Hàng Tết không thiếu, không tăng giá
Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, dự báo sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15-20%, tập trung vào các mặt hàng lượng lương thực, thực phẩm. Ảnh minh hoạ. |
Tính đến hết tháng 11/2020, đã có 25 đơn vị sản xuất, kinh doanh của TP. Hà Nội và các tỉnh, 2 tổ chức tín dụng đăng ký tham gia kế hoạch bảo đảm hàng hóa phục vụ nhân dân Thủ đô. Các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch khai thác lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình 7-22% so với kế hoạch Tết năm 2020, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dịp Tết.
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn TP. Hà Nội đạt khoảng 39.400 tỷ đồng (tăng khoảng 5% so với kế hoạch Tết năm 2020). Cùng với đó, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì, thực hiện phương án bảo đảm sản phẩm thiết yếu đã xây dựng (lượng hàng hóa ký kết tăng 2-3 lần so với ngày thường) để sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19.
Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung cho biết: Saigon Co.op đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu, phục vụ trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu với tổng giá trị lên đến 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2020. Trong đó, ưu tiên cho trữ lượng 9 nhóm hàng bình ổn thị trường gồm: Gạo, đường, dầu ăn, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Ở TPHCM, dự báo của Sở Công Thương TPHCM cho biết, nhu cầu thị trường trong dịp Tết Tân Sửu 2021 sẽ tăng ít nhất 10% so với cùng kỳ. Do đó các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết với kinh phí lên tới 19.679,7 tỷ đồng, tăng 652,4 tỷ đồng so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp, nhà phân phối trên địa bàn cũng cam kết giữ giá sản phẩm và thực hiện luân phiên các đợt giảm giá cho hàng hóa thiết yếu như thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, nước giải khát.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, Bộ Công Thương nhận định sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15-20%, trong đó tập trung vào các mặt hàng lượng lương thực, thực phẩm.
“Sức mua tăng do niềm tin của người tiêu dùng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô khá tốt, cùng với thu nhập của người dân thời điểm cuối năm tăng. Bên cạnh đó, hiện người dân đang có xu hướng chuyển sang sử dụng các hàng hóa chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng. Do đó, các nhà sản xuất, doanh nghiệp nông lâm thủy sản chú ý yếu tố này”, ông Trần Duy Đông khuyến cáo.
Bộ Công Thương dự báo, nhu cầu tiêu dùng của người dân về hàng hóa thiết yếu sẽ bắt đầu tăng cao vào các ngày 30-31/1/2021 (rơi vào những ngày cuối tuần và là ngày 18, 19 tháng Chạp âm lịch) và vào ngày 6, 7/2/2021 (25, 26 tháng Chạp âm lịch), các nhà sản xuất, kinh doanh cần lưu ý trong việc chuẩn bị nguồn hàng.
Về giá cả, Bộ Công Thương dự báo, giá hàng hóa năm nay sẽ không có biến động lớn do các doanh nghiệp bán lẻ đã lên kế hoạch khuyến mại, giảm giá. Còn tại các chợ dân sinh, những ngày cận Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống thường có biến động tăng do nhu cầu thực phẩm tăng mạnh. Tuy nhiên, do có sự đối trọng từ các điểm bán hàng bình ổn, siêu thị, trung tâm thương mại giữ giá ổn định, sẽ góp phần kiềm chế mức giá chung tại chợ dân sinh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, đến thời điểm này có thể khẳng định nguồn hàng cho Tết Dương lịch và Tết Âm lịch không thiếu, không có tình trạng “sốt hàng” hoặc giá cả tăng cao đột biến. Thứ trưởng cũng cho rằng, cần đẩy mạnh thông tin truyền thông thời gian trước Tết để người dân nắm được, tránh tâm lý tích trữ hàng hóa.
Cao điểm kiểm tra hàng giả, hàng nhái, an toàn thực phẩm
Cùng với sự chuẩn bị kỹ càng về lượng hàng hoá cho dịp Tết thì công tác quản lý thị trường, ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái cũng được đẩy mạnh.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành Kế hoạch số 17/KH-TCQLTT ngày 24/11/2020 về cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020 và trước, trong, sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thời gian triển khai từ ngày 25/11/2020- 25/02/2021.
Trong đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, bảo đảm ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân. Kiểm tra, kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm, nhóm mặt hàng nông lâm, thủy sản, trong đó tập trung kiểm tra chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đường phố…
Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng thông tin lực lượng Quản lý thị trường TP.Hà Nội đẩy mạnh công tác điều tra, nắm tình hình thị trường; lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm, đầu nậu lớn. Xác lập các chuyên án, đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm tại các địa bàn trọng điểm như: Chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), Ga Hà Nội, Sân bay Nội Bài, một số kho, bến bãi thuộc quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì…
“Lực lượng Quản lý thị trường TP.Hà Nội sẽ đẩy mạnh phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hội chợ Xuân để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng. Tuy nhiên việc kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hàng lậu, hàng giả gắn liền với mục tiêu ổn định kinh tế, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính trong thời điểm cuối năm”, ông Trần Việt Hùng cho hay.
Ý kiến ()