Hàng hóa tiêu dùng và cước vận tải rục rịch tăng theo
LSO-Sau vài lần giảm nhẹ, ngày 5/5 vừa qua, giá xăng tăng thêm 1.950 đồng/lít, đây là lần tăng giá thứ hai trong năm nay. Việc giá xăng tăng mạnh khiến người dân lo ngại giá các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng theo. Không chỉ vậy, sau thời gian phải giảm do giá xăng giảm, giá cước vận tải bắt đầu rục rịch tăng lên.
Giá xăng tăng gần 2.000 đồng/lít vào tối 5/5/2015 |
Như đã biết, tối 5/5/2015, giá xăng tăng lần thứ 2 kể từ đầu năm với mức tăng kỷ lục 1.950 đồng/lít khiến người tiêu dùng lo lắng. Chị Vũ Thị Hải (Nguyễn Du, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn), chia sẻ: “Mới tháng trước tăng giá điện, tháng này lại tăng giá xăng, trong khi lương không tăng khiến chi phí sinh hoạt của gia đình tôi bị đội lên. Tôi lo ngại đợt tăng giá xăng lần này khiến giá lương thực, thực phẩm viện cớ tăng theo”. Thực tế qua nhiều lần xăng tăng giá trước đây thì lo ngại giá leo thang là tâm lý chung của những người nội trợ.
Tìm hiểu thực tế tại một xóm trọ trên đường Ngô Quyền, được biết, giá phòng trọ đã tăng ngay sau thời điểm xăng tăng giá. Phòng trọ trước đây giá 600 nghìn đồng giờ tăng lên 700 nghìn đồng, có nơi tăng 800 nghìn đồng/tháng. Không trực tiếp liên quan đến việc lên xuống của xăng dầu nhưng đây luôn là lý do để chủ nhà tăng giá phòng. Thực tế, sau mỗi đợt xăng tăng giá, những người thuê nhà trọ lại rục rịch tìm chỗ ở mới với giá thành hợp lý. Bởi giá xăng tăng, thực phẩm cũng đắt đỏ hơn, tiền thuê trọ tăng lên trong khi thu nhập của họ không có gì thay đổi. Đây là gánh nặng với người lao động do họ phải dành phần lớn chi phí cho việc thuê chỗ ở. Theo thông tin từ công nhân, người lao động tại một số khu trọ, các chủ nhà tăng từ 100 đến 200 nghìn đồng/phòng/tháng. Hoặc có xóm trọ không tăng giá phòng nhưng mỗi hộ phải tự thanh toán phí vệ sinh khoảng 20.000 đồng/tháng/phòng thay vì chủ nhà chi trả trước đây.
Bên cạnh nhà trọ, giá điện tại các khu vực cho người lao động thuê cũng bắt đầu tăng. Theo chị Trần Thị Vui, hiện thuê nhà trọ tại phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: chủ nhà vừa thông báo tiền điện sẽ tăng từ 3.000 đồng lên 3.500 đồng/số. Gia đình chị có 4 nhân khẩu, trước đây mỗi tháng dùng khoảng 100kW điện. Nếu tính theo giá nhà nước, chị chỉ phải trả 150 nghìn đồng nhưng tính theo giá chủ nhà thu thì chị phải thanh toán khoảng 350 nghìn đồng, cao hơn 200 nghìn đồng so với những hộ thông thường. Thay vì tính tiền điện nước theo tháng tiêu thụ thì ngay từ ki – lô – oát đầu tiên người thuê trọ phải trả khoảng 3.500 đồng/kW. Chính vì vậy, ở hầu hết các xóm trọ, người lao động chỉ sử dụng những thiết bị điện thật sự cần thiết để giảm chi phí, những đồ gia dụng tiêu thụ nhiều điện năng như bình nước nóng, tủ lạnh, máy giặt… đều phải giảm, thậm chí không dám dùng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống người lao động.
Ngoài giá điện, giá phòng trọ tăng, giá cước vận tải cũng đang rục rịch tăng theo giá xăng. Tìm hiểu tại một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, được biết, đối với vận tải bằng ô tô chạy xăng, tỉ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-35% giá thành vận tải đối với xe chạy xăng. Do vậy, với hai đợt tăng giá xăng, tổng cộng mức tăng lên tới 3.560 đồng/lít, tăng gần 22% so với trước tết. Thực tế này khiến các doanh nghiệp bắt buộc phải cân đối và tính toán đến khả năng tăng giá cước vận tải hàng hóa, vận tải hành khách. Ông Hoàng Văn Luận, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải Đoàn Kết cho biết: chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng, giá xăng tăng trên 3.560 đồng/lít đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải hành khách. “Trước kia, khi xăng dầu giảm giá, các doanh nghiệp vận tải đã giảm cước vận tải từ hai đến ba lần, thì nay việc tăng giá cũng cần được tính đến. Hiện tại, chúng tôi chưa thể công bố cụ thể mức cước sẽ tăng nhưng giá xăng tăng cao thì chắc chắn doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng giá cước…”, ông Luận nói vậy. Về quan điểm này, ông Phạm Đức Công, Chủ nhiệm Hợp tác xã Hoàng Đồng cũng đồng tình. Ông Công cho biết: từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp hoạt động vận tải hàng khách trên địa bàn tỉnh chỉ có giảm giá, nay giá xăng tăng, khá nhiều chủ xe khách đề xuất với Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã tăng giá cước vận tải. Đối với các hãng taxi cũng vậy, hiện tại, qua trao đổi với lãnh đạo một số hãng taxi, được biết, nếu tình hình xăng vẫn giữ mức giá cao như hiện tại, chắc chắn thời gian tới công ty xe tăng mức cước taxi lên khoảng 500 – 1.000 đồng/km. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp taxi chấp nhận giảm thu và chưa có kế hoạch tăng giá. Như hãng taxi Hồng Hải, không những chưa có kế hoạch tăng giá mà vào thời điểm này, doanh nghiệp còn thực hiện chương trình “gọi taxi trúng giải thưởng cao”. Theo lãnh đạo taxi Hồng Hải, công ty vẫn cố gắng duy trì mức cước hiện nay để ổn định thị trường và vì lợi ích của khách hàng. Trong trường hợp giá xăng tăng tiếp thì hãng buộc phải điều chỉnh tăng cước vận chuyển.
Thực tế, trong thời điểm hiện nay, các mặt hàng thực phẩm đang rục rịch tăng theo giá xăng. Theo nhiều tiểu thương nhận định, cước vận tải thời gian tới chắc chắn sẽ tăng, giá cước vận chuyển tăng, vì vậy, giá thành các mặt hàng cũng sẽ bị đội lên. Cước vận tải tăng kéo theo các mặt hàng thực phẩm cũng nâng giá, đây là vấn đề khiến hầu hết người tiêu dùng lo ngại. Với người dân, đây là thông tin mà chẳng ai mong, vì hoạt động và chi phí trong gia đình lại phải được tính toán và điều chỉnh cho hợp lý. “Nước nổi thì bèo nổi”, đó là quy luật tất yếu của thị trường, nhưng các ngành chức năng cần thường xuyên, kiểm tra, giám sát diễn biến của thị trường để có thể kiểm soát và không để giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng quá cao ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
TRÍ DŨNG - HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()