Hàng kém chất lượng "bủa vây" người tiêu dùng
Có mặt tại chợ đêm sinh viên Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi mức giá bán các loại hóa mỹ phẩm ở đây. Tại chợ đêm Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), nhân viên bán hàng đon đả chào mời đủ loại mỹ phẩm với mầu sắc, mẫu mã bắt mắt.
Thỏi son gắn nhãn LipIce Sheer Color, giá bán chỉ 35 nghìn đồng. Trong khi đó, giá niêm yết mặt hàng này của công ty là 49.500 đồng. Tương tự, các thương hiệu khá phổ biến với người tiêu dùng Việt như kem dưỡng da Pond, Hazeline, Nivea hay sữa rửa mặt Biore, Acnes… cũng chỉ có giá bằng hai phần ba so với mức giá thông thường. Tiếp tục tìm đến chợ Đồng Xuân (chợ đầu mối chuyên bán xỉ các loại hóa mỹ phẩm), mức giá ở đây còn giảm hơn nhiều khi son LipIce Sheer Color chỉ có giá 10 – 15 nghìn đồng, kem dưỡng da Pond giá 20 nghìn đồng… Điều đặc biệt, khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm các chủ hàng đều khẳng định chắc nịch: “Em hoàn toàn yên tâm về mặt chất lượng. Tất cả các mặt hàng bày bán đều được xách tay, nhập trực tiếp từ Trung Quốc, Thái-lan về. Tuy vậy, khi được hỏi về hóa đơn, chứng từ thì chủ hàng lại quay ra nhát gừng: Hàng xách tay, nhập đầu mối quen biết cần gì mấy thứ đó, tôi buôn bán bao năm nay có thấy ai đến phản ánh hay phàn nàn gì về chất lượng hàng hóa đâu mà phải ngại”. Mặc dù các chủ hàng khẳng định là vậy, tuy nhiên nhìn mỏi mắt người mua cũng không thể “bói” đâu ra tờ phụ đề ghi các chỉ số liều lượng có trong sản phẩm hoặc địa chỉ xuất xứ, tên công ty sản xuất sản phẩm… được dịch sang tiếng Việt theo như quy định.
Qua tìm hiểu, các mặt hàng mỹ phẩm cao cấp khác như Lancôme, M.A.C, Chanel, CK, Shiseido… cũng dễ dàng tìm thấy ở những cửa hàng bán rong trên địa bàn TP Hà Nội với mức giá trên dưới 100 nghìn đồng.
Điều đặc biệt, hầu hết các mặt hàng này đều ghi địa chỉ sản xuất, số điện thoại liên lạc, mã vạch và tem bảo hành trùng khớp với sản phẩm chính hãng. Thậm chí, hiện có nhiều đường dây có thể cung cấp các sản phẩm này với mức giá thấp hơn từ 10 đến 15% so với mức giá trên thị trường. Đó còn chưa kể tới những đối tượng sử dụng những công nghệ, kỹ nghệ làm giả, làm nhái tinh vi rồi tuồn những sản phẩm kém chất lượng ra thị trường tiêu thụ với mức giá thấp nhưng thu về lãi suất cao gấp hàng chục lần. Anh Trần Hữu Hòa, chủ một quầy hàng mỹ phẩm ở chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) bộc bạch, các mặt hàng mỹ phẩm giá rẻ hiện bán trên thị trường chủ yếu là hàng được nhập về từ Trung Quốc. Tuy nhiên, không giống như những năm trước, mặt hàng này thường có mầu sắc dại hoặc in chữ lỗi thì hiện nay chúng được làm rất tinh vi cho nên khi so với nhiều sản phẩm chính hãng, dù đặt cạnh nhau thì người tiêu dùng cũng khó có thể phân biệt được đâu là thật và đâu là giả.
Có thể thấy, mặc dù các lực lượng chức năng thường xuyên tăng cường công tác phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ… nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp và nếu các lực lượng chức năng không vào cuộc quyết liệt, phòng, chống từ cấp cơ sở, địa bàn thì quyền lợi người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị xâm hại trầm trọng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()