LSO-Những năm qua, với tiềm năng, lợi thế về thương mại – dịch vụ, Lạng Sơn ngày càng trở thành trung tâm giao thương sầm uất của cả nước. Tuy vậy, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái phát sinh, phát triển. Với kỹ thuật tinh vi, hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều và có xu hướng công khai bày bán tại các chợ, cửa hàng… Việc lưu hành hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính mà còn là rào cản đối với các doanh nghiệp trong nỗ lực tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu. Chính vì vậy, kể từ năm 2007, ngày 29/11 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy làm “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái” nhằm thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong cuộc chiến không khoan nhượng với thực trạng này.Cán bộ quản lý thị trường hướng dẫn người dân cách nhận biết bàn chải đánh răng giả - Ảnh: Trúc LamTheo Ban Chỉ đạo 127 tỉnh, chỉ trong...
LSO-Những năm qua, với tiềm năng, lợi thế về thương mại – dịch vụ, Lạng Sơn ngày càng trở thành trung tâm giao thương sầm uất của cả nước. Tuy vậy, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái phát sinh, phát triển.
Với kỹ thuật tinh vi, hàng giả, hàng nhái xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều và có xu hướng công khai bày bán tại các chợ, cửa hàng… Việc lưu hành hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính mà còn là rào cản đối với các doanh nghiệp trong nỗ lực tìm kiếm thị trường, phát triển thương hiệu. Chính vì vậy, kể từ năm 2007, ngày 29/11 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy làm “Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái” nhằm thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong cuộc chiến không khoan nhượng với thực trạng này.
|
Cán bộ quản lý thị trường hướng dẫn người dân cách nhận biết bàn chải đánh răng giả – Ảnh: Trúc Lam |
Theo Ban Chỉ đạo 127 tỉnh, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2010, các lực lượng chức năng trong toàn tỉnh đã xử lý 84 vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2009. Hàng hóa tịch thu chủ yếu là mũ bảo hiểm và một số loại mỹ phẩm, túi đựng mì chính, điện thoại di động. Ngành chức năng đã ra quyết định xử phạt 15 vụ với số tiền phạt trên 294 triệu đồng. Từ tháng 10 tới nay, tuy chưa có số liệu chính xác nhưng theo đại diện một số ngành chức năng, các vi phạm có xu hướng gia tăng rõ rệt.
Trước đây, hàng giả, hàng nhái thường chỉ phát sinh khi hàng hóa sản xuất ra không đủ tiêu dùng. Nhưng nay, khi quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng đã được cải thiện đáng kể, thậm chí có nhiều mặt hàng cung đã vượt cầu, hàng giả, hàng nhái lại càng có cơ hội phát sinh và phát triển. Sở dĩ có tình trạng này là do tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, cùng với khâu quản lý lỏng lẻo đã làm nảy sinh vấn nạn cạnh tranh không lành mạnh. Hàng giả, hàng nhái khá phổ biến ở nhiều mặt hàng, từ những mặt hàng thông thường, như mỹ phẩm, quần áo, hàng hiệu, túi xách, những mặt hàng liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người, như thuốc tân dược, rượu, một số thực phẩm…, đến những mặt hàng có tính kỹ thuật, những mặt hàng cao cấp, có giá trị lớn, như phụ tùng xe máy, đầu VCD, DVD… Đến cả “tem chống hàng giả” cũng bị làm nhái, làm giả. Sự ra đời của một loại hàng giả, hàng nhái thời nay cũng rất nhanh, có khi chỉ khoảng nửa tháng sau khi xuất hiện một sản phẩm ăn khách thì hàng giả, hàng nhái đã xuất hiện tràn lan ngoài thị trường.
Hàng giả, hàng nhái khi đã lọt được vào lưu thông sẽ gây tác hại rất lớn. Bởi ưu thế giá rẻ nên trước hết nó lấn mất thị phần của doanh nghiệp chân chính. Tiếp theo, khi đã lừa được người tiêu dùng thì hàng giả, hàng nhái mới lộ diện kém chất lượng và tiêu tan lòng tin của người tiêu dùng. Mặt khác, uy tín của doanh nghiệp làm ăn chân chính bị giảm sút… Như vậy, hàng giả, hàng nhái không chỉ là kẻ thù của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn là kẻ thù của người tiêu dùng, chẳng những bị lừa mất tiền, nhiều trường hợp còn gây nguy hại đối với sức khỏe và tính mạng con người.
|
Khách mua hàng Việt tại hội chợ thương mại – Ảnh: M.V.H |
Quan điểm của các cấp, ngành chức năng luôn không khoan nhượng trước thực trạng nêu trên. Song, việc xử lý hàng giả lại không dễ. Theo lực lượng quản lý thị trường, khó khăn nhất trong quá trình chống hàng giả hiện nay là khâu giám định. Để khẳng định hàng giả, cần phải tiến hành giám định nhưng trên thực tế rất nhiều vụ vi phạm khi phát hiện, lại không thể giám định được vì hàng hoá có nguồn gốc từ các nước không đăng ký chất lượng tại Việt Nam, hàng hoá không có ai xác nhận là hàng giả vì không có cơ quan đại diện của nhà sản xuất tại Việt Nam… Hơn nữa, nhiều người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn mua vì giá rẻ…
Trong điều kiện mở cửa, hội nhập mạnh mẽ của đất nước ta hiện nay, việc vi phạm hay dung túng vi phạm sở hữu trí tuệ là vi phạm luật pháp quốc tế, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của hàng Việt Nam. Với vị trí là một đầu cầu hội nhập quan trọng của cả nước, Lạng Sơn có vai trò rất quan trọng, một trách nhiệm nặng nề trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong thực tế hiện nay, để nâng cao hiệu quả công tác này, việc phát huy vai trò của doanh nghiệp mang ý nghĩa quyết định. Song, rất cần sự phối hợp tích cực, đồng bộ của các cơ quan chức năng, tăng cường tuyên truyền trong người tiêu dùng, kể cả sự trung thực của hệ thống đại lý doanh nghiệp để không tiếp tay với những kẻ tội phạm trên lĩnh vực này.
Hoàng Thái
Ý kiến ()