Hàng loạt hàng hóa được đưa vào diện miễn thuế
Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mới khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu, đơn giản thủ tục hành chính, phù hợp với thông lệ quốc tế, hàng loạt các loại hàng hóa được đưa vào diện miễn thuế.
Đây là một nội dung được trao đổi tại cuộc họp báo chuyên đề giới thiệu những nội dung Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 5/10.
Bộ Tài chính cho biết, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 6/4/2016 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/9/2016 đã bổ sung thêm nhiều đối tượng và loại hàng được miễn thuế xuất nhập khẩu để khuyến khích xuất khẩu, bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập.
Bà Đào Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết: Luật mới khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu, đơn giản thủ tục hành chính, phù hợp với thông lệ quốc tế, hàng loạt các loại hàng hóa được đưa vào diện miễn thuế.
Ví dụ như hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập để sản xuất hàng xuất khẩu được miễn thuế; hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được miễn thuế có điều kiện về bảo lãnh, đặt cọc phù hợp với thông lệ quốc tế…
Các loại hàng nhập khẩu tạo tài sản cố định (TSCĐ) của dự án ưu đãi đầu tư cũng được miến thuế để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đẩy mạnh xã hội hóa.
Luật cũng quy định miễn thuế đối với linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo thiết bị, máy móc hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị của các dự án ưu đãi đầu tư để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tế, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Để hướng dẫn thi hành Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định134/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/9/2016, Nghị định đã quy định chi tiết đối với 23 trường hợp miễn thuế quy định tại Luật thuế xuất nhập khẩu 2016.
Nghị định quy định cụ thể các trường hợp miễn thuế theo định mức: Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân; quà biếu, quà tặng; hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới; hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh; hàng hóa có trị giá tối thiểu và số tiền thuế phải nộp tối thiểu.
Đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, Nghị định đã quy định rõ các loại nguyên liệu, vật tư và trường hợp được miễn thuế theo loại hình sản xuất xuất khẩu.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết, sẽ có có những hướng dẫn cụ thể, việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại để đảm bảo không gây thiệt hại quá mức cho nền kinh tế nhưng vẫn bảo đảm các cam kết quốc tế Việt Nam đã ký kết.
Đáng chú ý, từ ngày 5/10, Hiệp định tự do thương mại Á-Âu chính thức có hiệu lực, gần 5.000 dòng thuế sẽ được cắt giảm về 0% trong năm 2016-2017, chiếm hơn 52% biểu thuế. Ông Phạm Tuấn Anh cho biết, đến nay Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định FTA, quá trình giảm tỉ trọng thu từ thuế xuất nhập khẩu đã diễn ra từ khi Việt Nam là thành viên của WTO, do đó tác động giảm thu chỉ từ 20-25%. Tuy nhiên, khi thực tế ưu đãi từ thực hiện các cam kết cũng sẽ tăng lên và tác động tích cực tới nền kinh tế đất nước, tăng cường năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
“Việc giảm thuế với nguyên liệu đầu vào mà Việt Nam cần nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh”, ông Phạm Tuấn Anh khẳng định.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()