Hàng trăm nghìn tỷ đồng đang bị “đóng băng, bào mòn”
Các cán bộ, kỹ sư LILAMA thi công trên công trường Nhiệt điện Sông Hậu 1. BÀI 3 Cơ chế đặc biệt “phá băng”, khơi thông bế tắc
Quyết sách mạnh mẽ, táo bạo
Muốn giải quyết dứt điểm tình trạng trì trệ, “đắp chiếu” tại các dự án Tisco – II, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 và Sông Hậu 1, rất cần Nhà nước, Chính phủ ưu tiên cho các dự án một cơ chế đặc thù, nhằm tháo gỡ những “nút thắt” đã được tìm ra để có thể tiếp tục triển khai các dự án, tránh lãng phí kéo dài. Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi bày tỏ: “Để tổng công suất các nhà máy điện đến năm 2030 đạt khoảng 129.500 MW như quy hoạch, mỗi năm cần bổ sung 7.000 MW, tương đương nguồn vốn 13 tỷ USD. Đây không chỉ là tình thế của riêng nhiệt điện Thái Bình 2 mà hàng loạt dự án khác trong Tổng sơ đồ Điện VII đều vướng mắc cơ chế tài chính, đòi hỏi phải được tháo gỡ”. Theo Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long, với các công trình nhiệt điện trọng điểm như Sông Hậu 1, Thái Bình 2, mặc dù không làm tăng TMĐT, dòng tiền của chủ đầu tư sẵn có, nhưng cơ chế trói buộc nên không thể đẩy nhanh tiến độ. Thực tế, những vướng mắc pháp lý tại các dự án vừa qua đã ảnh hưởng đến tâm lý chung của lãnh đạo nhiều đơn vị. Mặt khác, cũng có hiện tượng đùn đẩy việc lên cấp có thẩm quyền, thiếu tinh thần dám chịu trách nhiệm, khiến công việc càng rối. Tình trạng này cần phải được tháo gỡ ngay thông qua những tham mưu có trách nhiệm, chất lượng và sự quyết đoán của các cấp lãnh đạo. Nếu không có giải pháp triệt để thúc đẩy các dự án nguồn lớn đang dở dang bị đứt vốn như Sông Hậu 1, Thái Bình 2 vào hoạt động theo kế hoạch, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bảo đảm an ninh năng lượng đất nước theo Tổng sơ đồ Điện VII.
Số phận của dự án Tisco – II còn bi đát hơn vì không những không có tiền mà còn vướng mắc tranh chấp hợp đồng với Tổng thầu MCC (DN này yêu cầu phải tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD để hoàn thành dứt điểm dự án) và không giải chấp được với các ngân hàng khoản vay 1.800 tỷ đồng với điều kiện bảo lãnh 100%. Gần hai năm sau khi Quốc hội có Nghị quyết và hơn một năm sau khi Chính phủ phê duyệt phương án xử lý, hai nút thắt này vẫn chưa được tháo gỡ cũng vì câu chuyện “sợ trách nhiệm”. Việc không ai dám quyết khiến dự án càng sa lầy vào khủng hoảng, có nguy cơ đẩy Tisco xuống bờ vực phá sản. Liên quan vấn đề giải chấp khoản vay 1.800 tỷ đồng của Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) tại ngân hàng Vietinbank, khoản nợ đã được ngân hàng bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), đưa vào nhóm nợ xấu khó đòi. VnSteel đã yêu cầu Tisco thế chấp hai mỏ than để bảo đảm nghĩa vụ bảo lãnh với khoản vay tại Vietinbank và phát hành cổ phiếu tăng vốn để chuyển một phần nợ thành vốn góp cổ phần nhưng cũng không khả thi. Chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích, về nguyên tắc, không thể có một mệnh lệnh hành chính nào để ngân hàng khoanh nợ cho Tisco – II mà chỉ có thể chia sẻ rủi ro thông qua nghiệp vụ tái cơ cấu nợ. Phải có tiền mới, tiền thật đổ vào dự án và đó chỉ có thể là tiền của nhà đầu tư. Nếu thấy dự án có tiềm năng, nhà đầu tư sẽ rót vốn. Khi đó, ngân hàng có thể khoanh nợ, không thu lãi khoản vay cũ, chờ dự án hồi sinh mới thu cả gốc lẫn lãi. Như vậy, phải có tiền đầu tư rót vào mới giải quyết được khoản vay cũ. Tuy nhiên, theo đánh giá, đây cũng là “cửa hẹp” vì ngân hàng cho vay cũng là ngân hàng nhà nước nên khó có thể linh hoạt khi tái cơ cấu nợ. Khi dự án có vấn đề về tài chính, sau một năm phải có ngay kế hoạch xử lý. Nhưng để Tisco – II kéo dài gần chục năm, nghĩa là các cơ quan có trách nhiệm đã quá chậm trễ. “Đây là bài học cay đắng cho các doanh nghiệp nhà nước trong cả hoạt động sản xuất, kinh doanh và thoái vốn, cổ phần hóa”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Trao cơ hội cho nhà đầu tư mới
Quan điểm của Chính phủ là dứt khoát không dùng tiền ngân sách để cứu các dự án thua lỗ, dự án chậm tiến độ. Với Tisco-II, sau tất cả những khó khăn, “đắp chiếu” trong một thời gian dài, giờ đây, điều quan trọng là cần một giải pháp thiết thực để đưa nhanh dự án vào vận hành, qua đó ngăn chặn phát sinh thêm những tổn thất không đáng có. Để làm được điều này, Chính phủ cần sớm xem xét chấp thuận thoái vốn để DN có thể tự chủ quyết định việc tiếp tục triển khai Tisco – II ra sao. Việc thoái vốn càng xúc tiến sớm ngày nào, dự án càng có cơ hội “hồi sinh” ngày đó, chấm dứt sự lãng phí và giảm bớt thiệt hại, tránh được việc “lãi mẹ đẻ lãi con”, càng để lâu càng mất giá. Với thực trạng của Tisco – II hiện nay, khi thoái vốn, có thể Nhà nước phải chịu thua thiệt trước mắt, không thu hồi được 100% vốn, nhưng sẽ cứu được Tisco, giúp ổn định việc làm, bảo đảm thu nhập cho gần 4.500 lao động cùng 500 doanh nghiệp là đối tác của Tisco cũng như hàng chục nghìn người dân phía nam TP Thái Nguyên sống nhờ vào gang thép. Nhiều chuyên gia kinh tế đều đồng thuận quan điểm thoái vốn triệt để tại dự án Tisco – II là giải pháp tốt nhất cho tình thế hiện nay. Tuy nhiên, không thể chần chừ lâu hơn nữa mà phải hành động ngay. Càng để lâu, gánh nặng tài chính sẽ khiến dự án Tisco – II chìm đắm không cứu vãn được. “Nên tách riêng phần đầu tư của Tổng thầu EPC cho phá sản và bán lại tài sản đó theo phương thức đấu thầu công khai, DN tư nhân sẽ vào đầu tư, có giải pháp vực dậy dự án. Nếu yêu cầu phải tuân theo quy trình, thủ tục, bảo toàn vốn đầu tư thì không biết đến bao giờ mới xong. Chờ lâu hơn nữa sẽ chỉ bán được với giá sắt vụn, không ai xem đó là công trình có thể vận hành được nữa. Cần thuê chuyên gia, tư vấn khảo sát, đánh giá tình hình, trên cơ sở đó đề xuất phương án cụ thể, chứ áp dụng thủ tục theo đúng quy định hành chính thì không có lối ra”, một chuyên gia nhận xét.
PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam khẳng định: Việc thoái vốn Nhà nước tại Tisco cần làm theo cơ chế thị trường. Tại thời điểm định giá, nếu tài sản có giá trị một tỷ đồng, thì xác định là một tỷ đồng, chứ không thể yêu cầu bảo toàn vốn với giá trị ban đầu 100 tỷ đồng. Không thể giữ quan điểm bảo toàn vốn vì vốn còn đâu mà bảo toàn. Trường hợp này, bán tài sản đi là “thoát được món nợ” vì không phải trả nợ lãi, nhà máy vận hành trở lại sẽ thu được thuế để bù đắp vào giá trị đầu tư bỏ ra. Số tiền chênh lệch so với vốn đầu tư ban đầu coi như cái giá phải trả, là sự trừng phạt sai lầm khi quyết định đầu tư trước đây. Cách đặt vấn đề phải rõ ràng như vậy mới có giải pháp xử lý để Quốc hội cho chủ trương thực hiện. Không cơ quan nhà nước nào trong hệ thống pháp luật hiện nay có thể giải quyết nếu không có một cơ chế đặc biệt. DN và các bên liên quan cần mổ xẻ, trình phương án hữu hiệu nhất để Quốc hội quyết định, càng để kéo dài, càng gây tổn hại lớn cho nền kinh tế. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho rằng, nếu giải quyết được những vấn đề trên, nhà đầu tư mới chắc chắn sẽ phân kỳ đầu tư, đưa vào vận hành, khai thác hạng mục chính như lò cao, lò thổi, cho ra sản phẩm phôi thép ngay nhằm đáp ứng nhu cầu nhà máy cán. Chưa kể, phần đầu tư các hạng mục chắc chắn sẽ giảm đi chứ không lớn như phương án đã trình Chính phủ trước đó vì chủ sở hữu mới có quyền tìm đối tác khác, cơ cấu lại vốn đầu tư. Đây cũng là một bài học đau xót trong việc hợp tác với các nhà thầu quốc tế, cần rút kinh nghiệm sâu sắc cho các dự án sau này, tránh lặp lại những “vết xe đổ”.
Từ góc nhìn của người làm chính sách quản lý kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư thẳng thắn cho rằng, những dự án như Tisco – II, nhiệt điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2 và nhiều dự án nữa thực chất là khối tài sản đang “chết” dần. Nhiệm vụ của chúng ta là phải làm sống lại tài sản này, đưa vào sản xuất, đó là nhiệm vụ không thể thoái thác. Không nên vì một vài người sai phạm mà để cho cả khối tài sản khổng lồ này “chết” hẳn. Nếu tìm được lối ra cho các dự án, không chỉ có tác dụng khôi phục được hàng tỷ USD mà còn tạo ra nhiều giá trị khác khi dự án đi vào vận hành, khai thác. Hãy trao cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân. Tất cả những cán bộ lãnh đạo, những người có trách nhiệm phải cùng thống nhất với nhau để đưa ra quyết định. “Quan điểm của tôi thiên về phương án, ở chỗ nào đó cần bổ sung thêm một vài trăm tỷ đồng để cứu lấy nhiều nghìn tỷ đồng thì mới quyết định bổ sung vốn. Khi nhà máy đi vào hoạt động, phục hồi sản xuất mới tính đến thoái vốn hay cổ phần hóa để bảo đảm lợi ích cao nhất cho DN, cho Nhà nước. Còn tại thời điểm này, thoái vốn, cổ phần hóa đương nhiên sẽ không thể thu được phần giá trị tương ứng. Tình thế hiện nay rất cấp bách, tài sản của Nhà nước hao mòn, lãng phí rất lớn, nợ nần chồng chất và đã đến “điểm chết” của quá trình ra quyết định, không thể để tình trạng này kéo dài thêm được nữa”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh. Trong hoàn cảnh gấp gáp này, rất cần một cơ chế đặc biệt, những quyết định dũng cảm vượt khỏi sự thông thường là hết sức cần thiết nhằm vực dậy, làm sống lại các dự án đang bị dở dang, đình trệ. Nếu những quy định đã trở nên lạc hậu với thực tiễn và cản trở quá trình phát triển, cần mạnh dạn, dũng cảm thay đổi, không thể để cả bộ máy biến thành nạn nhân của những thủ tục chồng chéo, bùng nhùng do chính mình tạo ra.
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra các ngày 23, 24-12-2019.
Qua kinh nghiệm thực tiễn triển khai các công trình trọng điểm quốc gia trước đây như Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủy điện Sơn La, Lai Châu,… tôi cho rằng, mô hình Ban Chỉ đạo quốc gia của mỗi dự án đã mang lại hiệu quả rất lớn. Ban Chỉ đạo này do một Phó Thủ tướng đứng đầu, thành phần gồm lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan, định kỳ hằng tháng họp một lần, giải quyết những vướng mắc ngay tại công trường, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án. Trong bối cảnh hiện nay, khi một số quy định pháp luật còn chồng chéo, mô hình này rất cần được áp dụng nhằm có quyết sách kịp thời. Hiện nay, tại các công trình trọng điểm, những cơ chế trói buộc không được xử lý đúng lúc, không bộ ngành nào đủ thẩm quyền quyết định, khiến việc thi công đình trệ, gây lãng phí, thiệt hại lớn cho đất nước.
Anh hùng Lao động LÊ VĂN TUẤN
Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam
Theo Nhandan
Ý kiến ()