Hàng nội thất Việt bị áp thuế cao: Áp lực với nhà bán lẻ Canada
Theo quyết định sơ bộ của CBSA, một số sản phẩm nội thất nhập từ Trung Quốc hiện phải chịu mức thuế tạm thời lên tới 296%, trong khi các sản phẩm từ Việt Nam phải chịu mức thuế tới 101%.
Công nhân Công ty Cổ phần Chế biến gỗ Thuận An kiểm tra các chi tiết khung giường gỗ. (Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN)
Tờ Globe and Mail vừa đăng bài viết đề cập đến tình trạng một số sản phẩm nội thất tại Canada đang được bán với “giá trên trời.”
Nguyên nhân là do Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) từ ngày 5/5/2021 đã áp mức thuế quan mới đối với một số sản phẩm nội thất bọc da từ Trung Quốc và Việt Nam, sau một cuộc điều tra về bán phá giá.
Theo quyết định sơ bộ của CBSA, một số sản phẩm nội thất nhập từ Trung Quốc hiện phải chịu mức thuế tạm thời lên tới 296%, trong khi các sản phẩm từ Việt Nam phải chịu mức thuế tới 101%.
Tại cửa hàng Dodd’s Furniture & Mattress ở Victoria, tỉnh British Columbia, một chiếc ghế sofa bọc da, có thể ngả và tích hợp cổng sạc USB, ở thời điểm đầu tháng 5/2021 có giá 6.498 CAD (5.378 USD). Tới giữa tháng 5/2021, mức giá cho sản phẩm này đã vọt lên 24.998 CAD (20.691 USD).
Hội đồng bán lẻ Canada (RCC) đã thành lập một liên minh các nhà bán lẻ để phản đối mức thuế mới. Các mức thuế này vẫn có thể thay đổi khi CBSA đưa ra quyết định cuối cùng vào đầu tháng 8/2021. Vụ việc này sẽ được đưa ra Tòa án Thương mại Quốc tế Canada vào tháng 9/2021.
Palliser Furniture Ltd. (có trụ sở tại Winnipeg) – công ty khởi xướng cuộc điều tra bán phá này – đã lập luận rằng hoạt động sản xuất của Canada cần phải có sân chơi bình đẳng để cạnh tranh với các nhà cung cấp ở nước ngoài.
Nhưng các nhà bán lẻ Canada phản đối mức thuế trên và cho rằng mức thuế này quá lớn, cao hơn nhiều so với những gì mà bên nguyên muốn tìm kiếm trong cuộc điều tra.
Mobilia, nhà bán lẻ đồ nội thất có trụ sở tại Montreal, dự kiến sẽ tăng giá trong những tháng tới và hiện đang bán lỗ một số mặt hàng.
Chủ tịch Mobilia, Johannes Kau, cho biết: “Chúng tôi có nhiều đơn đặt hàng kéo dài đến tận tháng 10, tháng 11/2021. Một số đơn hàng đã bị trì hoãn do các nhà máy đóng cửa trong đại dịch. Mobilia đang phải đối mặt với nguy cơ bị ảnh hưởng lớn về tài chính vì chúng tôi không muốn nói với khách hàng rằng chúng tôi phải tính thêm phí cho họ.”
Các nhà bán lẻ trong liên minh trên sẽ tham gia vào quá trình xét xử của tòa án và một số nhà bán lẻ đã gửi thư đề nghị các nghị sỹ thúc giục Bộ trưởng An ninh công cộng và Bộ trưởng Tài chính xem xét giảm thuế cho đến khi tòa án đưa ra kết luận của mình.
“Điều kỳ lạ về quyết định của CBSA là ở chỗ nó được đưa ra trong đại dịch,” Diane Brisebois, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của RCC nhận xét. Mặc dù các nhà bán lẻ đồ nội thất như Leon’s được hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao do người Canada dùng các khoản tiết kiệm trong đại dịch để nâng cấp điều kiện sinh hoạt, thì họ cũng bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa các cửa hàng và chi phí tăng thêm khi phải thực hiện nhiều đơn hàng trực tuyến hơn.
Ngoài ra, các nhà sản xuất ở trong nước và quốc tế đều tăng giá do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng dẫn đến thiếu hụt một số nguyên vật liệu. Chi phí vận chuyển cũng tăng lên. Trong bối cảnh này, các mức thuế mới được cho là một “quả bom tài chính” đối với các nhà bán lẻ.
“Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để tìm nguồn cung thay thế. Mobilia đã mua một số sản phẩm từ các nhà sản xuất Canada, nhưng mức thuế trong một số trường hợp đã khiến công ty chuyển sang các nhà cung cấp Italy,” ông Kau cho biết.
Leon’s Furniture cũng mua sản phẩm của một số nhà cung cấp Canada, nhưng Chủ tịch của Leon’s Furniture Ltd., ông Mike Walsh cho biết hoạt động sản xuất ở Canada không thể đáp ứng nhu cầu của nhà bán lẻ này.
Tại cửa hàng Dodd’s ở Victoria, ông Dodd hiện đang cố gắng thanh lý những sản phẩm mà ông không còn đủ khả năng để đặt hàng. Đối với các nhà bán lẻ Canada, thật khó khăn để tìm nhà cung cấp mới ở các nước khác, trong khi nếu sử dụng nguồn cung trong nước thì thời hạn giao hàng có thể lên đến một năm do hoạt động sản xuất bị dồn ứ tại các nhà máy./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()