Hàng trăm nghìn công dân EU xin cư trú lâu dài tại Anh sau Brexit
Theo số liệu Chính phủ Anh công bố ngày 30/5, chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm, Anh đã nhận được 750.000 đơn xin cư trú lâu dài tại nước này của các công dân Liên minh châu Âu (EU).
Theo số liệu Chính phủ Anh công bố ngày 30/5, chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm, Anh đã nhận được 750.000 đơn xin cư trú lâu dài tại nước này của các công dân Liên minh châu Âu (EU).
Theo Bộ Nội vụ Anh, trong 4 tháng vừa qua, đã có 103.000 công dân Ba Lan đăng ký cư trú lâu dài tại Anh, trong khi con số này đối với công dân Romania và Italy lần lượt là 90.000 và 71.000 đơn.
Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng năm trong tốp 5 nước có số đơn đang ký cao nhất. Chương trình Định cư EU, vốn cho phép 3,8 triệu công dân EU có quyền sống lâu dài tại Anh sau Brexit, hiện đang vấp phải nhiều tranh cãi.
Đầu tháng Một vừa qua, Thủ tướng Anh Theresa May đã xóa bỏ mức phí 65 bảng (tương đương 82 USD), đáng lẽ sẽ được áp dụng nếu Brexit không thỏa thuận thực sự xảy ra.
Hiện, chương trình đang đứng trước nhiều rủi ro liên quan đến thời điểm Brexit, cũng như việc liệu quá trình này có thực sự diễn ra hay không.
Chương trình trên đang nằm dưới sự giám sát của Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid, cũng là một trong những ứng cử viên tham gia cuộc đua trở thành thủ tướng Anh vào tháng Bảy tới.
Trong một tuyên bố, ông Javid nhấn mạnh “ công dân EU là những người bạn, hàng xóm và đồng nghiệp đã đóng góp rất nhiều cho đất nước này. Dù kết quả Brexit có như thế nào, chúng tôi cũng muốn bạn ở lại.”
Ông cho rằng những con số thông kê mới nhất là rất đáng khích lệ, đồng thời bày tỏ hy vọng Chương trình Định cư EU sẽ tiếp tục thành công trong những tháng tới.
Trước đó, những quan ngại về kinh tế và mong muốn hạn chế nhập cư, đặc biệt là từ các nước Đông Âu như Ba Lan và Romania là một trong những nguyên nhân khiến cử tri Anh ủng hộ Brexit năm 2016.
Theo kế hoạch ban đầu, Brexit đáng lẽ diễn ra vào ngày 29/3 vừa qua. Tuy nhiên, hạn chót đã bị lùi lại sang ngày 12/4 và sau đó là 31/10 do Quốc hội Anh từ chối thông qua thỏa thuận.
Ngày 24/5 vừa qua, Thủ tướng May thông báo sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7/6 tới sau khi không thể thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit mà bà đạt được với EU hồi cuối năm ngoái.
Quyết định của bà May sẽ mở đường cho đảng Bảo thủ bầu lãnh đạo mới và nước Anh sẽ có một thủ tướng mới. Cuộc bỏ phiếu này dự kiến được tổ chức trong tuần bắt đầu từ ngày 10/6 tới.
Dù ai thay thế bà May cũng đều phải chấp nhận một thực tế rằng thỏa thuận Brexit mà EU khẳng định là tốt nhất và duy nhất chắc chắn sẽ không được Quốc hội hiện tại ở Anh thông qua sau 3 lần bác bỏ.
Điều mà những người kế nhiệm bà May cần phải làm là tìm ra giải pháp cho vấn đề đường biên giới trên đảo Ireland vốn là điểm gây tranh cãi lớn nhất trong thỏa thuận Brexit hiện tại.
Theo điều khoản “rào chắn” trong thỏa thuận này, Anh sẽ phải tuân thủ một số quy định của EU cho tới khi nào hai bên đàm phán xong thỏa thuận thương mại nhằm tránh thiết lập biên giới cứng giữa vùng Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.
Nhiều nghị sỹ ủng hộ Brexit phản đối vì cho rằng điều khoản này khiến Anh bị ràng buộc với EU “vô thời hạn.”
Anh có thể sẽ đề nghị EU gia hạn thời gian đàm phán, hoặc quyết định rời EU không thỏa thuận, một phương án mà các doanh nghiệp lo rằng sẽ gây ra hỗn loạn tại biên giới và rộng hơn là nền kinh tế./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()