Hàng nghìn người Ukraine đi lánh nạn tại các nước láng giềng
Theo cơ quan phụ trách vấn đề người tị nạn của Liên hợp quốc, sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine ngày 24/2, ước tính 100.000 người Ukraine đã di tản và hàng nghìn người đã sang các nước láng giềng, trong đó có Romania, Moldova, Ba Lan và Hungary.
Bà Shabia Mantoo, người phát ngôn Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), cho biết với Reuters, số liệu nêu trên được tổng hợp từ các báo cáo của nhà chức trách tại nhiều quốc gia cũng như nhân viên và các cơ quan đối tác của UNHCR.
Liên quan thương vong trong khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, rạng sáng 25/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, 137 nhân viên quân sự và dân thường đã thiệt mạng. Trước đó, giới chức Ukraine xác nhận ít nhất 70 người đã thiệt mạng.
Sau khi nhiều người bắt đầu rời khỏi Ukraina để lánh nạn, Bộ Y tế Ba Lan cho biết, nước này đang chuẩn bị chuyến tàu y tế để vận chuyển những người Ukraine bị thương và lập danh sách 1.230 bệnh viện có thể tiếp nhận người bị thương. Quân đội Ba Lan cũng nâng cấp độ sẵn sàng chiến đấu của một số đơn vị.
“Chúng tôi sẽ làm mọi việc để bảo đảm tất cả những người bước vào lãnh thổ Ba Lan được chăm sóc sức khỏe, trong đó có nhập viện”, Bộ Y tế Ba Lan thông báo. Ba Lan cũng thiết lập nhiều điểm tiếp nhận người tị nạn gần các cửa khẩu.
Trong khi đó, Slovakia cho biết quốc gia này sẵn sàng giúp người tị nạn từ Ukraine. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad, nước này sẽ triển khai 1.500 binh sĩ tới khu vực biên giới giáp Ukraine.
Trước đó, ngày 22/2, Bộ Quốc phòng Hungary thông báo trên trang Facebook chính thức của Chính phủ, Hungary sẽ điều binh sĩ tới khu vực gần biên giới giáp Ukraine vì mục đích an ninh và các nhiệm vụ nhân đạo.
“An ninh của Hungary là quan trọng nhất, chúng tôi đang tăng cường bảo vệ biên giới Hungary-Ukraine”, thông báo của Bộ Quốc phòng nước này nêu rõ.
Theo bộ này, bảo vệ biên giới và chuẩn bị cho sứ mệnh nhân đạo là các nhiệm vụ quan trọng như nhau. Ngoài ra, Hungary cũng sẽ huy động quân đội tới biên giới để giúp xử lý đoàn người đi lánh nạn.
Cộng hòa Séc, dù không có chung biên giới với Ukraine nhưng là nơi sinh sống của 260.000 người Ukraine, cho biết nước này sẵn sàng giúp đỡ người tị nạn. Đường sắt Séc đã cung cấp các chuyến tàu với 6.000 chỗ ngồi và giường để giúp người dân sơ tán nếu cần thiết.
Tổng thống Romania Klaus Iohannis ngày 24/2 khẳng định nước này sẵn sàng hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp cần thiết. Trong khi đó, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev cho biết nước này đang chuẩn bị sơ tán hơn 4.000 người Bulgaria rời khỏi Ukraine bằng đường bộ và sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn Ukraine.
Đức đề nghị hỗ trợ nhân đạo các nước giáp biên giới với Ukraine. Truyền thông Đức dẫn số liệu ước tính khoảng từ 200.000 đến 1 triệu người có thể đã rời khỏi Ukraine tới Liên minh châu Âu (EU).
Ý kiến ()