Hãng phim tư nhân áp đảo ở hạng mục phim truyện điện ảnh
Tiêu chí của giải thưởng năm nay là “Đề cao tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và hướng tới hiệu quả xã hội tích cực”. Bên cạnh giải thưởng Cánh Diều Vàng và Cánh Diều Bạc dành cho phim xuất sắc ở mỗi thể loại, Ban giám khảo sẽ trao giải cá nhân gồm: biên kịch; đạo diễn; nam, nữ diễn viên chính; nam, nữ diễn viên phụ… xuất sắc hạng mục phim truyện điện ảnh. Hạng mục phim khoa học, phim tài liệu, phim hoạt hình sẽ có giải cho đạo diễn xuất sắc, hạng mục phim truyện truyền hình trao giải cho biên kịch, đạo diễn, nam và nữ diễn viên chính xuất sắc.
Ở hạng mục phim truyện điện ảnh dự giải năm nay có đến 12 tác phẩm do các đơn vị tư nhân sản xuất như: Tèo em, Và anh sẽ trở lại, Săn đàn ông, Sau ánh hào quang, Thần tượng, Hiệp sĩ guốc vông, Cô dâu đại chiến, Âm mưu giầy gót nhọn, Đường đua, Tiền chùa, Gác kiếm, Tía ơi. Điều này chứng tỏ xu hướng xã hội hóa trong lĩnh vực “nghệ thuật thứ bảy” ngày càng mạnh mẽ. Sự áp đảo này đã phần nào xóa bỏ định kiến của dư luận trước đây về dòng phim thị trường. Mặc dù vậy thì đây cũng là mùa giải phim điện ảnh dự thi khiêm tốn về mặt số lượng. Giải thích cho sự thiếu mặn mà đối với giải thưởng lần này, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải cho biết, khoảng hai năm trở lại đây, những khúc mắc từ quy chế đấu thầu phim dẫn đến số lượng phim truyện điện ảnh do Nhà nước sản xuất rất hạn chế. Còn Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Hồng Ngát giải thích: Hội đã gửi giấy mời, thậm chí gọi điện thuyết phục một số hãng phim tư nhân, tuy nhiên các đơn vị đều đưa ra những lý do để không tham dự Cánh Diều Vàng như đang trong thời gian khai thác ở rạp, không kịp chuẩn bị… 12 tác phẩm của tư nhân dự thi đều là phim giải trí, mặc dù không bị liệt vào danh sách các phim thảm họa nhưng xét về chất lượng thì dường như rất ít phim nổi bật.
Những người viết huyền thoại do đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thực hiện, Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất là phim duy nhất do Nhà nước đặt hàng dự giải năm nay. Đây là tác phẩm điện ảnh chạm tới cảm xúc của người xem, làm thay đổi định kiến của nhiều người về đề tài chiến tranh. Phim được làm bằng ngôn ngữ điện ảnh chắc tay, mặc dù là đề tài khô khan nhưng cách kể chuyện của Bùi Tuấn Dũng thu hút và xúc động. Bộ phim đã chiến thắng thuyết phục tại Liên hoan phim Việt Nam tại Quảng Ninh cuối năm 2013 với giải thưởng Bông Sen Vàng cho phim xuất sắc cùng nhiều giải thưởng quan trọng khác. Sáng giá nhất trong hạng mục phim truyền hình dài tập là Trò đời của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. Phim dài 32 tập được chuyển thể từ tác phẩm Số đỏ, Kỹ nghệ lấy tây, Cơm thầy, cơm cô của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Bên cạnh đó là những phim tình cảm lãng mạn như: Chạm tay vào nỗi nhớ, Hoa nở trái mùa, Bản tình ca màu xanh… Mảng phim truyền hình ít tập nổi bật nhất có phim Người cộng sự do Trung tâm sản xuất phim Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình TBS Nhật Bản phối hợp sản xuất.
Ban tổ chức cho biết, tất cả các phim truyện điện ảnh dự giải năm nay sẽ được chiếu miễn phí tại ba địa điểm là rạp Tháng Tám, Trung tâm Chiếu phim quốc gia, rạp Ngọc Khánh từ ngày 10 đến 14-3. Lễ trao thưởng được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội tối 15-3, đúng dịp kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam. Để tránh những sơ suất, lộn xộn và sự rườm rà như những kỳ trao giải trước, năm nay VTV sẽ không phát sóng trực tiếp mà sẽ ghi hình và phát lại vào ngày 16-3. Nhân dịp này ngành điện ảnh sẽ dành một phần thời gian trong lễ trao giải tôn vinh cố đạo diễn – NSND Phạm Văn Khoa vì những cống hiến của ông cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Ý kiến ()