LSO-Tiếp tục thực hiện chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trong nước của Bộ Công thương, từ ngày 12 – 15/9/2012 Sở Công thương Lạng Sơn đã tổ chức 2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn lần thứ 6, lần thứ 7 tại 2 huyện Bình Gia và Văn Quan, gồm 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với 60 gian hàng. Cùng với sự thành công của 5 phiên chợ trước, 2 phiên chợ lần này chú trọng vào việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường và củng cố lòng tin của người dân nông thôn vào chất lượng hàng Việt Nam. Người dân mua hàng Việt của doanh nghiệp Thành Đô (Lạng Sơn)Ông Bùi Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại, Phó Trưởng Ban tổ chức phiên chợ cho biết: Hai phiên chợ năm nay tương đối thành công, ước tính có khoảng hơn 25.000 lượt nguời dân tham gia và tổng doanh thu của các gian hàng tại chợ khoảng 1.300 triệu đồng. Tham gia phiên chợ năm nay có nhiều thương hiệu mạnh, đã khẳng...
LSO-Tiếp tục thực hiện chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thị trường trong nước của Bộ Công thương, từ ngày 12 – 15/9/2012 Sở Công thương Lạng Sơn đã tổ chức 2 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn lần thứ 6, lần thứ 7 tại 2 huyện Bình Gia và Văn Quan, gồm 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với 60 gian hàng. Cùng với sự thành công của 5 phiên chợ trước, 2 phiên chợ lần này chú trọng vào việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường và củng cố lòng tin của người dân nông thôn vào chất lượng hàng Việt Nam.
Người dân mua hàng Việt của doanh nghiệp Thành Đô (Lạng Sơn)
Ông Bùi Văn Phấn, Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại, Phó Trưởng Ban tổ chức phiên chợ cho biết: Hai phiên chợ năm nay tương đối thành công, ước tính có khoảng hơn 25.000 lượt nguời dân tham gia và tổng doanh thu của các gian hàng tại chợ khoảng 1.300 triệu đồng. Tham gia phiên chợ năm nay có nhiều thương hiệu mạnh, đã khẳng định được ví trí của mình trên thị trường trong nước và quốc tế như: giấy Bãi Bằng, rượu vang Thăng Long, pin Con Thỏ…Điều này chứng tỏ các doanh nghiệp đã bắt đầu chú trọng đến thị trường nông thôn, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa.
Đại diện gian hàng của công ty Thành Đô cho biết: đây là lần thứ 6 công ty tham gia vào phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, công ty cũng đã xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm ở tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh. Qua đó khẳng định thị trường nông thôn còn rất nhiều tiềm năng, nếu tổ chức kênh phân phối tốt, đều đặn và phù hợp với thị hiếu của người dân thì hiệu quả kinh tế sẽ còn cao hơn. Còn chị Nguyễn Thu Phương, chủ cơ sở phân phối độc quyền sản phẩm bếp sinh học nói, đây là lần đầu tham gia phiên chợ, nhưng chị thấy rất có ích và hiệu quả, qua phiên chợ chị đã khẳng định được thị trường chính mà mình cần hướng tới. Đồng thời, trong thời gian tham gia phiên chợ tại Văn Quan chị đã được UBND huyện hỗ trợ phối hợp tổ chức buổi hội thảo để quảng cáo và hướng dẫn sử dụng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Có thể thấy, việc tổ chức những phiên chợ trong thời gian qua đã tăng cường nhận thức, trách nhiệm của doanh nghiệp Việt với đời sống nhân dân, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa có thị trường hàng tiêu dùng còn hạn chế. Đồng thời cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, mở rộng hệ thống phân phối, phân tích và hiểu đựơc tâm lý người tiêu dùng, từ đó đưa ra kế hoạch phân phối hàng hoá sao cho hợp lý với từng địa phương. Chủ gian hàng bán quần áo của công ty may Việt Tiến cho biết: tại Bình Gia khách hàng mua nhiều sản phẩm có giá thành cao, về đến Văn Quan thì ngược lại, gian hàng bán được các sản phẩm có giá thấp hơn một chút. Qua đó, các công ty sẽ có kế hoạch tổ chức đưa các chủng loại hàng hoá phù hợp cho những phiên chợ tiếp theo hoặc cho đại lý phân phối tại địa phương.
Qua phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn trên địa bàn 2 huyện Bình Gia và Văn Quan đã tạo điều kiện cho người dân ở khu vực nông thôn được tiếp cận với các mặt hàng Việt phong phú về chủng loại, đảm bảo về chất lượng, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân. Hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức phân phối hàng Việt Nam đến vùng sâu, vùng xa. Đồng thời cổ động các cơ quan chức năng, người dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, làm thay đổi thói quen sính hàng ngoại của xã hội, củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu Việt. Anh Từ Như Hiển, cán bộ Trung tâm xúc tiến thương mại, người trực tiếp tham gia tổ chức thực hiện phiên chợ cho biết: Tuy đã được đánh giá là thành công nhưng vẫn còn một số mặt hạn chế cần có giải pháp khắc phục như, các mặt hàng chưa thực sự phong phú, đa dạng; chất lượng, mẫu mã hàng hoá đã được người dân chấp nhận, tuy nhiên vẫn có nhiều ý kiến cho rằng giá cả còn hơi cao so với mức thu nhập của dân vùng nông thôn. Trong khuôn khổ phiên chợ cũng chưa đan xen tổ chức tuyên truyên mạnh về lợi ích đem lại từ việc người Việt ưu tiên dùng hàng Việt. Một số doanh nghiệp khi tham gia phiên chợ mới chỉ quan tâm đến số lượng sản phẩm bán ra và giá trị lợi nhuận thu về mà chưa thực sự chú trọng đến vấn đề phân tích, mở rộng và khai thác thị trường tiềm năng để lên kế hoạch mở các kênh phân phối hàng hóa về nông thôn. Vì vậy, vẫn còn một bài toán đặt ra đối với người dân nông thôn tại địa phương là sau khi kết thúc phiên chợ, nếu người dân tiếp tục có nhu cầu muốn mua những sản phẩm hàng Việt như đã bán tại chợ thì mua ở đâu.
Từ kết quả đã đạt được và những mặt hạn chế qua 2 phiên chợ, hy vọng rằng, các phiên chợ lần sau sẽ được Ban tổ chức tâp trung chỉ đạo thực hiện với những giải pháp thiết thực, hiệu quả hơn nữa như tăng số lượng các mặt hàng bày bán, phong phú về chủng loại, đảm bảo về chất lượng và giá cả hợp túi tiền người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu hàng Việt, đưa ra được những điểm nổi bật của hàng Việt với hàng ngoại. Đồng thời có những cơ chế, chính sách nhằm thu hút được nhiều hơn nữa các doanh nghiệp đăng ký tham gia vào phiên chợ.
Anh Dũng
Ý kiến ()