Hàng nghìn ha rừng bị phá và lấn chiếm đất
Rừng ở Tiểu khu 1525 bị người dân chiếm đất làm nhà ở trái phép. Đác Ngo là một xã biên giới của huyện Tuy Đức (tỉnh Đác Nông), có diện tích tự nhiên 16.789 ha, trong đó có 9.583,4 ha rừng. Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR); quản lý dân cư và đất đai trên địa bàn xã bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Tình trạng dân di cư tự do (DCTD) từ các tỉnh, nhất là Bình Phước ồ ạt kéo đến phá rừng, lấn chiếm, tranh chấp, mua bán đất rừng trái phép và chống người thi hành công vụ, khiếu kiện, tố cáo ngày càng tăng, trở thành một "điểm nóng".Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Đác Nông, phần lớn diện tích trong tổng số 9.583,4 ha rừng tự nhiên trên địa bàn xã Đác Ngo đã được tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín (gọi tắt là Công ty Quảng Tín) quản lý. Tuy nhiên, Công ty Quảng Tín đã để mặc người dân chặt phá, lấn chiếm đất rừng với diện tích lớn, làm mất hơn...
Rừng ở Tiểu khu 1525 bị người dân chiếm đất làm nhà ở trái phép. |
Đác Ngo là một xã biên giới của huyện Tuy Đức (tỉnh Đác Nông), có diện tích tự nhiên 16.789 ha, trong đó có 9.583,4 ha rừng. Trong những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR); quản lý dân cư và đất đai trên địa bàn xã bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Tình trạng dân di cư tự do (DCTD) từ các tỉnh, nhất là Bình Phước ồ ạt kéo đến phá rừng, lấn chiếm, tranh chấp, mua bán đất rừng trái phép và chống người thi hành công vụ, khiếu kiện, tố cáo ngày càng tăng, trở thành một “điểm nóng”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Đác Nông, phần lớn diện tích trong tổng số 9.583,4 ha rừng tự nhiên trên địa bàn xã Đác Ngo đã được tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Tín (gọi tắt là Công ty Quảng Tín) quản lý. Tuy nhiên, Công ty Quảng Tín đã để mặc người dân chặt phá, lấn chiếm đất rừng với diện tích lớn, làm mất hơn 1.060 ha rừng tự nhiên.
Theo UBND tỉnh Đác Nông, trên địa bàn hai xã Đác Ngo và Quảng Trực, huyện Tuy Đức hiện có 1.870 hộ dân DCTD lấn chiếm hơn 6.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó tại xã Đác Ngo hiện có hơn 1.438 hộ dân đến chặt phá và lấn chiếm trái phép 3.715 ha rừng. Phần lớn các hộ dân này kéo đến phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong thời gian từ năm 2007 đến nay, nhưng các đơn vị chủ rừng và các ngành chức năng từ tỉnh đến xã không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Sau khi lấn chiếm đất rừng, ngoài việc canh tác, trồng cây công nghiệp để đòi bồi thường mỗi khi có dự án triển khai, các hộ dân này còn bị các “đầu nậu” từ các nơi khác đến xúi giục, dụ dỗ mua bán đất lâm nghiệp trái phép để trục lợi. Vì vậy, tại xã Đác Ngo liên tục xảy ra các vụ chống người thi hành công vụ, tranh chấp đất đai giữa các doanh nghiệp với dân DCTD và trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự ở nông thôn.
Giữa năm 2010, các ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại các Tiểu khu 1521, 1525, 1536, 1537, 1538 thuộc địa bàn xã Đác Ngo, phát hiện và lập 216 biên bản vi phạm với diện tích 1.164,29 ha do lấn chiếm đất rừng thuộc quyền quản lý của Công ty Quảng Tín. Trong đó, có 35 căn nhà dựng trái phép, 35 nhà bán kiên cố với diện tích 980 m2 và 129 lán trại tranh tre, nứa lá, bạt với diện tích 1.284 m2… Từ ngày 20 đến 27-4-2011, UBND tỉnh Đác Nông tổ chức Đoàn công tác thực hiện Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đoàn 12) phối hợp Đoàn 12 của huyện Tuy Đức và chính quyền xã Đác Ngo cưỡng chế giải tỏa 753,9 ha tại năm tiểu khu nêu trên, trong đó có 469,7 ha cây trồng các loại, gồm 16,1 ha cao-su, 134,27 ha điều, 5,25 ha cà-phê, 312,78 ha sắn (mì) và 285,6 ha đất chưa trồng cây; đồng thời tháo dỡ 92 nhà tạm và lều lán với diện tích 1.964 m2… Trong quá trình giải tỏa, hơn 200 đối tượng có đất, nhà bị giải tỏa đã có hành vi ném đá, bắn ná cao-su, bom xăng, sử dụng súng tự chế tấn công lực lượng cưỡng chế làm một số cán bộ, chiến sĩ bị thương, nhiều phương tiện máy móc của lực lượng cưỡng chế bị đập phá hư hỏng nặng.
Tuy nhiên, việc cưỡng chế, giải tỏa của tỉnh đã bị các doanh nghiệp tư nhân thực hiện dự án nông – lâm nghiệp trên địa bàn xã Đác Ngo lợi dụng. Các doanh nghiệp này tự ý tổ chức giải tỏa, chặt bỏ cây trồng và đốt chòi của một số hộ dân để trồng rừng khi không được sự cho phép của ngành chức năng. Cụ thể, một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Lê Gia, Công ty Hoàng Khang Thịnh, Công ty Bảo Châu… đã tự ý tổ chức giải tỏa, chặt bỏ các loại cây trồng của người dân và đốt chòi của một số hộ dân để trồng rừng, kể cả những diện tích đất đã được UBND tỉnh Đác Nông chỉ đạo khoanh lại cho các hộ dân sử dụng. Việc làm sai trái này tạo nên sự phản ứng mạnh mẽ của người dân, dẫn đến hàng loạt vụ việc đụng độ giữa các doanh nghiệp và người dân. Người dân làm đơn thư khiếu kiện, tố cáo vượt cấp kéo dài, gây mất an ninh trật tự ở địa phương trong hơn một năm qua.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Lê Văn Quang cho biết: Ngoài các doanh nghiệp không bảo vệ được rừng, việc liên doanh, liên kết không hiệu quả, một số doanh nghiệp lợi dụng chủ trương cưỡng chế giải tỏa của tỉnh gây mâu thuẫn tranh chấp đất với dân… thì chính quyền xã Đác Ngo quá yếu, không quản lý được dân cư, đất đai cũng là nguyên nhân khiến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất đai và khiếu kiện, tố cáo thêm phức tạp. Giải quyết tình trạng này, lãnh đạo huyện đã hàng chục lần về đối thoại trực tiếp với người dân tại xã Đác Ngo. Đồng thời, UBND huyện cũng đã quy hoạch ba dự án ổn định đời sống dân DCTD tại Tiểu khu 1541 xã Đác Ngo, mỗi dự án có quy mô từ 300 đến 500 ha đất để bố trí đất ở và đất sản xuất cho những hộ dân nào thật sự thiếu đất ở và đất sản xuất sau khi giải tỏa. Đến nay, huyện đã bố trí được 428 hộ dân DCTD vào sinh sống trong các dự án, mỗi hộ được cấp 400 m2 đất thổ cư và một ha đất sản xuất để ổn định cuộc sống.
Để giải quyết dứt điểm tình trạng trên, trong thời gian qua, các ngành chức năng của hai tỉnh Đác Nông và Bình Phước đã có nhiều buổi làm việc bàn biện pháp giải quyết. Trong buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND hai tỉnh vào đầu tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đác Nông Lê Diễn đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, lực lượng công an xác minh những đối tượng sang xâm canh đất trái phép ở huyện Tuy Đức để tập trung xử lý dứt điểm… Về phía tỉnh Đác Nông, đồng chí Lê Diễn đề nghị các sở, ban, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ với các tỉnh có dân xâm canh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trở về địa phương cũ, không tham gia phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Lực lượng công an hai tỉnh Đác Nông và Bình Phước khẩn trương rà soát, điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng “đầu nậu” về đất đai, xúi giục, kích động người dân đi khiếu kiện và chống người thi hành công vụ. Các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Tuy Đức sớm lập phương án cưỡng chế, giải tỏa toàn bộ diện tích đất rừng bị lấn chiếm trái phép trên địa bàn hai xã Đác Ngo và Quảng Trực. Những diện tích đất rừng bị lấn chiếm sẽ được thu hồi toàn bộ để trồng lại rừng theo đúng quy định. Ngoài ra, UBND tỉnh Đác Nông yêu cầu Công ty Quảng Tín thanh lý hợp đồng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp tư nhân, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh thanh tra làm rõ các sai phạm của doanh nghiệp này, nếu có dấu hiệu hình sự sẽ đề nghị khởi tố.
Theo Nhandan
Ý kiến ()