Hàng vạn đèn hoa đăng thắp sáng “dòng sông hoa đỏ” Thạch Hãn
Lễ hội “Đêm hoa đăng” nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972-2022) và 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) trên sông Thạch Hãn của tỉnh Quảng Trị nhằm bày tỏ lòng tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc…
Thả đèn hoa đăng, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. |
20 giờ 20 phút ngày 13/7 (tức ngày 15 tháng Sáu âm lịch), tại bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Lễ hội “Đêm hoa đăng” trên sông Thạch Hãn nhằm tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm (28/6-16/9/1972) chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành; nhiều Sư đoàn, đơn vị từng tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, các cựu chiến binh trên mọi miền Tổ quốc và đông đảo nhân dân, du khách tham dự.
Bí thư Thị ủy Quảng Trị Văn Ngọc Lãm đọc diễn văn tại Lễ hội Đêm hoa đăng. |
Các lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng đông đảo du khách thắp nén tâm nhang, thả hoa mở đầu Lễ hội “Đêm hoa đăng”
“Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đặc biệt trong 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ thị xã Quảng Trị và Thành cổ Quảng Trị biết bao nhiêu người con yêu đã anh dũng hy sinh bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Máu xương của các anh đã hòa vào lòng đất, vào dòng sông Thạch Hãn. Tên tuổi và chiến công của các anh cũng như địa danh Quảng Trị đã ghi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi”, đồng chí Văn Ngọc Lãm, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thị xã Quảng Trị khẳng định.
Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Trị dâng hương tại Lễ hội Đêm hoa đăng. |
Cựu chiến binh khắp mọi miền đất nước về thăm lại Thành cổ Quảng Trị nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ nơi này. |
Lễ hội “Đêm hoa đăng” là lễ hội tri ân các anh hùng liệt sĩ. Đây là lễ hội của dòng sông và lễ hội của lòng người. Những đèn hoa đăng được thả trôi, ánh lửa lan ra khắp mặt sông cứ lập lờ, lập lờ chạy chầm chậm vào lòng người. Nghe như dưới đáy sông kia tiếng của các liệt sĩ đang hát khúc quân hành.
Những bè hoa chuẩn bị thả xuống dòng Thạch Hãn tri ân các liệt sĩ trong Lễ hội Đêm hoa đăng. |
Câu chuyện về lịch sử bi thương của chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị đến hôm nay vẫn luôn làm nhiều người xúc động. Ngày 16/9/1972, để bảo toàn lực lượng cũng như sau khi hoàn thành nhiệm vụ chốt giữ Thành cổ Quảng Trị, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định rút toàn bộ lực lượng bộ đội trấn giữ Thành cổ về phía bờ Bắc sông Thạch Hãn.
Lúc này, sông Thạch Hãn đang vào mùa lũ lớn. Vì vậy, hàng ngàn chiến sĩ cùng thương binh của ta khi qua dòng sông này đã không còn đủ sức chống lại với dòng nước lũ đang chảy xiết. Sông Thạch Hãn trong những ngày ấy đã trở thành dòng sông máu, là nơi yên nghỉ vĩnh viễn của các chiến sĩ Thành cổ kiêu hùng.
Hàng vạn đèn hoa đăng được thả trên sông Thạch Hãn. |
Sau 5 năm trở lại Quảng Trị, bác Phạm Văn Khải, đơn vị Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 (quê Hưng Yên) từng tham gia chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị bày tỏ xúc động nghẹn ngào khi được thắp hương cho đồng đội đã ngã xuống vào đúng dịp kỷ niệm đặc biệt này.
“Tôi có 5 ngày trực tiếp ở trong lòng của Thành cổ Quảng Trị và chứng kiến những giây phút cuối cùng của cuộc chiến này với rất nhiều đồng đội đã nằm lại nên rất cố gắng cùng các anh em về Quảng Trị thắp hương cho các anh”, bác Khải bày tỏ.
Cựu chiến binh xúc động nhớ về đồng đội năm xưa. |
Cũng như bác Khải, bác Nguyễn Tiến Bính, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 18, quê Hà Tĩnh năm nào cũng vào Quảng Trị vào đúng dịp 27/7 để thắp hương cho đồng đội. Trong những ngày chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, đại đội chuyên nhiệm vụ tập kích của bác Bính chỉ còn 7 người sống sót.
“Mỗi lần về mảnh đất thiêng này chúng tôi ai cũng xúc động vì được thắp hương tri ân cho đồng đội, các anh hùng liệt sĩ. Có những người đã mất, có người già không đi được nữa, những anh em chúng tôi còn sức khỏe luôn ao ước mỗi năm một lần vào Quảng Trị để thắp hương, thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn cho bạn bè mình. Đó là toại nguyện cuối cùng của chúng tôi”, bác Bính xúc động chia sẻ.
Dâng bè hoa, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. |
Gặp mặt kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ và 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ
Trước đó, chiều nay 13/7, thị xã Quảng Trị tổ chức kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị ( 1972-2022) và 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022). Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4, Thiếu tướng Trần Minh Thanh tham dự buổi gặp mặt.
Cuộc tiến công chiến lược mùa Xuân 1972 của các đơn vị bộ đội chủ lực chỉ diễn ra trong vòng hơn 1 tháng, từ 30/3-1/5/1972, đập tan được tuyến phòng thủ chiến lược mạnh nhất của đế quốc Mỹ và chính quyền miền nam cũ, giáng một đòn mạnh vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”của đế quốc Mỹ; hoàn thành mục tiêu giải phóng tỉnh Quảng Trị.
Tức tối trước thất bại đau đớn này, từ ngày 28/6/1972, đế quốc Mỹ và quân đội của chính quyền miền nam cũ mở cuộc hành quân với mật danh “Lam Sơn 72” hòng tái chiếm tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là toàn bộ thị xã Quảng Trị; từ đây mở đầu cho 81 ngày đêm quân Giải phóng chiến đấu chống phản công để bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị.
Trong 81 ngày đêm, từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972, thị xã Quảng Trị và Thành cổ Quảng Trị phải oằn mình hứng 328 nghìn tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945; trung bình mỗi chiến sĩ phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 đạn pháo của địch.
Âm mưu và bom đạn của đế quốc Mỹ và chính quyền miền nam cũ không thể khuất phục được ý chí của đồng bào, chiến sĩ. Với lòng quả cảm và ý chí gang thép, các chiến sĩ quân Giải phóng vẫn chiến đấu, bám trụ kiên cường trong từng trận địa; quyết bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị nhằm giành lợi thế trên mặt trận quân sự để tạo ra thắng lợi quyết định trên bàn đàm phán ngoại.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và 75 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ. |
Từ một mảnh đất bị san phẳng, hủy diệt hoàn toàn vào năm 1972, đến nay thị xã Quảng Trị thay đổi từng ngày. Ghi nhận những thành tích đạt được trong chiến đấu và dựng xây, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Trị được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Lao động hạng Nhất lần thứ hai năm 2019 và các phần thưởng cao quý khác.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quang Tùng gửi tới các lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước, các tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh cùng toàn thể các đại biểu về tham dự sự kiện có ý nghĩa này lời thăm hỏi ân cần, chu đáo.
50 năm đã đi qua, cuộc sống luôn hướng về phía trước, nhưng những dấu son về một thời đấu tranh anh dũng vẫn không hề phai nhạt trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam nói chung, người dân tỉnh Quảng Trị và thị xã Quảng Trị nói riêng.
Chúng ta mãi mãi biết ơn sự hy sinh cao cả của hàng vạn đồng bào, đồng chí, của những người con ưu tú từ khắp mọi miền đất nước đã ngã xuống vì mảnh đất thân yêu này.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chia sẻ, bước vào giai đoạn phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Quảng Trị cần kế thừa những thành tựu đã đạt được trong các giai đoạn trước, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng, năng động, sáng tạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững hơn, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị gợi mở, thị xã Quảng Trị cần chăm lo ngày càng tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; làm tốt các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, tập trung các nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách có mức sống trên mức trung bình ở địa phương; tạo điều kiện để các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ luôn vui vẻ về tinh thần và có cuộc sống vật chất ổn định…
Thị xã cần phát huy tiềm năng, tận dụng lợi thế của địa phương để phát triển du lịch hiệu quả, thu hút du khách đến với những di sản văn hóa chiến tranh cách mạng phong phú, xây dựng và khai thác thương hiệu du lịch hòa bình, gắn với du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội, hướng đến xây dựng thị xã Quảng Trị thành đô thị mang biểu tượng của hòa bình.
Ý kiến ()