Dù huyện Mường Tè đã huy động tối đa lực lượng, máy móc để thông tuyến, song, do khối lượng sạt lở lớn ở hầu hết các tuyến liên xã, liên bản nên chưa thể khắc phục xong. Tại các xã này, việc đi lại của bà con hoàn toàn là đi bộ, các mặt hàng thiết yếu bắt đầu bắt đầu tăng giá do khán hiếm.
Sau hơn một tiếng đi bộ, chúng tôi cũng đến được bản Phí Chi A, bản đầu tiên của Pa Vệ Sủ. Đây là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề về giao thông trong đợt mưa lũ này. Mặc dù chỉ cách trung tâm huyện hơn 20 km nhưng có gần 50 điểm bị sạt lở lớn nhỏ, một điểm đứt đường hoàn toàn. Vì vậy, dù mưa lũ đã xảy ra gần một tuần, song hiện tuyến đường vào xã vẫn chưa thể thông tuyến. Do không thể đi lại được nên hiện một số mặt hàng thiết yếu ở xã đã bắt đầu khan hiếm, giá một số mặt hàng đã bắt đầu tăng.
Theo anh Lò Xá Xè, một chủ cửa hàng nhỏ ở đây cho biết, hiện giá của mỗi gói mỳ tôm hoặc một quả trứng đã tăng từ năm trăm đến một nghìn đồng mà vẫn không có hàng để bán. Anh Xè đã phải huy động cả bảy người trong gia đình và họ hàng cùng đi để tăng bo, vác hàng qua các điểm sạt lở. Mất cả buổi sáng nhưng cũng chỉ vận chuyển được hơn chục kiện mỳ tôm, một ít trứng, và một ít nhu yếu phẩm khác. Với lượng hàng hóa đó cũng chỉ phục vụ được nhu cầu một phần của bà con trong bản từ một đến hai ngày.
Người dân trong xã cố gắng để vận chuyển hàng hóa về bản.
Ông Pản Phí Chóng, Phó Chủ tich xã Pa Vệ Sủ xác nhận, do tắc đường dài ngày nên nhu yếu phẩm tích trữ của bà con và các đại lý trong xã cũng đã hết. Việc đi lại giữa xã và huyện, giữa các bản với nhau đều là đi bộ, việc này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con. Ngoài việc bắt đầu khan hiếm hàng hóa, việc thiệt hại do mưa lũ gây ra ở các lĩnh vực khác cũng tác động đến tình hình chung. Ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hơn 600 hộ dân với khoảng hai nghìn nhân khẩu của xã.
Không chỉ xã Pa Vệ Sủ, hiện các xã Mù Cả, Thu Lũm, Pa Ủ, Tá Pạ cũng đang trong tình trạng bị cô lập. Các bản thuộc các xã này giao thông cũng đang trong tình trạng tê liệt, dù đến thời điểm này, huyện Mường Tè đã tổ chức khắc phục, yêu cầu đơn vị thực hiện nhiệm vụ phải huy động hết máy móc và nhân công để san gạt đất đá bị sạt lở, nhanh chóng thông đường tạm thời để người dân đi lại. Các tổ công tác của huyện cố gắng tiếp cận các điểm bị cô lập để thăm hỏi, cứu trợ nhu yếu phẩm cho bà con. Song theo ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè (Lai Châu), thiệt hại về giao thông của huyện nói chung, các xã này nói riêng là rất nặng. Trước mắt, huyện tập trung khắc phục thông tuyến tới trung tâm các xã. Tuy nhiên, kể cả trong điều kiện thời tiết thuận lợi, với những xã nêu trên có thể có xã phải nửa tháng nữa mới thông được đường.
Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, ngay trong đầu mùa mưa, huyện đã tổ chức kiểm tra, rà soát việc tích trữ hàng hóa, nhu yếu phẩm tại trung tâm các xã, các điểm dân cư. Tuy trước mắt vẫn có thể bảo đảm được phần nào nhu cầu của bà con, song nếu tình trạng này còn kéo dài thêm một thời gian nữa, hàng hóa thiết yếu sẽ không còn đủ để phục vụ. Do vậy, chính quyền đang nỗ lực thông đường để giải quyết các vấn đề trong những ngày tới.
Đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn huyện Mường Tè đã có một người chết, hai người mất tích chưa tìm kiếm được và ba người bị thương; di dời khẩn cấp 13 hộ, năm nhà dân bị sập hoàn toàn và 32 nhà bị sạt lở, thiệt hại nặng; nhiều tuyến giao thông bị sạt lở, cầu bị cuốn trôi… Tổng thiệt hại về tài sản ước tính gần 40 tỷ đồng.
Hiện công tác khắc phục vẫn đang được khẩn trương thực hiện, ở các địa phương còn bị cô lập, giải pháp của huyện là huy động sức trong dân để giúp nhau vượt qua khó khăn. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng tìm mọi cách tiếp cận, tiếp tế những mặt hàng thiết yếu cho đồng bào. Cố gắng để giảm thiểu đến mức thấp nhất những ảnh hưởng có thể cho bà con vùng lũ.
Một thống kê khác từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn của các địa phương trong tỉnh Lai Châu, hiện toàn tỉnh còn trên 10 xã, trên 100 bản với hàng nghìn hộ dân vẫn còn bị cô lập tạm thời do mưa lũ gây ra.
Ý kiến ()