LSO-Tính từ ngày 11-2, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá VND/USD lên 9,3%, đây là mức điều chỉnh cao nhất từ trước tới nay, cùng đó, bắt đầu từ ngày 24/2 giá xăng dầu đã tăng lên một mức, điều này kéo theo sự tăng giá đồng loạt của nhiều loại hàng hóa. Hiện tại, trong những ngày vừa qua, tại một số chợ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng thực phẩm cũng đã tăng lên một mức. Sống trong thời giá tăng, người tiêu dùng không còn cách nào khác là tự thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm.Người dân chờ mua xăng - Ảnh: Khánh LyNhư đã biết, tỷ giá Việt Nam đồng so với đô la Mỹ tăng và giá xăng dầu, than và đến ngày 1/3 giá điện cũng tăng đã và đang gây những tác động đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân toàn tỉnh. Trong dự báo của ngành chức năng, thị trường giá cả tháng 3/2011 sẽ có nhiều yếu tố tác động làm tăng giá như cân đối cung - cầu hàng hóa, theo dự báo của...
LSO-Tính từ ngày 11-2, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá VND/USD lên 9,3%, đây là mức điều chỉnh cao nhất từ trước tới nay, cùng đó, bắt đầu từ ngày 24/2 giá xăng dầu đã tăng lên một mức, điều này kéo theo sự tăng giá đồng loạt của nhiều loại hàng hóa. Hiện tại, trong những ngày vừa qua, tại một số chợ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, các mặt hàng thiết yếu, nhất là hàng thực phẩm cũng đã tăng lên một mức. Sống trong thời giá tăng, người tiêu dùng không còn cách nào khác là tự thắt chặt chi tiêu để tiết kiệm.
|
Người dân chờ mua xăng – Ảnh: Khánh Ly |
Như đã biết, tỷ giá Việt Nam đồng so với đô la Mỹ tăng và giá xăng dầu, than và đến ngày 1/3 giá điện cũng tăng đã và đang gây những tác động đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân toàn tỉnh. Trong dự báo của ngành chức năng, thị trường giá cả tháng 3/2011 sẽ có nhiều yếu tố tác động làm tăng giá như cân đối cung – cầu hàng hóa, theo dự báo của Sở Công thương, giá cả tháng 3 tăng không chỉ do ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, giá điện mà một phần cũng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, cùng đó, với tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc nếu không có biện pháp hạn chế từ trong nước thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, dịch vụ sẽ gây áp lực tăng giá. Trên thực tế, từ trước tết Nguyên đán, diễn biến về giá vàng và tỷ giá tăng mạnh cũng tác động tới tâm lý tăng giá trên thị trường. Tuy nhiên, dịch vụ về cơ bản tiếp tục được giữ vững; giá xăng dầu tuy đã tăng nhưng cũng sẽ được bình ổn thông qua việc sử dụng linh hoạt các công cụ thuế, phí. Cùng đó, giá điện tăng từ ngày 1/3 nhưng Chính phủ vẫn sẽ hỗ trợ các hộ nghèo… Chính vậy, dự báo chỉ số CPI (chỉ số giá tiêu dùng) trong thời gian này chắc chắn sẽ tăng nhưng sẽ được duy trì ở mức có thể kiểm soát.
Có thể thấy, Chính phủ vẫn rất quan tâm đến việc kiềm chế lạm phát và quan tâm đến đời sống của nhân dân. Minh chứng cụ thể, vừa qua Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết về các biện pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường, đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ… Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng triển khai các biện pháp chống lạm phát cũng sẽ góp phần làm bình ổn giá thị trường. Tuy nhiên, do tâm lý “tát nước theo mưa” của một số thương nhân, nên ngay sau khi xăng dầu tăng giá, các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu ăn, rau…, nhất là mặt hàng thực phẩm tươi sống đã tăng theo. Tại một số chợ trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, giá thực phẩm tươi sống tiếp tục ở mức cao, giá thị trường của hàng tươi sống như thịt lợn tăng từ 5 – 7000đ/kg (hiện là 70 – 80.000đ/kg), thịt bò tăng 10.000đ/kg (160.000đ/kg), cá tăng 20.000đ/kg (80.000đ/kg)… Theo dự báo của các tư thương, giá các mặt hàng này tiếp tục sẽ còn tăng, tùy vào nhu cầu cũng như giá của đơn vị cung ứng.
Qua đây có thể thấy, ở trong nước nói chung và tỉnh Lạng Sơn nói riêng, những yếu kém vốn có về cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, kết cấu hạ tầng…chưa được khắc phục hiệu quả vẫn là những yếu tố tiềm ẩn gây lạm phát cao và bất ổn định nền kinh tế vĩ mô. Tổng cầu của nền kinh tế đang cao hơn so với tổng cung, mặt khác, chúng ta lại phải tiếp tục lộ trình điều chỉnh một số giá theo cơ chế thị trường nhằm xóa một bước bao cấp qua giá mà Nhà nước đang định giá như điện hoặc kiểm soát giá bằng những hình thức thích hợp (đối với xăng, dầu)…. Ngoài ra, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp cũng sẽ tạo ra sức ép đẩy mặt bằng giá tăng. Để kiểm soát lạm phát và bình ổn giá cả ở mức hợp lý, chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra với liều lượng mạnh hơn, quyết liệt hơn. Đặc biệt, với tình hình đặc thù của Lạng Sơn, chúng ta cần phải thực hiện ngay các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế trên cơ sở hiệu quả và tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất của Lạng Sơn. Bên cạnh đó, áp dụng các giải pháp kiểm soát có hiệu quả hoạt động của thị trường, chống các hành vi gian lận thương mại, vi phạm hoặc chấp hành không nghiêm túc các pháp luật về kinh doanh, tài chính, tiền tệ, giá cả….
Các biện pháp của Nhà nước là vậy, nhưng sống trong thời điểm giá cả tăng cao như hiện nay, không có cách nào khác, chính người tiêu dùng phải tự kiểm soát được mức chi tiêu của chính gia đình mình, để từ có cắt giảm những chi phí không cần thiết nhằm đảm bảo ổn định mức thu và chi của gia đình.
Trí Dũng
Ý kiến ()