Hàng loạt công trình cấp nước sạch bị bỏ hoang
Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương, hàng loạt công trình nước sạch đã được khởi công, xây dựng, nhằm giúp người dân có nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, bên cạnh những công trình phát huy hiệu quả, vẫn còn nhiều công trình được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng nhưng rồi bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách nhà nước và bức xúc trong nhân dân.
Xây dựng nhiều, bỏ hoang cũng lắm
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, hiện nay cả nước đã xây dựng được khoảng 16.220 công trình cấp nước tập trung. Việc quản lý các công trình này do nhiều đơn vị thực hiện, như: đơn vị sự nghiệp công lập (trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, ban quản lý dự án huyện…), công ty cổ phần cấp nước nông thôn, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, UBND xã, cộng đồng người dùng nước… Đến nay, trong tổng số công trình đã xây dựng nêu trên, gần 2.500 công trình hoạt động kém hiệu quả, gần 1.800 công trình không hoạt động, chiếm 26,1%. Nguyên nhân chủ yếu là do việc lựa chọn địa điểm, quy mô đầu tư, công nghệ cấp nước và mô hình quản lý sau đầu tư chưa phù hợp, còn nhiều yếu kém. Thêm vào đó, cơ chế tài chính bất cập, giá nước ở nhiều nơi được UBND tỉnh phê duyệt thấp hơn nhiều so giá thành, dẫn đến thu không đủ bù chi, thậm chí không đủ để trang trải cho việc quản lý, vận hành và sửa chữa nhỏ; hơn nữa, thu nhập của người lao động thấp, cho nên không nhiệt tình với công việc. Mặt khác, một số địa phương chỉ chú trọng xây dựng công trình, chưa quan tâm quản lý, nâng cấp, sửa chữa các công trình đã có.
Công trình nước sạch xã Phượng Mao nằm trong dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu tái định cư xã Phượng Mao, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ), có tổng mức đầu tư hơn ba tỷ đồng, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2011. Đến cuối năm 2012, công trình chính thức được đưa vào khai thác, bảo đảm cung cấp nước sạch cho gần 120 hộ dân khu tái định cư xã Phượng Mao. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động được vài tháng, toàn bộ hệ thống công trình này đã dừng hoạt động. Người dân cũng không mặn mà với nguồn nước máy, dẫn đến tất cả các hộ dân xã Phượng Mao tự đào giếng khoan lấy nước sinh hoạt hằng ngày.
Ông Bùi Văn Toàn, ở khu 4, xã Phượng Mao cho biết, toàn bộ hệ thống đã lắp đặt đến tận công trình phụ, bảo đảm cung cấp nước sạch cho các hộ dân khu tái định cư, nhưng sau khi vận hành miễn phí được ba tháng, tất cả các hộ dân không dùng nữa. Người dân ở đây cho rằng, dùng nước máy vừa không yên tâm về chất lượng nguồn nước, vừa phải bỏ tiền ra mua, do đó công trình bỏ hoang nhiều năm nay. Bí thư chi bộ khu 4, xã Phượng Mao Bùi Đức Thiện chia sẻ: “Lúc mới vận hành miễn phí, toàn bộ dân khu tái định cư Phượng Mao đã dùng thử nhưng khi bắt đầu thu tiền với giá 7.000 đồng/m3, người dân lại chuyển sang dùng nước giếng đào, vừa không phải mất tiền mua nước máy vừa được dùng nước sạch tự nhiên…”.
Công trình nước sạch nông thôn tại xã Hùng Quan, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) còn bi đát hơn. Được đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng, công suất 235m3/ngày và đưa vào hoạt động năm 2011, nhưng chỉ có khoảng 130 hộ trong số hơn 700 hộ dân được sử dụng nước từ công trình. Năm 2012, nguồn nước cạn cho nên công trình dừng hoạt động từ đó, khiến người dân ở ngay sát công trình nước sạch nhưng hằng ngày lại phải đi mua, đi xin hoặc vận chuyển nước sạch từ nơi khác về sử dụng. Nhiều gia đình tính đến việc khoan giếng, nhưng do phía dưới là đá cứng cho nên mũi khoan không xuống được sâu, có những hộ may mắn khoan được thì dùng một thời gian nước đã cạn. Chủ tịch UBND xã Hùng Quan Hoàng Minh Điệp cho biết, việc người dân phải đi xin, mua hay dùng nhờ nước là có thật. Xã đã gửi kiến nghị lên huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có hướng cải tạo, nâng cấp, Chi cục Thủy lợi cũng đã về khảo sát nhưng đến nay chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Xã Liên Thành là một trong sáu xã của huyện Yên Thành (Nghệ An), được hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình nước sạch để cung cấp cho gần 2.000 hộ, với hơn 8.000 nhân khẩu. Nhà máy có công suất thiết kế 750m3/ngày đêm, với tổng dự toán đầu tư gần 27 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách cấp theo Chương trình mục tiêu quốc gia khoảng 16 tỷ đồng; ngân sách xã và nhân dân đóng góp gần 11 tỷ đồng. Tháng 10-2013, công trình nước sạch được khởi công xây dựng, nhưng đến tháng 3-2015, phải tạm dừng thi công cho đến nay. Hiện tại, công trình mới chỉ hoàn thành phần hồ chứa nước; hai căn nhà chứa máy móc đang làm dở dang, do thiếu vốn (cả nguồn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn đóng góp từ người dân và ngân sách xã). Theo lý giải của lãnh đạo xã, người dân trong vùng hưởng lợi chưa nộp tiền đầu tư, vì thấy công trình nước sạch này xây dựng ì ạch và dở dang khá lâu. Ngoài ra, huyện Yên Thành còn có các công trình nước sạch tại bốn xã: Phú Thành, Tây Thành, Phúc Thành, Minh Thành, với tổng số tiền đầu tư khoảng 105 tỷ đồng, cũng rơi vào tình trạng dở dang như Liên Thành, mà nguyên nhân cũng do thiếu vốn hỗ trợ và vốn đóng góp của người dân.
Nhà máy nước Diễn Tháp, huyện Diễn Châu (Nghệ An) xây dựng dở dang, chưa thể thi công tiếp do thiếu vốn.
Để công trình không “đắp chiếu”
Đại diện lãnh đạo UBND xã Phượng Mao, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) thừa nhận, hiện nay, các công trình trên địa bàn vẫn có khả năng hoạt động, dù nhiều hạng mục xuống cấp. Tuy nhiên, phải khẳng định đây là dự án lãng phí vì bị bỏ hoang không ai quản lý, bảo dưỡng nhiều năm nay. Xã Phượng Mao đã nhiều lần có kiến nghị phương án xử lý, giải quyết, song mọi việc dường như vẫn… dậm chân tại chỗ, còn công trình thì ngày càng xuống cấp mà địa phương không biết xử lý như thế nào. Dù có hai công trình nước sạch còn “đắp chiếu” trên địa bàn, nhưng theo kế hoạch, trong năm 2017, Phượng Mao là một trong chín xã phía nam của huyện Thanh Thủy được hưởng lợi từ dự án Nhà máy cung cấp nước sạch đặt tại hai xã Phượng Mao và Trung Nghĩa (đang trong giai đoạn nước rút để bàn giao).
Chi Cục trưởng Thủy lợi Phú Thọ Lâm Việt Tuấn cho biết, đối với nhà máy nước tại xã Trung Nghĩa được đầu tư để cung cấp nước sạch cho toàn bộ chín xã phía nam của huyện Thanh Thủy, chứ không cung cấp riêng cho xã Phượng Mao. Còn công trình nước sạch xã Phượng Mao nằm trong dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu tái định cư xã Phượng Mao, được đầu tư trước đó là để cung cấp cho toàn bộ người dân tái định cư khi đó chưa có nước sử dụng (năm 2011-2012)… Việc người dân không dùng nước máy là do chính quyền xã chưa sát sao tích cực vận động người dân từ bỏ sử dụng nguồn nước giếng khoan, giếng đào, chứ không phải nguồn nước không bảo đảm. Người dân cho rằng, phí nước thu quá cao, Chi cục đã trình UBND tỉnh Phú Thọ áp dụng mức thu giảm từ 7.000 đồng/m3 xuống còn 5.000 đồng/m3 nhưng người dân vẫn không sử dụng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh Nghệ An có 15 công trình cấp nước sạch được triển khai xây dựng ở bốn huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Hưng Nguyên và Quỳnh Lưu, với tổng mức đầu tư 318 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều năm khởi công, nhiều công trình đang có nguy cơ “chết yểu” vì thiếu vốn đầu tư, khối lượng thực hiện thấp, chủ đầu tư chưa huy động được vốn đối ứng để thực hiện. Trong khi đó, từ năm 2016, Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch đã chấm dứt.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, về lâu dài, nếu T.Ư và địa phương không huy động, bố trí được nguồn vốn hay kêu gọi doanh nghiệp, xã hội đầu tư để thực hiện khối lượng công việc còn lại, các hạng mục công trình đã xây dựng sẽ xuống cấp ngày càng nhiều và mức độ lãng phí càng lớn.
Theo Nhandan

Ý kiến ()