Hàng nghìn ha lúa bị ngã đổ, ngập úng do mưa lớn
Nông dân bất lực nhìn lúa sắp thu hoạch đổ ngã, hư hại bị dìm trong nước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng không khí lạnh từ chiều 12 kéo dài đến hôm nay, 14-4, tại địa bàn Thừa Thiên Huế có lượng mưa vừa đến mưa to (lượng mưa trung bình 25-50 mm/24 giờ) đã làm nhiều diện tích lúa đang chắc hạt, gần đến kỳ thu hoạch bị đổ ngã và ngập úng. Nhiều địa phương bị thiệt hại nặng là các huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang và các thị xã Hương Thủy, Hương Trà…
Tại thị xã Hương Thủy, ngày hôm nay, 14-4, sau khi mưa ngớt, bà con nông dân đã tranh thủ ra đồng, vét bờ tháo nước ra khỏi ruộng. Ông Nguyễn Viết Lành, một nông dân ở xã Thủy Phù cho biết, vụ đông xuân năm nay gia đình ông trồng gần 2 ha lúa. Mưa lớn trong hai ngày qua khiến hơn 1,2 ha lúa của gia đình bị đổ ngã và ngập úng, trong khi lúa vừa chắc hạt, khoảng một hơn tuần nữa mới đến kỳ thu hoạch. Khi thu hoạch, số diện tích lúa bị ngã đổ này sản lượng sẽ giảm từ 40 – 50% và công gặt cũng đắt hơn nhiều do phải gặt tay, chưa kể tiền phân bón và giống đã đầu tư nên vụ lúa năm nay lỗ lớn.
Tại huyện Phong Điền, hiện có hơn 2.000 ha lúa bị ảnh hưởng trận mưa lớn trong hai ngày qua khiến nhiều diện tích bị đổ ngã. Bà con nông dân cho biết, nhiều diện tích lúa gần thu hoạch nay phải gặt non và thu hoạch bằng tay vì sử dụng máy gặt sẽ rất khó vì phần lớn lúa đã ngã đổ. Ước tính, giá thu hoạch lúa đứng bằng máy với giá từ 100 nghìn đồng/sào, nay lúa đổ và ngã thì có giá thu hoạch từ 130 đến 150 nghìn đồng/sào. Ngoài ra, một lượng lúa lớn sẽ bị hao hụt do rơi rụng, dẫn đến năng suất giảm. Còn tại huyện Quảng Điền, đợt mưa kèm theo gió mùa lần này đã khiến hơn 1.500 ha trong tổng số 4.202 ha lúa đông xuân trên địa bàn bị ngã đổ, trong đó hơn 900 ha đổ rạp xuống mặt đất, nguy cơ giảm mạnh về năng suất, sản lượng và chất lượng lúa.
Trận mưa “vàng” giải hạn cây trồng sau nhiều tháng khô hạn nhưng diễn ra không đúng thời điểm, khiến người nông dân lao đao vì nguy cơ mất mùa lúa vụ đông xuân này.
Huyện Phú Vang là địa phương có diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại nặng nhất trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, khi có hơn 4.000 ha lúa bị ngập úng và hơn 3.900 ha lúa bị ngã đổ. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phan Thành Nhân cho biết, ngành nông nghiệp huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn phối hợp Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi huy động toàn bộ hệ thống trạm bơm để tiêu úng cho những diện tích lúa bị ngập; đồng thời tăng cường điều tiết cống quan và các cống trên đê ngăn mặn nhằm tiêu nước ra đầm phá. Đối với diện tích lúa bị ngã đổ và lúa đã chín, các địa phương đang huy động người dân tích cực thu hoạch lúa, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng năng suất, sản lượng vụ lúa đông xuân này.
Theo ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, vụ lúa đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh đưa vào gieo cấy gần 30 nghìn ha lúa và hơn 2.300 ha hoa màu các loại. Tính đến nay, có hơn 100 ha lúa bị chết do xâm nhập mặn và hơn 2.000 ha có nguy cơ thiếu nước tập trung các địa phương Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông và A Lưới.
Tuy nhiên, do mưa lớn trong những ngày qua khiến hơn 10 nghìn ha lúa bị ngã đổ và hơn 4.000 ha bị ngập úng. Lúa bị ngã một số chuẩn bị thu hoạch trong 5 – 10 ngày tới, còn phần lớn đang ngậm sữa, do đó ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng gạo. Nếu mưa tiếp diễn trong những ngày tới sẽ khiến nhiều diện tích lúa đổ ngã, thiệt hại nặng do hiện tượng nảy mầm, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng vụ lúa đông xuân này.
Gần 1/3 diện tích lúa đông xuân tại Thừa Thiên Huế bị ngã đổ và ngập úng, ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng lúa vụ này.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Vang cho biết, hiện Sở đã chỉ đạo Phòng nông nghiệp các huyện, thị xã cử các cán bộ kỹ thuật về cơ sở cùng địa phương, hợp tác xã tăng cường giúp nông dân triển khai bơm tháo úng, phun thuốc trừ rầy. Đối với diện tích lúa chín, hạt đã chắc hơn 85%, các địa phương hướng dẫn nông dân tiến hành thu hoạch khẩn trương với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thị xã cũng tăng cường hướng dẫn bà con chăm sóc các diện tích lúa bị đổ giúp thân lúa phát triển mạnh, bảo đảm đủ chất dinh dưỡng cho hạt lúa đang gần kỳ thu hoạch. Đối với những diện tích đã “vào chắc”, sau khi tháo nước phải dựng lúa dậy bằng cách cụm từ 3-5 bụi lại với nhau, sau khi tháo nước, trời tạnh ráo cần tăng cường bón phân để lúa nhanh phục hồi.
Ý kiến ()