Hàng không thế giới chật vật vì thiếu nhân lực
Xếp thành hàng dài để chờ làm thủ tục, thất lạc hành lý, hoãn hoặc hủy chuyến bay là những gì hành khách phải trải qua ở nhiều sân bay trên thế giới trong bối cảnh ngành hàng không thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng.
Cuộc khủng hoảng nhân lực khiến ngành hàng không chật vật trong mùa hè này khi lượng nhân viên quá ít so với nhu cầu đi lại của người dân. Schiphol, sân bay bận rộn nhất Hà Lan, đã phải cắt giảm các chuyến bay. Sân bay này cũng yêu cầu hành khách không đến sớm hơn 4 giờ trước chuyến bay, đồng thời khuyến cáo hành khách nên đi giày thoải mái vì sẽ phải chờ đợi trong nhiều giờ để làm thủ tục.
Ban quản lý sân bay Schiphol cho biết, số lượng hành khách mỗi ngày tới đây vượt quá khả năng xử lý của nhân viên an ninh. Trong khi đó, sân bay Gatwick và Heathrow tại Anh đã yêu cầu các hãng hàng không giới hạn số chuyến bay. Hãng hàng không giá rẻ easyJet phải hủy bỏ hàng nghìn chuyến bay để phù hợp với công suất phục vụ của sân bay Gatwick và Schiphol.
Hành khách xếp hàng ở sân bay Schiphol (Hà Lan). Ảnh: Getty Images |
Theo công ty tư vấn hàng không Cirium, trong tháng 6 này, đã có gần 2.000 chuyến bay tại các sân bay lớn ở châu Âu bị hủy bỏ chỉ trong vòng một tuần. Dữ liệu của nền tảng theo dõi chuyến bay FlightAware cho thấy, trong tháng 6, 25% chuyến bay tại châu Âu (trừ Nga) cất cánh muộn với độ trễ trung bình là 34 phút.
Các con số này trong cùng kỳ năm 2019 là 21% và 28 phút. Riêng tại sân bay Schiphol, 36% chuyến bay đã bị hoãn trong tháng 6, so với chỉ 28% vào cùng kỳ năm 2019.
Nhiều sân bay khác trên thế giới cũng đang gặp khó vì thiếu nhân lực trong hầu hết các khâu từ kiểm soát không lưu, an ninh sân bay, xử lý hành lý, phục vụ ăn uống, làm thủ tục lên máy bay… Tại sân bay quốc tế Toronto Pearson-sân bay tấp nập nhất ở Canada, tình trạng thiếu nhân viên phụ trách an ninh, hải quan và nhập cư đã gây ra sự chậm trễ, đồng thời khiến hàng dài hành khách phải chờ đợi.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Mỹ khi các hãng hàng không gần đây đã buộc phải hủy hàng nghìn chuyến bay do thời tiết xấu và lượng hành khách mùa hè tăng đột biến. “Ở thời điểm hiện tại, mọi hãng hàng không và sân bay đều thiếu nhân viên”, Bloomberg dẫn lời ông Geoff Culbert, Giám đốc điều hành sân bay Sydney (Australia).
Về phần mình, Giám đốc điều hành Julia Lo Bue-Said của Tập đoàn Advantage Travel, đại diện cho 350 công ty lữ hành của Anh, cho biết: “Mọi người đang đổ xô đi du lịch trong mùa hè này. Tuy nhiên, các sân bay lại đang thiếu hụt nhân viên. Sẽ phải mất thêm thời gian để các sân bay tuyển dụng nhân sự mới. Tất cả những điều này tạo ra tình huống nút thắt cổ chai trong hệ thống. Khi một thứ gì đó lệch ra khỏi quy trình, hậu quả kéo theo sẽ rất lớn”.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong giai đoạn 2020-2021, các hãng hàng không và sân bay phải sa thải hàng trăm nghìn lao động, từ phi công, tiếp viên đến nhân viên phục vụ mặt đất. Giờ đây, việc cắt giảm nhân sự để “cầm cự” trong cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến ngành hàng không gặp khó sau khi các nước mở cửa biên giới trở lại.
Ông Willie Walsh, người đứng đầu Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế cho biết: “Điều gây khó khăn cho chúng tôi là nhiều công việc không thể vận hành từ xa. Do đó, hàng không không thể linh hoạt như nhiều ngành nghề khác. Phi công phải có mặt để vận hành máy bay. Tiếp viên cũng thế. Chúng tôi phải có người xếp hành lý và hỗ trợ hành khách”.
Để đáp ứng với nhu cầu “du lịch trả thù” sau đại dịch, các sân bay và hãng hàng không đang chạy đua tuyển dụng thêm hàng nghìn nhân lực. Đơn cử như sân bay Sydney đã tổ chức một hội chợ việc làm nhằm tìm kiếm 5.000 nhân viên mới. Dù tình trạng thiếu nhân lực đang gây khó khăn trong ngành hàng không, song quy trình tuyển dụng vẫn cần được thực hiện một cách kỹ lưỡng. “Đưa nhân viên trở lại sân bay không giống như tuyển dụng vào nhà hàng hay siêu thị”, Tổng giám đốc Olivier Jankovec của Cơ quan quản lý các sân bay châu Âu (ACI Europe) cho biết.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không còn thực hiện một số biện pháp tình thế nhằm giảm tác động của “cơn khát” nhân lực. Hãng hàng không easyJet đã loại bỏ một hàng ghế khỏi 58 chiếc máy bay Airbus A319 của hãng để bay với ít thành viên phi hành đoàn hơn. Trong khi đó, hãng hàng không Qantas của Australia đã yêu cầu nhân viên tại trụ sở chính của họ đến hỗ trợ dịch vụ mặt đất tại các sân bay ở Sydney, Melbourne và Brisbane.
Ý kiến ()