Hằng trăm ha ngô ở Tuyên Quang bị sâu keo gây hại
Diện tích ngô của gia đình bà Đặng Thị Đông, xóm 5, xã Tân Long (Yên Sơn) không được thu hoạch do sâu keo mùa thu gây ra.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, vụ xuân năm 2019, tổng diện tích gieo trồng ngô cả tỉnh là 8.372 ha, diện tích nhiễm sâu keo mùa thu là 119,2 ha, trong đó nhiễm nặng 7 ha tại thành phố Tuyên Quang. Trong vụ hè thu, đến ngày 31-7 toàn tỉnh đã gieo trồng được 3.480 ha ngô, đạt 87,9 % kế hoạch, cây ngô đang ở giai đoạn mới mọc đến 3-4 lá. Qua điều tra, theo dõi, hiện nay sâu keo mùa thu đã xuất hiện trên 112 ha ngô và gây hại rải rác tại tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, có những điểm mật độ sâu keo gây hại lên đến 3-5 con/m 2, nếu không kiểm soát được, sâu sẽ lan rộng, tổn thất còn lớn hơn rất nhiều.
Đồng chí Trần Thị Lịch, Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), sâu keo mùa thu là loài sâu hại đa thực, chúng có thể gây hại trên 300 loại cây trồng, gây hại nặng trên nhóm cây hòa thảo như ngô, lúa, mía, ngoài ra cũng được phát hiện trên cây rau, bông… Sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại tại các nước lân cận như Thái-lan, Myanmar, Trung Quốc, Lào, Campuchia… Sau khi xâm nhập vào nước ta, sâu keo mùa thu đã phát sinh gây hại ở hầu hết các tỉnh có trồng ngô trong cả nước. Ở Tuyên Quang, cây ngô được người dân trồng ba vụ trong năm, nguồn thức ăn luôn có trên đồng ruộng là môi trường lý tưởng để sâu keo tồn tại, phát sinh. Đặc tính sâu keo mùa thu chui sâu vào nõn ngô cắn phá, ăn khỏe, khả năng sinh sản rất nhanh, nhiều lứa sâu gối tiếp nhau dẫn đến việc phòng trừ vô cùng khó khăn.
Sâu keo mùa thu cắn phá trên nõn cây ngô.
Bà Nguyễn Thị Thu, xóm 5, xã Tân Long (Yên Sơn) chia sẻ, gia đình có năm sào bãi chuyên trồng ngô, các năm trước mỗi vụ cũng cho thu hơn một tấn thì vụ xuân vừa qua ngô bị sâu ăn xơ xác tận thu cũng chỉ được khoảng ba tạ. Cuối tháng 5, gia đình bà làm đất trồng thêm vụ hè mong bù lại vụ xuân nhưng ngô vừa được 3-4 lá sâu keo lại xuất hiện và tàn phá, có khả năng mất trắng.
Đồng chí Trần Thị Lịch, Phó Chi cục trưởng Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết thêm, sau khi xác định sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn bám sát cơ sở, phối hợp các địa phương điều tra, rà soát diện tích, sự phân bố, mật độ, tỷ lệ cây bị hại, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh gây hại sâu keo mùa thu trên ngô và các cây trồng khác. Đồng thời hướng dẫn các biện pháp phòng chống sâu keo mùa thu như: biện pháp canh tác, biện pháp sinh học, biện pháp hoá học; Đã cử cán bộ tham gia lớp tập huấn về sâu keo mùa thu tại Trung tâm Bảo vệ thực vật phía bắc; Triển khai tổ chức bảy lớp tập huấn hướng dẫn cách nhận biết và phòng trừ sâu keo mùa thu cho đội ngũ cán bộ khuyến nông các huyện, thành phố; Lồng ghép phổ biến cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu tại các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất và cơ cấu giống mùa vụ với 104.711 lượt nông dân tham gia và cho bảy lớp tập huấn cho người kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật với 564 lượt người tham gia. Hiện nay, chưa có hướng dẫn cụ thể bộ thuốc hiệu quả để phòng trừ sâu keo mùa thu, các đơn vị sản xuất thuốc bảo vệ thực vật chưa kịp khảo nghiệm, bổ sung đối tượng phòng trừ là sâu keo mùa thu nên gặp khó khăn trong việc hướng dẫn lựa chọn thuốc hóa học sử dụng.
Chi cục đã khuyến cáo để ngăn chặn, diệt trừ sâu keo người dân nên thực hiện đồng bộ các biện pháp: thực hiện vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ dại, tàn dư thực vật chung quanh vườn để hạn chế nơi trú ẩn của sâu; làm đất, cày sâu, bừa kỹ kết hợp làm ải để diệt trừ nhộng trong đất; luân canh cây ngô với một số loại cây trồng khác; sử dụng giống kháng sâu hại ngô; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, giai đoạn 3-6 lá thu bắt thủ công ổ trứng, sâu non khi mật độ còn thấp; sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô để diệt trừ sâu non; sử dụng các chế phẩm nấm Beauveria, Metarhium, Virus NPV… để phun lúc sâu non. Dùng bẫy cây trồng như cỏ voi, ngô nếp trồng trước thời vụ để dẫn dụ sâu trưởng thành đến đẻ trứng rồi thực hiện diệt trừ. Bà con có thể sử dụng cả biện pháp hóa học phun thuốc sâu trừ sâu trực tiếp vào nõn và quả ngô, tuy nhiên phải thực hiện nghiêm quy định “bốn đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng thời gian cách ly) để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản phẩm nông nghiệp.
Theo Nhandan
Ý kiến ()