được vé nên anh gọi điện xin phép cơ quan cho nghỉ thêm mấy ngày.
“Đi đến chỗ nào cũng không còn vé, họ nói sớm nhất là ngày 13 âm lịch mới có vé, nhưng phải đi xe tăng cường. Ra quốc lộ đón xe cũng khó, xe dừng nhưng xe nào cũng đầy khách và giá vé tăng cao với hơn 850 nghìn đồng, tăng 250 nghìn đồng/vé so với quy định tại bến”- anh Đạt cho hay.
Còn ông Lê Văn Ngọc, quê xã Bình Long, huyện Bình Sơn, cho biết: “Từ sáng tới giờ, đứng xếp hàng ở ga Quảng Ngãi để chờ mua vé cho đứa con gái đi học tại TP Hồ Chí Minh. Định mua vé cho con đi ngày 11 âm lịch, bởi ngày 12 là cháu nó nhập học rồi, thế nhưng nghe nói là sau ngày 13 âm lịch mới có vé. Thôi thì mình đành chấp nhận ra đón xe khách trên QL 1 với giá hơn 900 nghìn đồng/vé để cho cháu vào kịp học”.
Theo ghi nhận của PV Nhân Dân điện tử, hiện nay hành khách không mua vé được đã và đang tụ tập khá đông ở một số “điểm nóng” trên QL1 (đoạn qua Quảng Ngãi), như ngã ba cầu mới Trà Khúc, cây xăng Thanh Bình, Dốc Sỏi, Bàu Giang, Nghĩa Phương, thị trấn Sông Vệ, thị trấn Đức Phổ để đón xe đò vào nam với giá cao gấp 1,5 lần so với giá niêm yết bán tại Bến xe Quảng Ngãi.
Trên đường ra TP Đà Nẵng, sáng 27-2, chúng tôi cũng đã bắt gặp hàng nghìn người đứng dọc tuyến QL 1, đoạn qua địa bàn các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam chờ đón xe vào nam. Ai cũng xót ruột khi bị “hét giá” từ 900 nghìn tới một triệu đồng/vé cho tuyến từ Quảng Nam đi TP Hồ Chí Minh (trong khi giá vé ngày thường là 650 nghìn – 700 nghìn đồng).
Nhiều người mặc dù đã chờ đợi từ 7 giờ nhưng đến 11 giờ vẫn chưa đón được xe vào nam. Một số người khác, dù đi Bình Định, Tây Nguyên… nhưng nhà xe vẫn “chém” giá cao bằng với giá vé đi TP Hồ Chí Minh.
“Giá xăng dầu đã giảm tới hơn chục lần, nhưng giá vé xe năm nay lại tăng chóng mặt, tới gần 40%. Đã vậy, chưa chắc gì lên xe có ghế để ngồi, dọc đường chủ xe thường sang khách. Từ sáng đến giờ, tôi vẫn chưa chọn được xe nào cả” – anh Nguyễn Văn Bảy, ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam lo lắng.
Tại Bến xe phía Nam (TP Huế), hiện nay nhiều hành khách đến mua vé đi TP Hồ Chí Minh nhưng không có vé. Có khoảng 5 doanh nghiệp chạy tuyến Huế đi TP Hồ Chí Minh như: Minh Phương, Thuận Thảo, Tâm Minh Phương, Phi Long, Phương Trang. Một nhân viên bán vé của nhà xe Minh Phương cho biết: Đến thời điểm này, vé của nhà xe Minh Phương đã bán hết đến ngày 13-1 âm lịch. Chúng tôi đến nhà xe Phi Long hỏi mua vé, cũng nhận câu trả lời chỉ còn vé đi TP Hồ Chí Minh từ ngày 13-1 âm lịch trở đi.
Em Nguyễn Văn Hóa, ở xã Quảng Thành (Quảng Điền), đứng trước phòng bán vé rươm rướm nước mắt. Hóa tâm sự: “Ngày 26 Tết, em đến mua vé, họ bảo vé chưa bán, để số điện thoại lại, lúc nào bán vé nhân viên sẽ liên lạc. Em để số điện thoại lại, họ ghi vào sổ, em tin tưởng như vậy nên hôm nay đến trả tiền và lấy vé. Không ngờ, vé họ bán hết… Ngày 12 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 2-3-2015) em phải đi làm nên buộc phải đón xe dọc đường để vào cho kịp, nếu vào trễ công ty sẽ đuổi việc”.
Lợi dụng tình trạng “cháy” vé, một số doanh nghiệp vận tải nâng giá vé cao gấp 1,5 lần so với giá niêm yết. Anh Nguyễn Minh Hải, ở TP Huế cho biết: “Vé ngày mùng 10 Tết đi vào TP Hồ Chí Minh có giá 1,2 triệu đồng”. – Tôi thắc mắc: “Các hãng xe chỉ niêm yết giá 790 nghìn đồng, sao lại mua cao như vậy?”. “Chính tay em cầm vé để xem sao mà nhầm được, giá 1,2 triệu đồng được nhà xe in công khai ngay trên vé” – Huy bức xúc.
Nhiều người ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, đón xe khách vào nam, cho biết: Những ngày sau Tết, nhà xe tăng giá vé cao hơn ngày thường đã khiến hành khách rất bất bình. Đứng đón xe vào nam, chị Trần Thị Huệ, ở xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, cho biết: Tối mùng 9 Tết, chị cùng bạn trai đón xe vào Sài Gòn, nhưng các xe đều chật kín và bị hét giá lên đến 1,4 triệu đồng/người, nhưng đành phải đi cho kịp ngày làm việc.
Hành khách chờ xe vào nam tại Bến xe Quảng Ngãi.
Nhồi nhét hành khách trên xe
Đi dọc tuyến QL 1 (đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi), chiều 28-2, chúng tôi bắt gặp các xe đò liên tục quần thảo, bắt khách dọc đường tạo ra cảnh tượng khá hỗn loạn, bát nháo. Thậm chí, có xe còn cho hành khách ngồi ghế xúp hoặc ngồi bệt dưới sàn.
Tại cây xăng Thanh Bình (TP Quảng Ngãi), em Nguyễn Thị Thanh, đứng đón xe vào TP Hồ Chí Minh, bức xúc nói: “Em đã lên một xe khách từ Quảng Nam vào TP Hồ Chí Minh, nhưng bị nhồi nhét, không thở được, đành phải xuống. Đã vậy, họ còn phải bắt mình trả 100 nghìn đồng mới chấp nhận cho xuống xe. Nếu không trả, họ không cho mình xuống, đành phải móc túi đưa cho xong chuyện.
Bên cạnh việc nhồi nhét, “chặt chém” khách, các xe dù trong dịp Tết cũng xuất hành rầm rộ. Dọc QL 1, đoạn qua địa bàn huyện Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi, có hàng chục điểm xe dù dừng đón khách. Đặc biệt, trong các cây xăng luôn có hàng chục xe “núp bóng”. Nhiều xe đội lốt đưa đón công nhân, xe hợp đồng cũng bắt khách công khai. Tại Bến xe Quảng Ngãi, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các tuyến xe vào TP Hồ Chí Minh hay Bình Dương, Đồng Nai… đều “cháy” vé từ trước. Có một số cò vé xuất hiện, mời mọc khách đi xe ngoài.
Giám đốc Lê Minh Tuấn, Bến xe khách Quảng Ngãi, cho biết: “Mặc dù, bến xe chúng tôi đã chủ động tăng cường đầu xe phục vụ hành khách và thường xuyên kiểm tra việc niêm yết giá vé, nhưng vẫn có tình trạng hành khách không mua được vé vào nam, phải đón xe ngoài luồng với giá cao. Năm nào, sau Tết cũng “cháy vé”, hành khách chen lấn, chờ đợi mua vé vào nam hết sức phức tạp.
“Lợi dụng “cháy vé”, nhiều nhà xe đã tăng giá vé lên cao đối với khách đón xe đò dọc tuyến QL 1. Bến xe rất khó quản lý các xe dù tăng giá, nhồi nhét hành khách trên xe đã gây bất bình trong nhân dân. Hiện, các cơ quan chức năng đang ra quân, kiểm tra, xử phạt nhiều nhà xe vi phạm. Nếu phát hiện nhà xe nào nhồi nhét, “chặt chém” hành khách quá giá quy định thì cơ quan chức năng sẽ xử phạt thật nghiêm” – ông Tuấn khẳng định.
Năm nào cũng vậy, sau Tết, hàng chục nghìn người ở miền trung lại chật vật đón xe vào nam, chịu cảnh nhồi nhét và tăng giá xe vô tội vạ. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần vào cuộc rốt ráo, kịp thời để xử lý nghiêm những nhà xe vi phạm các lỗi giao thông, góp phần làm cho hành khách đi lại thuận lợi và an toàn hơn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()