Hàng Việt về nông thôn – Những phiên chợ nghĩa tình
Quy mô không lớn, chỉ vừa đủ, nhưng hàng hóa là của các thương hiệu Việt Nam đã được chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” được đem về trong từng phiên chợ, đưa những phiên chợ này thực sự gần gũi với người dân ở mỗi miền quê đất Việt.
Bắt đầu từ cuối tháng 9/2016, Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HDNHVNCLC) bắt đầu hành trình ra Bắc để thực hiện chương trình hàng Việt về nông thôn (HVVNT) tại hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng cùng một chương trình quy mô tại Thủ đô Hà Nội xuyên suốt tháng 10/2016. Đây là một trong những hoạt động đánh dấu cho sự trở lại của thị trường miền Bắc trong năm 2016. Trước đó trong những năm 2009, 2010 và 2011, Trung tâm BSA đã cùng các doanh nghiệp đưa hàng Việt đến một số tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Bắc Giang, Hòa Bình, Thái Bình…
Hàng Việt về nông thôn, củng cố thị trường nội địa
Quả thật, trực tiếp tham gia một phiên chợ tại Tiên Lãng, Hải Phòng, chúng tôi đã có những trải nghiệm quý giá về công việc đưa hàng Việt đến tận tay người dân nông thôn chi tiết và tỉ mỉ đến mức nào. Nhiều người dân mà chúng tôi gặp tại các gian hàng trong phiên chợ như: chị Nguyễn Thị Tuyết (khu 3, Thị trấn Tiên Lãng, Hải Phòng), cô Lê Thị Ước và bà Nguyễn Thị Mai (khu 6, Thị trấn Tiên Lãng, Hải Phòng), ông Hoàng Kim Tĩnh (khu 1, Thị trấn Tiên Lãng, Hải Phòng)… đã cho chúng tôi thấy hết sự hồ hởi, phấn khởi khi trực tiếp được giới thiệu và mua bán nhiều sản phẩm thiết thực của các nhà sản xuất trong nước với giá cả phải chăng và chất lượng được kiểm chứng với thương hiệu “HVNCLC” trong nhiều năm.
Các chương trình “Hàng VIệt về nông thôn” thời gian qua đã quy tụ các DNHVNCLC tham gia tích cực và đông đảo như: nhựa Duy Tân, nhôm nhựa Kim Hằng, VCL, NaMilux, Hoành Kiến Đạt Long An, Mỹ Hảo, bột giặt Lix, mỹ phẩm thiên nhiên Bách Khoa, Cholimex, Tân Quang Minh, Tân Việt Sin, Trà Tâm Lan, Trung Nguyên, Nhã Thy, Hải Lộc, Nam Phương VN, Thái Long, Minh Long Hưng, Việt Hưng, NutiFood, khóa Việt Tiệp, văn phòng phẩm Hồng Hà, Vico, Miko…
Với mục đích đưa hàng Việt, chủ yếu là HVNCLC và một số hàng của địa phương về nông thôn do chính các nhà sản xuất đưa về bán, BSA luôn quan tâm chọn kỹ từng doanh nghiệp tham gia, đảm bảo chất lượng, chiến lược thị trường (mức phát triển thị trường nông thôn), quảng bá, tạo sự quan tâm cho hàng Việt; hỗ trợ các nhà sản xuất hàng Việt hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng nông thôn; hỗ trợ người bán lẻ ở địa phương nâng cao khả năng kinh doanh; kết nối nhà phân phối, nhà bán lẻ tại địa phương và doanh nghiệp sản xuất để có mối làm ăn lâu dài; Nâng cao kiến thức tiêu dùng của người địa phương phân biệt hàng thật – hàng giả và hướng dẫn sử dụng cũng như bảo quản sản phẩm…
Tham gia chương trình, các doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động phong phú, đa dạng: bán hàng chính hãng với nhiều ưu đãi, khuyến mãi, quà tặng; tập huấn cho tiểu thương, người bán lẻ tại địa phương; tư vấn kỹ thuật cho nông dân, tặng ấn phẩm hướng dẫn tiêu dùng và cẩm nang cho tiểu thương, điều tra người bán lẻ và người tiêu dùng, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp và địa phương, văn nghệ, phát quả khuyến học cho học sinh nghèo và tặng quà cho 30 hộ gia đình nghèo tại địa bàn…
Kể từ năm 2009 đến nay, sau hơn 7 năm hoạt động, HDNHVNCLC đã tổ chức được 186 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại 31 tỉnh, thành trên cả nước với 4 tỉnh miền Bắc, 4 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, 23 tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ; tổ chức tọa đàm nông nghiệp huấn luyện được cho 10.175 bà con nông dân các địa phương, kết nối 12.144 tiểu thương địa phương với doanh nghiệp; tổ chức huấn luyện cho thanh niên khởi nghiệp tại địa phương thu hút 640 bạn tham gia; tặng quà cho gần 3.000 hộ nghèo và 3.000 học sinh nghèo tại địa phương; gần 3 triệu lượt người đến tham quan và mua sắm. 181,4 tỷ đồng là tổng doanh thu của các doanh nghiệp qua các kỳ thực hiện.
Cũng qua đó, 152 doanh nghiệp đã tham gia chương trình, 70 doanh nghiệp cam kết đồng hành thường xuyên trên cả 3 miền. Đặc biệt, gần 300 hợp đồng với nhà phân phối, đại lý mới tại các địa phương được ký kết và nhiều chương trình được điều chỉnh mạng phân phối của các DN đã tiến hành và gần 50 cơ quan truyền thông đã đồng hành cùng chương trình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trọng Lịch, đại diện của gian hàng nước mắm Thái Long, công ty TNHH hàng tiêu dùng Thái Long (TP Hồ Chí Minh) trong phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại Tiên Lãng, Hải Phòng cho hay, đây là lần đầu tiên doanh nghiệp tham gia chương trình này. Mặc dù, doanh nghiệp đã có hệ thống đại lý, nhà phân phối, các cửa hàng tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng việc tham gia phiên chợ vẫn được coi trọng vì đây là cách để thương hiệu nước mắm nối tiếng của Phú Quốc sẽ tiếp cận tới tận tay người tiêu dùng các thôn, làng, xã, thị trấn, đặc biệt là tiếp cận một cách đặc biệt gần gũi với nhiều người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn… Ông Lịch cũng bày tỏ mong muốn những phiên chợ như thế này phải được nhân rộng hơn nữa, sự chung tay của nhiều đơn vị và quản lý địa phương để người tiêu dùng Việt có cơ hội trải nghiệm, tiếp cận sản phẩm Việt ngày càng nhiều và hiệu quả hơn.
Đánh giá về hiệu quả chương trình, nhiều nhà quản lý và các chuyên gia đã chung nhận định rằng, chương trình đã đóng góp thiết thực, làm chuyển biến mối quan tâm và tín nhiệm hàng Việt với người tiêu dùng nông thôn; hỗ trợ các nhà sản xuất điều chỉnh sản phẩm, đưa ra sản phẩm và dịch vụ thích hợp hơn với người tiêu dùng nông thôn; hỗ trợ các nhà sản xuất kết nối với mạng truyền thông cho sản phẩm, doanh nghiệp; thâm nhập chính thức mạng phân phối địa phương, xây dựng hay tích hợp mạng phân phối của doanh nghiệp đồng thời biết được “sức khỏe”, mạng lưới phân phối hiện có của doanh nghiệp mình để điều chỉnh, phát triển kịp thời. Và đặc biệt là tăng tính liên kết giữa các doanh nghiệp. Họ liên kết với nhau để cùng hình thành mạng lưới hàng Việt lâu dài ở các địa phương.
Đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng được triển khai khoa học và tập trung
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch HDNHVNCLC cho biết, thời gian qua Hội đã có những bước hỗ trợ thiết thực HVNCLC với việc đưa những sản phẩm HVNCLC tới tận tay người tiêu dùng, qua đó, chứng thực được chất lượng đáng tin cậy, dần dần thay đổi thói quen tiêu dùng.
Tâm sự thêm với chúng tôi, bà Hạnh cho rằng, thực tế, vấn đề chất lượng sản phẩm, hàng hóa được đặt ra ngày càng cao nhưng quan trọng hơn cả là chất lượng thông tin tuyên truyền. Do đó, báo chí đóng vai trò quan trọng và rất cần sự đồng hành của các chuyên gia, các nhà khoa học uy tín để thông tin rộng rãi trong công chúng một cách hiệu quả, không gây hoang mang, tác động xấu tới người nông dân. “Chúng ta hoàn toàn không chấp nhận những chất độc hại có trong sản phẩm, nhưng có trường hợp sử dụng trong danh mục và có tỷ lệ cho phép thì rất cần có sự phân tích tỉnh táo và khoa học để đảm bảo thông tin chính xác và hiệu quả, tránh dễ dãi trong thông tin gây hậu quả nghiêm trọng.
Bà Hạnh cũng cảnh báo, thị trường khu vực phía Bắc có diễn biến nhanh, đã có thời gian ủng hộ cho hàng Việt khá tập trung, tuy nhiên, mới đây, sự xuất hiện của hàng Thái Lan, hàng Trung Quốc hoặc hàng Trung Quốc lấy nhãn Việt Nam, do đó, phải hết sức thận trọng để củng cố lại uy tín cũng như chất lượng hàng Việt, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong suốt thời gian qua không bị bỏ phí.
Bà Hạnh cho biết thêm, để quảng bá thêm nữa cho hàng Việt, HDNHVNCLC ngoài hoạt động đưa hàng Việt uy tín tới tiếp cận người tiêu dùng thì còn tiến hành nghiên cứu sâu hơn tâm lý, thị hiếu, hành vi, nhu cầu của người tiêu dùng cũng như đang triển khai điều tra nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng từ nay đến hết năm 2017 để hỗ trợ thông tin, giúp doanh nghiệp Việt thâm nhập tốt hơn trong chính thị trường nội địa còn bỏ ngỏ như hiện nay. “Việc làm này được chúng tôi làm một cách khoa học và rất tập trung” – Chủ tịch HDNHVNCLC nói./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()