Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng
Theo Sở Công thương tỉnh Đác Lắc, đến nay, phần lớn người dân trên địa bàn đã nhận rõ tầm quan trọng của việc sử dụng hàng Việt, các sản phẩm vừa có chất lượng lại hợp túi tiền với nhiều người tiêu dùng (NTD). Tại các siêu thị trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, hàng Việt chiếm phần lớn, khoảng hơn 90%, trong đó các kênh phân phối bán lẻ này luôn ưu tiên ký kết hợp đồng với nhà cung cấp là doanh nghiệp (DN) trong nước và liên tiếp triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mãi để kích thích sức mua.
Xây dựng văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam
Ban Chỉ đạo cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của tỉnh Đác Lắc đã xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Trong đó, công tác tuyên truyền góp phần giúp NTD nhận thức đúng đắn hơn về thị trường trong nước, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Các ngành liên quan triển khai nhiều hoạt động thiết thực như tạo điều kiện, bố trí địa điểm để các DN trên địa bàn tổ chức nhiều chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, tham gia các đợt hội chợ – triển lãm… Từ năm 2009 đến nay, đã tổ chức thành công 20 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút hơn 35.000 lượt NTD tham gia với doanh thu gần bốn tỷ đồng; khuyến khích các DN triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mãi để kích thích sức mua, thực hiện tốt hơn dịch vụ chăm sóc khách hàng, từ đó từng bước thay đổi hành vi của NTD khi lựa chọn mua hàng. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, các cơ quan chức năng đã chú trọng hơn công tác ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… lưu thông trên thị trường để bảo vệ quyền lợi cho NTD.
Trưởng Ban Tổ chức – Tuyên giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đác Lắc Hồ Văn Mười, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CVĐ cho biết, điều đáng mừng nhất là đã xây dựng được văn hóa tiêu dùng hàng Việt trong lòng người dân. Nhiều bà con đều ý thức, dùng hàng Việt là thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc, góp phần nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các DN Việt. Có thể thấy, niềm tin của NTD về hàng hóa trong nước đã được nâng lên. Tuy nhiên, để CVĐ tiếp tục có sức lan tỏa rộng rãi hơn nữa, nhất là với các vùng nông thôn trong tỉnh thì phải chú trọng hơn công tác tuyên truyền, trước hết là cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhằm nâng cao ý thức tiêu dùng hàng Việt. Những đợt đưa hàng Việt về nông thôn không chỉ dừng lại ở việc đưa hàng về trung tâm huyện mà cần đưa về tận thôn, buôn, nơi phương tiện giao thông đi lại còn khó khăn…
Theo Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Trần Trọng Lưu, thực tế từ trước đến nay, NTD ở Đác Lắc quen với nếp nghĩ hàng ngoại nhập bao giờ cũng có chất lượng cao hơn hàng nội. Điều này cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho NTD, vì thực tế, nhiều DN trong nước chỉ chú trọng đến xuất khẩu. Những sản phẩm lỗi kỹ thuật bị loại vì không đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu thì mới được bày bán trong nước dưới dạng thanh lý. Bên cạnh đó, mẫu mã, bao bì sản phẩm của hàng hóa trong nước ít gây được sự chú ý của NTD. Đó là chưa kể những mẫu mã bao bì “nhái” theo mẫu hàng nước ngoài hoặc tên sản phẩm toàn chữ nước ngoài… Không chỉ vậy, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn còn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc tại địa bàn. Nhiều DN còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng cho nên hiệu quả trong hoạt động xúc tiến thương mại chưa cao. Vẫn còn một số DN lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng “nhái”, sắp hết hạn sử dụng, làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của NTD, từ đó làm giảm ý nghĩa thiết thực của Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng
Để NTD thật sự tin yêu hàng Việt, trách nhiệm rất lớn thuộc về DN. Các nhà sản xuất, DN trong nước cần đưa ra được các sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, chia sẻ với NTD những khó khăn hiện nay để có mức giá sản phẩm thích hợp nhất.
Theo đó, hai mục tiêu quan trọng cần tiếp tục giữ vững trong quá trình triển khai CVĐ người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là: không ngừng nâng cao sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả của hàng Việt; và tạo lập kênh phân phối rộng khắp, vững chắc, nhất là tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các nhà bán lẻ cần hiểu biết và tin tưởng vào hàng Việt Nam, đồng thời cần nắm được xu hướng và tâm lý khách hàng để phản hồi tới nhà sản xuất những ý kiến góp ý của khách về chất lượng, dịch vụ sản phẩm…
Những chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn đã thu hút được sự quan tâm của nhiều NTD. Thực tế, bà con tại các vùng khó khăn mong muốn được dùng hàng Việt, bởi thông qua các phương tiện truyền thông, bà con phần nào hiểu được việc làm này là thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Thế nhưng, ngay trong chính lúc mua được những món hàng ưng ý, nhiều NTD cũng không khỏi băn khoăn, bởi sau chuyến đưa hàng Việt về nông thôn như thế, liệu có còn chuyến sau (?!).
Một vấn đề đáng nói, dù không thể phủ nhận tác động tích cực của những chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, nhưng các DN nước ta hiếm khi có chương trình khuyến mãi, giới thiệu sản phẩm hay hỗ trợ tiểu thương tại các chợ, khiến tiểu thương bán lẻ khó tiếp cận được với nhà sản xuất cũng như NTD. Hằng năm, ở các vùng nông thôn, chỉ thấy các DN ở ngành hàng: dầu ăn, nước mắm và mì tôm chủ động tổ chức các chuyến xe lưu động bán hàng, tư vấn, giới thiệu sản phẩm chứ chưa thấy các DN khác tiếp cận trực tiếp NTD; điều này dẫn đến hàng hóa chưa xâm nhập được thị trường ở đây. Về phía NTD, dù muốn sử dụng nhiều mặt hàng Việt, nhưng họ lại bị thiếu thông tin về sản phẩm cũng như nhà cung cấp, cộng với điều kiện sinh sống lại xa các trung tâm mua sắm khiến họ càng xa… sản phẩm trong nước.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()