Hàng trăm ha lúa khảo nghiệm ở Hương Sơn bị lép, năng suất thấp
Người dân Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang chạy đua với thời gian để thu hoạch lúa hè thu, nhưng cả nghìn hộ nghèo ở đây đang rầu rĩ khi phải thu hoạch "lúa lép".
Người dân Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang chạy đua với thời gian để thu hoạch lúa hè thu, nhưng cả nghìn hộ nghèo ở đây đang rầu rĩ khi phải thu hoạch “lúa lép”.
Hàng trăm ha lúa có nguy cơ mất trắng hoặc giảm năng suất.
Diện tích “lúa lép” nêu trên cấy giống lúa Gia Lộc 102 mà tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ cho hộ nghèo ở các xã thuộc huyện miền núi Hương Sơn, do Công ty CP Vật tư Nông nghiệp (VTNN) Hà Tĩnh trực tiếp cung ứng. Một cán bộ lãnh đạo UBND huyện Hương Sơn cho biết: Ban đầu, huyện không đưa vào cơ cấu, nhưng do Công ty CP VTNN Hà Tĩnh có công văn xin sản xuất thử, có cam kết sẽ hỗ trợ thỏa đáng nếu kém năng suất, cho nên huyện đưa giống Gia Lộc này vào gieo cấy trên diện tích 380 ha, với gần 40 tấn lúa giống. Trong số này, 35 tấn giống hỗ trợ cho hàng nghìn hộ nghèo theo chương trình của tỉnh và năm tấn còn lại là do các xã bỏ tiền ra mua cho dân. Ðây là giống lúa ngắn ngày (khoảng 90 ngày), cho phẩm cấp gạo ngon và năng suất cao được kỳ vọng đem lại những đổi thay tích cực cho vùng đất chạy lụt này.
Thế nhưng khi thu hoạch, có khoảng một nửa diện tích bị lép hay giảm năng suất, có nơi năng suất chỉ bằng phân nửa so với các giống lúa khác cùng trồng trên địa bàn. Tại xã Sơn Bằng, một phụ nữ đang tần ngần đứng trên đám ruộng “trắng” lúa Gia Lộc, bức xúc: Bà con nông dân chưa hết mừng vì vụ hè năm nay được cấp giống lúa miễn phí, thì đã cay đắng nhận hậu quả: gặt toàn lúa lép! Sau hơn ba tháng “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, đó là chưa kể phải đầu tư tiền của để mua vật tư phân bón, thuốc trừ sâu, vậy mà đến ngày thu hoạch kết quả bằng phân nửa năng suất so với các giống khác, chưa kể có nơi lúa lép đầy đồng… Chị nông dân này còn cho biết: “Thời gian đầu, cây lúa sinh trưởng tốt, lúa trổ bông nhanh, nhiều hạt, nhìn mà ham. Nhưng trổ bông mãi mà không thấy lúa cúi vì bị lép và bị đen cháy. Ngoài ra, chưa kể một số diện tích khác cây lúa bị chết yểu, khi tự nhiên biến thành mầu trắng, nhổ lên thì rễ bị thối cả chùm mà không rõ nguyên nhân”.
Cùng chung tâm trạng như trên, Chủ tịch UBND xã Sơn An Lê Ðình Châu cho biết: Hơn 24 ha của 300 hộ nghèo và cận nghèo toàn xã được ưu tiên hỗ trợ 1.910 kg giống Gia Lộc 102. Cũng như các địa phương khác trong huyện, đây là lần đầu giống lúa này được đưa vào gieo trồng ở đây. Do đó, lãnh đạo xã đã bám sát để chỉ đạo bà con trồng đúng lịch thời vụ và tuân thủ quy trình kỹ thuật… Nhưng cuối cùng bà con nông dân đã không được “trả công” xứng đáng. Ông Châu cho biết thêm, sau khi phát hiện diện tích lúa Gia Lộc 102 trồng khảo nghiệm trên địa bàn bị hỏng nhiều, địa phương chủ động thành lập các đoàn công tác phối hợp Phòng Nông nghiệp huyện và đơn vị cung ứng giống đi kiểm tra và cho gặt thống kê. Kết quả gặt điểm chỉ đạt năng suất 53 kg/sào. Ðáng chú ý có đến tám ha cơ bản mất trắng, bà con phải mất công gặt để vệ sinh đồng ruộng… Một lãnh đạo khác ở xã Sơn Lễ cũng cho biết: Qua tuyên truyền, thấy những ưu điểm nổi bật của giống lúa Gia Lộc 102, xã đã dành hơn một phần ba diện tích đất lúa để trồng giống lúa này và cũng nhận được kết quả không như kỳ vọng, năng suất thấp thua so với các giống lúa khác trên địa bàn…
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn Nguyễn Văn Hải cho biết: Trong tổng số 22 xã trồng thử nghiệm giống Gia Lộc 102, thì chỉ có một số ít xã ở vùng cao như Sơn Kim 1 cho kết quả khá, còn lại phần lớn các địa phương phải gặt lúa lép, đạt sản lượng thấp. Ðến nay, chưa có con số báo cáo cụ thể, chính thức nhưng có thể nhìn rõ sự thiệt hại bởi hàng trăm ha lúa Gia Lộc 102 ở huyện miền núi Hương Sơn đang hiện hữu…
Còn tại huyện Ðức Thọ trồng thử nghiệm giống Gia Lộc 102 cho các xã ngoài đê La Giang có 70 ha cũng xảy ra tình trạng tương tự như huyện Hương Sơn. Theo báo cáo của đồng chí Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch UBND xã Ðức La (xã thấp trũng ngoài đê của huyện Ðức Thọ): Xã bỏ ngân sách ra mua giống Gia Lộc 102 để trồng thử nghiệm gần 30 ha thì có đến tám ha cơ bản mất trắng, số còn lại năng suất chỉ đạt 70 đến 120 kg/sào. Cũng theo đồng chí Linh: “Trồng khảo nghiệm mà kết quả kém như ri thì những vụ sau rất khó thuyết phục bà con trồng giống Gia Lộc chạy lụt”.
Hiện các nhà khoa học đang vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân thất bát của giống lúa Gia Lộc 102 ở địa bàn Hương Sơn và Ðức Thọ. Vấn đề không khó nhận ra là Gia Lộc thuộc giống cực ngắn ngày, nhạy cảm với thời tiết, trong lúc thời tiết ở đây lại khá cực đoan và có nhiều tiểu vùng khí hậu; lúa trổ thường trúng vào thời kỳ mưa bão; chưa kể đến trình độ làm đất của bà con nông dân chưa cao. Tuy nhiên, cũng không loại trừ chất lượng giống Gia Lộc cung ứng thiếu đồng đều và chưa phù hợp với vùng đất, tiểu khí hậu ở các địa phương này, trong lúc doanh nghiệp lại nóng vội triển khai trồng khảo nghiệm trên diện tích lớn…
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Giám đốc Công ty CP VTNN Hà Tĩnh Nguyễn Khánh Hòa cho biết: Hè thu năm 2013 là vụ thứ năm giống lúa Gia Lộc 102 có mặt trên các đồng ruộng Kỳ Anh, Hồng Lĩnh… và bước đầu khẳng định là giống cho năng suất, phẩm cấp tốt và đặc biệt ngắn ngày, hứa hẹn là lối ra cho các vùng thấp trũng, tránh lũ. Tuy nhiên, ông Hòa cũng thừa nhận: Việc đưa vào khảo nghiệm (lần đầu) trên địa bàn huyện Hương Sơn với diện tích khá lớn (chiếm hơn một phần ba diện tích trồng khảo nghiệm toàn tỉnh) và lại rơi vào các đối tượng hộ nghèo là chưa phù hợp. “Công ty đang phối hợp với địa phương để xác định phần năng suất chênh lệch với năng suất bình quân để hỗ trợ thỏa đáng cho bà con, hơn nữa họ là những đối tượng hộ nghèo”, ông Hòa cho biết thêm.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()