Hàng không Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế
Ngày 10/1, tại Hà Nội đã diễn ra lễ kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Hàng không dân dụng Việt Nam. Dự lễ kỷ niệm có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son...
Đánh giá những thành tựu đạt được của ngành Hàng không Việt Nam trong suốt 60 năm qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định, hàng không dân dụng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích trong đấu tranh dành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước, đảm bảo an ninh, an toàn bay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tặng
Huân chương Lao động hạng Nhất cho Cục Hàng không Việt Nam (Nguồn: mt.gov.vn)
Bên cạnh đó, các cán bộ,chiến sỹ ngành hàng không đã nỗ lực thực hiện tốt vai trò của mình, giữ vững vai trò trong công tác không vận của đất nước. Đến nay, Cục Hàng không Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập Hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam cần tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống vẻ vang và những kết quả đã đạt được, ra sức khắc phục những tồn tại, hạn chế.
“Mặc dù tốc độ phát triển của Hàng không Việt Nam thuộc các nước đứng đầu của thế giới nhưng vẫn đang đứng ở vị trí số 6 của ASEAN; chất lượng dịch vụ còn nhiều bất cập; mặc dù chúng ta đã giữ vững 18 năm liên tục không để xảy ra tai nạn hàng không, nhưng trong thời gian qua còn để xảy ra một số sự cố nghiêm trọng,” – Phó Thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung rà soát, điều chỉnh hệ thống quy hoạch, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về giao thông; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành, huy động mạnh mẽ, đa dạng các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư phát triển theo định hướng hiện đại, hội nhập và bền vững.
Phó Thủ tướng yêu cầu, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam cần bám sát 5 mục tiêu, bao gồm: đột phá về xây dựng, nâng cấp hệ thống cảng hàng không, sân bay hiện đại, đặc biệt là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, góp phần phát triển thị trường hàng không Việt Nam đứng trong top 4 ASEAN.
Cùng với đột phá về vận tải hàng không với đội tàu bay trẻ, hiện đại, hạ giá thành sản phẩm, cải tiến chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, mở rộng và phát triển mạng đường bay nội địa, đường bay quốc tế, đóng góp nhiều hơn nữa vào nguồn thu của Nhà nước, ngành hàng không cần bảo đảm song hành cùng cộng đồng hàng không quốc tế, không được để tụt hậu về công nghệ năng lực điều hành bay; tìm mọi nguồn lực nhằm phát triển công nghiệp hàng không; chú trọng nâng cao các cơ sở chuyên ngành, nhân viên hàng không như phi công, kiểm soát viên không lưu có cơ chế hỗ trợ phù hợp để thu hút đội ngũ lao động đáp ứng nhiệm vụ của ngành.
Bên cạnh trọng tâm phát triển kinh doanh, Phó Thủ tướng cũng lưu ý, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam cần đảm bảo vai trò là lực lượng dự bị quốc phòng, bảo vệ chủ quyền của đất nước. Các đơn vị trong ngành phải quán triệt sâu sắc rằng an toàn, an ninh hàng không là vấn đề sống còn của ngành, là bộ mặt quốc gia, không có cơ hội để rút kinh nghiệm nếu xảy ra tai nạn.
Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh ôn lại lịch sử: Ngày 15/01/1956, với tầm nhìn chiến lược và sâu rộng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký ban hành Nghị định số 666/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Cục Hàng không dân dụng trực thuộc Chính phủ, đặt nền móng cho sự ra đời, trưởng thành và phát triển bền vững của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.
“Nghị định thành lập Cục Hàng không dân dụng thuộc Chính phủ đặt cơ sở cho việc ra đời một tổ chức vận chuyển hàng không, hội nhập, giao lưu hàng không với các nước, đồng thời đáp ứng được nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ mong muốn phục vụ nhân dân đi lại bằng đường hàng không” – ông Thanh nói.
Nhận định về những kết quả đã đạt được, Cục trưởng Cục Hàng không cho biết, Hàng không Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm qua. Tính đến hết năm 2015, tổng sản lượng thị trường vận chuyển hành khách đạt 40,1 triệu, tăng bình quân 13,7%/ năm trong 5 năm, hàng hóa đạt 741.000 tấn, tăng bình quân 10%/năm.
Đến nay, 4 hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines, VASCO và VietJet Air) có 125 tàu bay, khai thác 48 đường bay nội địa. Các hãng này và 52 hãng hàng không nước ngoài hiện khai thác 95 đường bay quốc tế. Trong đó, các hãng hàng không Việt Nam chiếm 47,9% thị phần vận chuyển hành khách quốc tế và 11,6% thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế.
Tốc độ phát triển nhanh chóng cùng sự cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng hàng không đã mang lại lợi ích cho người tiêu dùng được hưởng mức giá vé thấp với chất lượng dịch vụ cao.
Về đầu tư kết cấu hạ tầng, trong giai đoạn 2001-2015, tổng vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay là 55.016 tỷ đồng, chiếm 38,5% trong tổng vốn đầu tư toàn ngành hàng không.
“Việc đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng hàng không đã tăng cường cơ bản năng lực phục vụ của các Cảng hàng không và điều hành bay, đáp ứng phần lớn nhu cầu phát triển của thị trường vận tải hàng không trong nước cũng như thế giới, đóng góp quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế đất nước, tạo dựng hình ảnh tốt đẹp và vị thế của hàng không Việt Nam trên trường quốc tế” – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh chia sẻ.
Đặc biệt, trong hội nhập quốc tế, Hàng không Việt Nam đã chủ động linh hoạt theo hướng tự do hóa, hoàn tất 67 Hiệp định vận chuyển song phương và 6 Hiệp định vận chuyển đa phương trong lĩnh vực vận tải hàng không, tham gia tích cực vào thị trường hàng không thống nhất ASEAN. Tính hội nhập đó còn được thể hiện mạnh mẽ trong việc tuân thủ đầy đủ các quy định quốc tế trong tất cả lĩnh vực hoạt động của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, đáp ứng đúng các yêu cầu của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Tại buổi lễ Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Cục Hàng không Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng đã thực hiện nghi lễ ký và đóng dấu phát hành bộ tem đặc biệt kỷ niệm 60 năm ngành Hàng không dân dụng Việt Nam (1956 – 2016).
Bộ tem gồm 1 mẫu in hình Bác Hồ với ngành Hàng không dân dụng Việt Nam trên nền con số 60, thể hiện chiều dài lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển ngành hàng không. Thời hạn cung ứng bộ tem trên mạng bưu chính công cộng từ ngày 10/1/2016 đến ngày 31/12/2017 với giá mặt 3.000 đồng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()