Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2024
Chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 là “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Trong thời gian triển khai, sẽ có một số hoạt động chính như lễ phát động, chiến dịch truyền thông nhân Tháng hành động, hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác trẻ em…
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 (sau đây gọi tắt là Tháng hành động) với nội dung và hoạt động cụ thể.
Theo đó, chủ đề của Tháng hành động năm nay là “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”, hướng tới các mục đích, yêu cầu sau.
Một là, truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về triển khai thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tập trung nội dung chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
Hai là, vận động xã hội thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”, hỗ trợ mỗi xã có một công trình dành cho trẻ em được xây dựng hoặc nâng cấp; mỗi đoàn viên, hội viên của tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội có một hành động thiết thực vì trẻ em.
Thời gian triển khai Tháng hành động từ ngày 1 đến 30/6/2024 với những hoạt động chính sau.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 (dự kiến tuần 4 tháng 5 hoặc ngày 1/6/2024), chiến dịch truyền thông nhân Tháng hành động vì trẻ em, hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác trẻ em.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã triển khai các nội dung sau: Xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức, hưởng ứng các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 tại địa phương; Căn cứ điều kiện của địa phương, tổ chức phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 từ cuối tháng 5 hoặc ngày 1/6/2024.
Văn bản cũng đề cập tới một số hoạt động. Cụ thể như: Chỉ đạo xây dựng, nâng cấp các công trình (trường, lớp học, nhà bán trú, thư viện, sân chơi...) dành cho trẻ em với phương thức mỗi xã, phường, thị trấn có 1 công trình vì trẻ em nhân Tháng hành động vì trẻ em; Tổ chức các hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đoàn viên, hội viên trong việc chung tay chăm lo cho trẻ em tại địa phương nhằm vận động toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em với phương thức mỗi người một hành động vì trẻ em hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em; Chuẩn bị nội dung, điều kiện để tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác trẻ em.
Kết quả Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 báo cáo về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội qua Cục Trẻ em trước ngày 31/7/2024.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”. Trong sự kiện này và Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 năm 2023, tại các địa phương có gần 2.500 điểm tổ chức lễ phát động với gần 599 nghìn trẻ em tham dự. Ngân sách dành cho Tháng hành động năm 2023 là 96,5 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (qua Cục Trẻ em) để phối hợp giải quyết.
Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định quan trọng về lĩnh vực trẻ em. Đó là Quyết định số 1591/QĐ-TTg ngày 8/12/2023 về việc phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 và Quyết định số 1080/QĐ-TTg ngày 15/9/2023 phê duyệt danh sách thành viên Ủy ban quốc gia về trẻ em.
Đặc biệt năm 2023, Cục Trẻ em đã triển khai ký kết 2 quy chế/chương trình phối hợp liên ngành. Đó là Quy chế số 2236/QCPH-LĐTBXH-GDĐT-YT-CA ngày 16/6/2023 giữa 4 Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Công an về phối hợp phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và Chương trình phối hợp số 386/CTr-CTE-QBT-CT ngày 4/7/2023 giữa 3 đơn vị: Cục Trẻ em, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Cục Chính trị quân chủng Hải quân về phối hợp thực hiện hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”.
Trước đó, Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”. Trong sự kiện này và Ngày quốc tế thiếu nhi 1/6 năm 2023, tại các địa phương có gần 2.500 điểm tổ chức lễ phát động với gần 599 nghìn trẻ em tham dự. 272 công trình được xây mới và nâng cấp. Khoảng 460 nghìn trẻ em được tặng quà với kinh phí 30,1 tỷ đồng. Hơn 13,8 nghìn trẻ em được cấp học bổng trị giá 9,4 tỷ đồng, và 66,6 nghìn trẻ em được khám, chữa bệnh miễn phí với tổng kinh phí 7,1 tỷ đồng.
Ngân sách dành cho Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 là 96,5 tỷ đồng. Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ cho 17,8 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Công tác truyền thông tiếp tục được Cục Trẻ em tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn địa phương theo hướng mở rộng đối tượng tiếp cận truyền thông với mục đích truyền thông đến từng hộ gia đình, cộng đồng dân cư.
Đặc biệt, Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ VII với chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em” đã diễn ra từ ngày 5-8/8/2023 tại Hà Nội với 188 đại biểu nhỏ tuổi đại diện trẻ em của 47 tỉnh, thành phố và đơn vị.
Ước tính trong năm 2023, duy trì tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đạt 57%. Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em giảm xuống còn 6,7%, đạt mục tiêu đề ra.
Ý kiến ()