Hàng nghìn hộ dân gặp khó khăn do mưa lũ
Chịu ảnh hưởng nặng nề của các đợt mưa lũ liên tiếp kể từ đầu tháng 12 đến nay, hàng nghifn hộ dân ở Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên đang gặp khó khăn trong đời sống và sản xuất.
Khu dân cư thôn Lộc Hạ, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước bị nước lũ cô lập. Ảnh: Báo Bình Định (ngày 13/12) |
Chiều 13/12, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bình Định cho hay, mưa lớn trên địa bàn từ ngày 11 đến nay (với lượng mưa trung bình 178 mm) tiếp tục gây lũ trên diện rộng.
Mưa lớn làm nhiều địa phương trong tỉnh bị ngập trở lại, có tuyến bị ngập 0,3-0,5 m. Mưa lũ cũng đã làm 1 người thiệt mạng (ngày 10/12).
Tại huyện Tuy Phước (một trong những huyện chịu ảnh hưởng nặng nề mưa lũ), do tiếp tục có mưa lớn cộng với nước từ thượng nguồn đổ về nên lũ rút chậm. Nhiều khu dân cư bị cô lập hoàn toàn, hàng nghìn người dân đang cần cứu trợ về lương thực, nước uống.
Ở xã Phước Hòa, nước lũ đã chia cắt cục bộ 5 thôn trên địa bàn. Dù người dân trên địa bàn xã đã chuẩn bị ứng phó, nhưng do các đợt lũ chồng lũ kéo dài nên các nhu yếu phẩm cũng bắt đầu cạn. Toàn xã hiện có khoảng 2.400 hộ, với 9.600 nhân khẩu trong các vùng bị cô lập đang cần cứu trợ về lương thực.
Trong khi đó, 6 thôn ven đầm Thị Nại của xã Phước Thuận tiếp tục bị chia cắt. Hiện tại trên địa bàn xã có khoảng hơn 10.000 nhân khẩu tại 6 thôn trên cũng đang cần cứu trợ về lương thực.
Hiện chính quyền các địa phương ở Tuy Phước đang huy động mọi nguồn lực và triển khai các phương án nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ gây ra.
Ngày 13/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu đã đến thăm, động viên và trao 27 suất quà hỗ trợ cho các hộ gia đình đang bị nước lũ chia cắt tại xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước), đồng thời chỉ đạo huyện Tuy Phước tổ chức cứu trợ gạo, nước uống kịp thời không để gia đình nào bị đói do mưa lũ.
Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu sở, ngành liên quan và UBND các cấp tập trung triển khai ứng phó với mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân, an toàn hồ chứa, chống ngập úng cho cây trồng.
Sở NN&PTNT chỉ đạo việc điều tiết hồ chứa nước theo quy trình vận hành liên hồ; điều chỉnh lịch gieo sạ vụ Đông Xuân 2016-2017. UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng đã huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ nhân dân ứng phó với mưa lũ.
Chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ, chiều ngày 12/12, đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã đến động viên 3 gia đình nông dân tại thị xã An Nhơn có người thân bị chết do nước lũ và hộ trợ mỗi gia đình 2 triệu đồng. Ngoài ra, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng hỗ trợ cho 13 gia đình trên địa bàn tỉnh có người thân bị chết trong lũ 26 triệu đồng.
Ngày 13/12, thừa ủy nhiệm Công đoàn Bộ Ngoại giao, lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh đã đến thăm và tặng 40 suất quà (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho 32 hộ có nhà bị sập hoàn toàn và 8 trường hợp đang bị đau ốm nặng có hoàn cảnh gia đình khó khăn và chịu nhiều thiệt hại trong các đợt mưa lũ vừa qua ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước.
Cùng ngày, Công ty TNHH Sản xuất-Thương mại-Thủy sản Đại Nam (TPHCM) đã hỗ trợ hơn 3,6 tấn gạo cho hơn 200 hộ gia đình bị ảnh hưởng do các đợt mưa lũ vừa qua ở thôn Hòa Nghĩa (xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ). Mỗi nhân khẩu được hỗ trợ 3 kg gạo.
Trước đó, ngày 11/12, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Định đã hỗ trợ 4 gia đình có người thiệt mạng và 6 gia đình có nhà sập do lũ ở huyện Tuy Phước và Tây Sơn tổng số tiền 17 triệu đồng.
Nước lũ gây ngập lụt tại phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang. Ảnh: Báo Khánh Hòa |
Tại Khánh Hòa, mưa lớn kéo dài từ tối 12/12 sang ngày 13/12 đã gây nhiều thiệt hại cho nhà ở, hạ tầng giao thông trên địa bàn.
Trên địa bàn TP. Nha Trang, nhiều khu dân cư và nhiều tuyến đường bị ngập từ 1,2-1,5 m.
Mưa lớn trên diện rộng kéo theo đất đá từ triền núi đổ xuống khu vực QL 1 xã Vĩnh Phương, Vĩnh Lương (TP. Nha Trang) gây ách tắc giao thông. Mưa cũng đã gây sạt lở tuyến đường Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang). Tại xã Vĩnh Ngọc, kéo theo đất đá, cây cối quét qua một nhà dân, gây thiệt hại nặng về tài sản.
Ở phường Vĩnh Hòa (TP. Nha Trang), đêm 12/12, mưa lớn đã làm cho hồ điều hòa Hòn Sện bị vỡ khiến nước lũ chảy tràn vào nhà dân, làm 3 căn nhà bị hư hỏng nặng. Đất đá tại núi Hòn Khô sạt lở cũng làm hư hại 3 căn nhà phía dưới chân núi khiến 2 người bị thương. Các hộ dân có nhà bị sập hiện đã được bố trí ở tạm tại nhà văn hóa các tổ dân phố.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Nha Trang đã chủ động phối hợp với các đồn biên phòng tích cực hỗ trợ người dân lúc khó khăn. Tại các điểm xung yếu đã cử người chốt trực sẵn sàng hỗ trợ di dời dân.
Người dân thôn Mỹ Phú 2, xã An Hiệp, huyện Tuy An di dời tránh lũ. Ảnh: Báo Phú Yên |
Tại Phú Yên, do mưa to, từ sáng 13/12, nhiều tuyến đường ở TP. Tuy Hòa ngập sâu trong nước từ 0,5 đến trên 1 m, khiến giao thông trong thành phố bị chia cắt cục bộ, hàng trăm xe máy, ô tô bị chết máy; người dân phải di dời đến nơi an toàn.
Ở huyện Đồng Xuân, từ chiều 12/12, do mưa lũ, nhiều tuyến đường từ xã Xuân Sơn Bắc nối qua xã Xuân Thọ 2 (TX. Sông Cầu) bị chia cắt. Một số khu vực nước ngập sâu gần 1m, nhiều khu vực dân cư bị chia cắt hoàn toàn.
Trước tình hình mưa lớn và nước dâng cao, trong ngày 12/12, huyện Phú Hòa đã chủ động di dời hàng chục hộ dân ở các vũng trũng thấp thuộc xã Hòa Hội, Hòa Định Tây đến nơi an toàn. Rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ đầu tháng 11, huyện cũng đã huy động lực lượng đi vận động người dân ven sông Ba thuộc các xã Hòa An, Hòa Thắng di dời người và gia súc đến nơi an toàn.
Tại huyện Tây Hòa, đến 16 giờ ngày 13/12, trên địa bàn huyện đã có 5 thôn và 4 xóm dân cư với khoảng 5.500 hộ dân bị nước lũ chia cắt. Hiện chính quyền các địa phương này đã cử lực lượng giúp dân kê dọn đồ đạc và sẵn sàng các phương án di dời dân trong tình huống nước lũ tiếp tục dâng cao.
Trước tình hình mưa lũ phức tạp, ngày 13/12 Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành công điện hỏa tốc yêu cầu người đứng đầu các cơ quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và nhân dân khẩn trương ứng phó theo phương án 4 tại chỗ; tăng cường kiểm tra vùng trọng điểm, xung yếu, sạt lở đất, vùng ven sông, biển, vùng có khả năng bị ngập sâu, các công trình thủy lợi, giao thông; kiểm tra các công trình hồ đập, công trình đang thi công, neo đậu tàu thuyền ở bến bãi hạ lưu an toàn; nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng nước lũ nguy hiểm và vớt củi trên các sông suối, nhất là các địa phương dọc sông Ba.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()