Hàng hóa dồi dào song vẫn còn hiện tượng chênh lệch về giá
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, năm 2023, thị trường hàng hóa đa dạng, dồi dào và phong phú nhưng vẫn còn hiện tượng chênh lệch về giá, khi giá từ tay người sản xuất thì rất rẻ, qua các khâu trung gian phân phối đến tay người tiêu dùng lại cao.
Trong năm 2023, cung hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu khá dồi dào, song sức mua yếu. (Ảnh minh họa: HÀ NAM) |
Thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng cần được khai thác
Tại hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024” do Viện Kinh tế-Tài chính phối hợp Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính tổ chức ngày 4/1, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đã có những đánh giá, phân tích về thị trường, giá cả trong năm 2023.
Theo đó, ông Vũ Vinh Phú nhận định, nhìn lại cả một năm qua, cung hàng hóa trong nước và hàng hóa nhập khẩu khá dồi dào, song sức mua trong nước chưa được khôi phục hoàn toàn, cộng thêm cơ cấu tiêu dùng có nhiều thay đổi theo xu hướng an toàn, tiêu dùng xanh và tiết kiệm cho nên sự sôi động của thị trường bán lẻ trong nước tuy đạt được một số kết quả nhất định song thực tế không có những đột biến như những năm trước.
Qua thực tế của những hoạt động trên thị trường và diễn biến giá cả, ông Phú đánh giá, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng cần được khai thác, thể hiện ở việc các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong năm nay và những năm tiếp theo đều có những dự án phát triển chuỗi bán lẻ theo quy mô khác nhau, từ mini shop đến các trung tâm thương mại và các đại siêu thị.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú. (Ảnh: TRUNG HƯNG) |
Thí dụ như một số dự án đầu tư vào bán lẻ trong năm 2013 có thể kể đến Thaco ra mắt trung tâm thương mại Emart với diện tích 10.500m2; Lotte Mall khai trương trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ với diện tích 350 nghìn m2 tại khu vực tây Hồ Tây…
Ngoài ra, Aeon Mall đã có 6 siêu thị trên toàn quốc cho đến nay, dự kiến sẽ tiến tới đạt con số 20 trung tâm thương mại trong những năm tới; hệ thống Central Retail đang vận hành 340 cửa hàng bán lẻ trên 40 tỉnh, thành phố tại Việt Nam, trong đó có 38 đại siêu thị GO! và 39 siêu thị bán lẻ, cùng 200 cửa hàng bán lẻ phi thực phẩm; Vincom Retail đang sở hữu 5 trung tâm thương mại phân khúc Mega Mall và 7 trung tâm thương mại với phân khúc Center…
Theo đánh giá của chuyên gia Vũ Vinh Phú, sự thâm nhập rầm rộ của các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài và doanh nghiệp trong nước vào phân khúc đại siêu thị, trung tâm thương mại đã đem lại sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, giữa kênh bán lẻ truyền thống và kênh bán lẻ hiện đại.
Xu hướng cạnh tranh tập trung chủ yếu ở giá cả, chất lượng hàng hóa, uy tín của thương hiệu và niềm tin của người tiêu dùng, cạnh tranh về năng lực công nghệ bán hàng đa kênh, về tốc độ, thời gian giao hàng.
“Kết quả của sự cạnh tranh này một mặt thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, đồng thời đem lại quyền lợi chính đáng cho các nhà cung ứng hàng hóa, các nhà sản xuất và của cả người tiêu dùng”, ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.
Ngoài ra, thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2023 còn chứng kiến sự bùng nổ của các cuộc xúc tiến thương mại mở rộng thị phần bán hàng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước. Những cuộc hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm vùng miền, các sản phẩm OCOP đã đem lại sự sôi động hơn cho thị trường bán lẻ Việt Nam trong năm qua.
Bên cạnh đó, theo ông Phú, năm 2023 cũng ghi nhận sự quan tâm chỉ đạo sát sao của nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, được thể hiện bằng chính sách giảm thuế VAT, tạo công ăn việc làm, tăng sức mua cho thị trường, kéo theo sự sôi động hơn trên thị trường.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ 11 tháng năm 2023 tăng trường 9,6% so năm ngoái. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thương mại có những tiến bộ hơn những năm trước, đồng thời cũng có tác dụng thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, thực hiện hiệu quả hơn cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Chênh lệch về giá xảy ra nhiều năm, ở nhiều mặt hàng
Nông dân trồng tỏi thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận điêu đứng với chuyện tỏi mất mùa, mất giá hồi đầu năm 2023. (Ảnh: NGUYỄN TRUNG) |
Tuy đạt được những kết quả như trên song ông Phú cũng cho rằng, năm 2023 vừa qua vẫn còn những vấn đề cần nghiên cứu nghiêm túc, đầy đủ hơn để khắc phục những vướng mắc tồn tại và cả những yếu kém để thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả hơn trong những năm tới.
Trước tiên, dưới góc độ lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, ông Phú chỉ rõ phải nhắc đến hiện tượng chênh lệch về giá cả, khi giá đầu ra của nhà sản xuất, người nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp vẫn khá thấp, hay bị hòa vốn hoặc lỗ, qua khâu trung gian và bán lẻ độc quyền hưởng lợi nhuận cao nhất, rồi đến thị trường bán lẻ, giá bán cho người tiêu dùng vẫn đội lên cao gấp 2-3 lần.
Vấn đề này xảy ra rất nhiều năm nay ở nhiều mặt hàng, nhiều địa phương, điển hình như các mặt hàng trong năm bao gồm: Gà, vịt các loại, thịt lợn, cam sành, thanh long, dưa hấu, bí xanh, bí đỏ…
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhấn mạnh, nguyên nhân chính của hiện tượng trên vẫn là hàng hóa qua nhiều khâu trung gian lúc rộ thời vụ thu hoạch do không có kho dự trữ nên thường bị lợi dụng ép giá.
Mua bán trên thị trường chủ yếu là mua đứt, bán đoạn không thông qua sàn giao dịch hàng hóa, rất ít chuỗi cung ứng ngắn được thiết lập, dẫn đến ranh giới giữa nhà buôn chân chính và gian thương vẫn rất mỏng manh. Ngoài ra, hiệu quả của công tác chống buôn lậu thương mại vẫn chưa được như mong muốn.
Tổ chức lại hệ thống phân phối, tập trung vào kênh chợ truyền thống
Chợ Hàng Bè, Hà Nội. (Ảnh minh họa: NHẬT QUANG) |
Trên nền tảng của năm 2023, để đạt mục tiêu ổn định thị trường giá cả nội địa, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024, ông Vũ Vinh Phú nêu kiến nghị, trước hết về sản xuất, cần xây dựng quy hoạch phát triển theo vùng một cách ổn định, sản xuất phải gắn với kho dự trữ và cơ sở chế biến sâu nhằm tăng giá trị cho sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Để chống được ép giá, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa một cách chủ động theo chuỗi sản xuất phân phối của từng mặt hàng nhất là nhóm hàng nông sản thực phẩm, cần tổ chức lại hệ thống phân phối một cách khoa học, quan tâm hơn đến hạ tầng của kênh chợ truyền thống.
Theo ông Phú, có đến 80% các sản phẩm tươi sống hiện nay trên thị trường được lưu thông qua kênh chợ truyền thống. Do đó, việc tổ chức lại hệ thống phân phối cần đặc biệt tập trung vào củng cố, nâng cấp, xây mới các chợ dân sinh hiện nay vốn đang bị xuống cấp nhiều mặt dẫn tới kinh doanh sa sút, năng lực cạnh tranh kém so với kênh bán hàng hiện đại.
Đồng thời, cần thiết lập hệ thống chợ đầu mối vùng có chức năng bổ sung đóng vai trò như các sàn giao dịch mua bán hàng hóa nông sản thực phẩm tại các địa phương có nguồn hàng sản xuất lớn.
Về phía các doanh nghiệp, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, cần chủ động có các phương án trong nội bộ để đối phó với biến động trong năm tới cả ở bên trong nội địa và các tác động ở bên ngoài của các khu vực và thế giới.
Về phía Nhà nước, cần tiếp tục thực hiện các chính sách kích thích sức mua, phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng Việt ở thị trường nội địa, bên cạnh bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực và quốc tế, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước theo định hướng phát triển thị trường nội địa của Việt Nam.
Ngoài ra, để khắc phục những bất cập của thị trường bán lẻ, Nhà nước cũng cần điều hành giá cả các mặt hàng quan trọng là đầu vào của sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng gia đình như điện, xăng, dầu, than theo hướng từng bước vận hành theo cơ chế thị trường, tăng cạnh tranh bình đẳng, giảm điều hành theo kiểu hành chính, nhiều đầu mối quản lý, kiểm soát chặt chẽ giá bán cho sản xuất và tiêu dùng một cách công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của Việt Nam.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()